Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Dân số - KHHGĐ và kế hoạch triển khai chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030 tỉnh Lâm Đồng, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh hướng dẫn các đơn vị tổ chức chiến dịch phù hợp với vùng mức sinh.
![]() |
Tư vấn, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ cho các phụ nữ trẻ ở Lạc Dương, vùng có mức sinh cao |
Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đề nghị Trung tâm Y tế các huyện, thành phố phối hợp, triển khai thực hiện chiến dịch phù hợp với vùng mức sinh. Tham mưu UBND các huyện, thành phố kế hoạch đảm bảo ngân sách địa phương triển khai chiến dịch theo yêu cầu, nhiệm vụ, đặc điểm tình hình cụ thể tại địa phương và theo đúng quy định.
Chiến dịch hàng năm được tổ chức làm 2 đợt: Đợt I tổ chức tại ít nhất 70% số xã địa bàn chiến dịch; thời gian bắt đầu từ ngày 15/3 và kết thúc trước ngày 30/6 hàng năm. Đợt II tổ chức ở các xã địa bàn chiến dịch chưa triển khai trong đợt I và bổ sung thực hiện chiến dịch lượt II tại các xã chưa hoàn thành chỉ tiêu chiến dịch; kết thúc chiến dịch đợt II trước ngày 30/11 hàng năm.
* Đối với những địa bàn có mức sinh cao thuộc các huyện: Lạc Dương, Lâm Hà, Đam Rông, tập trung giảm mức sinh để sớm đạt mức sinh thay thế; giảm tình trạng mang thai ngoài ý muốn, giảm phá thai; cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em, góp phần nâng cao chất lượng dân số và phát triển bền vững. Tuyên truyền “Dừng ở hai con để nuôi, dạy cho tốt”, vận động trong chiến dịch về lợi ích của việc sinh ít con đối với phát triển kinh tế - xã hội và nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc. Tổ chức tư vấn và cung cấp các gói dịch vụ KHHGĐ, sức khỏe sinh sản tại các địa bàn triển khai chiến dịch, chú trọng cung cấp các biện pháp tránh thai dài hạn. Đảm bảo thuốc thiết yếu, trang thiết bị, dụng cụ y tế, phương tiện tránh thai phục vụ chiến dịch đầy đủ và kịp thời.
Tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ KHHGĐ, sức khỏe sinh sản tại các địa bàn thuộc vùng mức sinh cao đến năm 2025. Chiến dịch triển khai tại các huyện có mức sinh cao: Lạc Dương, Đam Rông, Lâm Hà. Chỉ tiêu phấn đấu trên 80% vị thành niên, thanh niên và các cặp vợ chồng được cung cấp thông tin về hệ lụy của mức sinh cao đối với gia đình và xã hội. Trên 90% đơn vị cấp xã tổ chức ít nhất 2 đợt cao điểm tuyên truyền, vận động người dân sinh ít con hơn để nuôi dạy con tốt. Bảo đảm thực hiện các chỉ tiêu KHHGĐ hàng năm tại địa bàn Chiến dịch cụ thể: 60% chỉ tiêu kế hoạch đặt dụng cụ tử cung; 70% chỉ tiêu kế hoạch thuốc tiêm; 60% chỉ tiêu kế hoạch thuốc cấy.
Đối tượng chiến dịch là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, chú trọng các cặp vợ chồng đã sinh hai con và có ý định sinh thêm con. Các đối tượng đặc thù: người tạm trú là cán bộ, công nhân, người lao động... đóng trên địa bàn; đồng bào dân tộc thiểu số, địa bàn khó khăn; vị thành niên, thanh niên.
Trung tâm Y tế các huyện Lạc Dương, Lâm Hà, Đam Rông căn cứ mục tiêu của chiến dịch và tình hình của địa phương để lựa chọn địa bàn phù hợp; tổ chức xây dựng kế hoạch, đảm bảo phương tiện tránh thai, thuốc thiết yếu, vật tư, thiết bị, dụng cụ y tế cho chiến dịch. Huy động các ngành, đoàn thể tham gia tuyên truyền, vận động các đối tượng trong diện vận động thực hiện KHHGĐ.
Huy động các đội dịch vụ lưu động tuyến huyện hỗ trợ kỹ thuật và thực hiện các dịch vụ kỹ thuật, chú trọng triển khai đội lưu động thực hiện chiến dịch hỗ trợ cho các xã thuộc địa bàn khó khăn, còn hạn chế về khả năng cung cấp các dịch vụ kỹ thuật chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ và các dịch vụ nâng cao chất lượng dân số.
Tổ chức tư vấn và cung cấp các gói dịch vụ KHHGĐ, sức khỏe sinh sản tại các địa bàn triển khai chiến dịch, chú trọng cung cấp các biện pháp tránh thai dài hạn; các gói khám phụ khoa, sàng lọc ung thư đường sinh sản. Bảo đảm miễn phí phương tiện tránh thai hiện đại cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, bao gồm cả các cặp vợ chồng, vị thành niên, thanh niên, đối tượng bảo trợ xã hội.
Tăng cường lồng ghép tổ chức các hoạt động của chiến dịch với các hoạt động khác thuộc chương trình Dân số - KHHGĐ, đặc biệt là các mô hình nâng cao chất lượng dân số tại địa bàn triển khai chiến dịch như: Mô hình sàng lọc trước sinh, sơ sinh; tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; giảm thiểu tảo hôn và kết hôn cận huyết thống; giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh.
* Đối với những địa bàn có mức sinh thấp và mức sinh thay thế thuộc các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên, TP Đà Lạt và Bảo Lộc. Duy trì kết quả ở những địa phương đã đạt mức sinh thay thế, nâng cao chất lượng dân số, góp phần thực hiện thành công kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030 giai đoạn 2021- 2025 tỉnh Lâm Đồng. Tuyên truyền “Mỗi gia đình, cặp vợ chồng sinh đủ hai con”, vận động trong chiến dịch về lợi ích của việc sinh đủ hai con; các yếu tố bất lợi của việc kết hôn, sinh con quá muộn; sinh ít con đối với mỗi cá nhân, gia đình và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước. Tổ chức tư vấn và cung cấp các gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ và nâng cao chất lượng dân số tại địa bàn chiến dịch. Tổ chức các loại hình chiến dịch phù hợp với người lao động tại khu công nghiệp, khu kinh tế và điều kiện thực tiễn tại địa phương.
Tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ và nâng cao chất lượng dân số tại vùng mức sinh thấp và mức sinh thay thế đến năm 2025. Chỉ tiêu đề ra có trên 50% đơn vị cấp xã triển khai chiến dịch vận động thanh niên kết hôn trước 30 tuổi và sinh đủ 2 con trước 35 tuổi. Tại địa bàn chiến dịch có trên 50% nam, nữ thanh niên chuẩn bị kết hôn có nhu cầu được tư vấn và khám sức khỏe; trên 50% nam, nữ thanh niên có nhu cầu được tư vấn phòng tránh vô sinh; 80% các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản, vị thành niên và thanh niên được cung cấp thông tin và thụ hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ và nâng cao chất lượng dân số tại địa bàn Chiến dịch.
Chiến dịch triển khai tại các huyện Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm, Bảo Lộc, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên, TP Đà Lạt và Bảo Lộc. Tại mỗi địa bàn triển khai chiến dịch được tổ chức trong khoảng thời gian phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, gồm các hoạt động chủ yếu sau: Tuyên truyền, tư vấn, vận động đối tượng; lập danh sách đối tượng đăng ký thực hiện các dịch vụ trong chiến dịch; tổ chức cung cấp dịch vụ nâng cao chất lượng dân số. Đối tượng tập trung vào nam, nữ trong độ tuổi sinh đẻ, chú trọng các cặp vợ chồng đã sinh 1 con và chưa có ý định sinh thêm con. Các đối tượng đặc thù: công nhân, người lao động thuộc các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp đóng trên địa bàn; vị thành niên, thanh niên.
Tổ chức các sự kiện truyền thông vận động nam, nữ thanh niên không kết hôn muộn, không sinh con muộn, mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con và nuôi dạy con tốt; tạo môi trường thuận lợi để nam, nữ thanh niên giao lưu kết bạn, tìm hiểu hẹn hò và tiến tới hôn nhân; nâng cao hiểu biết về tránh thai, tình dục an toàn, kỹ năng sống. Lồng ghép kết hợp cung cấp dịch vụ khám sức khỏe trước khi kết hôn, sàng lọc ung thư tại cộng đồng và các dịch vụ dân số, sức khỏe sinh sản.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin