Xóm Bến Tre ở Lâm Ðồng

09:01, 02/01/2018

Những người con quê hương Bến Tre đã lên vùng đất Ðạ Ðờn (Lâm Hà) để sinh sống và lập nghiệp. Biết bao giọt mồ hôi, nước mắt trộn lẫn đất đai đã biến nơi đây từ vùng đất hoang sơ trở nên trù phú...

Những người con quê hương Bến Tre đã lên vùng đất Ðạ Ðờn (Lâm Hà) để sinh sống và lập nghiệp. Biết bao giọt mồ hôi, nước mắt trộn lẫn đất đai đã biến nơi đây từ vùng đất hoang sơ trở nên trù phú...
 
Ông Tài và ông Diện là những cư dân Bến Tre đầu tiên vào Lâm Đồng. Ảnh: H.Y
Ông Tài và ông Diện là những cư dân Bến Tre đầu tiên vào Lâm Đồng. Ảnh: H.Y

Những ngày gian khó
 
Ngót nghét hơn 20 năm trôi qua, kể từ khi ông Lê Văn Diện (76 tuổi) - một trong 7 người dân Bến Tre đầu tiên đặt chân tới vùng đất R’Lơm, xã Đạ Đờn (Lâm Hà) và nay đã hình thành xóm Bến Tre như ngày nay. Ngôi nhà của ông Diện được xây cất bằng vật liệu gỗ đặc trưng của xứ Bến Tre nổi bật giữa những ngôi nhà khang trang.
 
Đã bước sang tuổi 76, ông Diện vẫn còn nhớ như in những ngày đầu gian khó đặt chân đến vùng đất hoang vu xã Đạ Đờn. Ông Diện tâm sự, ông là một trong 7 người Bến Tre đầu tiên vào vùng đất này, bởi khi quê hương ông đất chật người đông, đất canh tác không có ông đành tìm tới miền đất này để phát triển kinh tế. Và hiển nhiên những người Bến Tre mới chân ướt chân ráo vào vùng đất mới, rời xa nơi mà mình từng sống gắn bó với ruộng đất của tổ tiên, với mái nhà, với mảnh vườn, với làng xóm láng giềng biết bao đời ắt hẳn mang trong mình nỗi nhớ thương và gặp phải vô vàn khó khăn nơi ở mới. Miền Tây quanh năm nóng vậy mà lên vùng đất mới trời lạnh thấu xương, những chiếc chăn bông dày không đủ làm ấm lòng chúng tôi bởi cái lạnh của thời tiết, lạnh của nỗi cô đơn, nhớ nhà… Những ngày mới đặt chân vào đây chỉ là vùng rừng núi hoang vu xung quanh là rừng tre, nứa, xa xa có tiếng nước chảy ầm ào của dòng sông quanh năm tuôn đổ. Cuộc sống khó khăn, cộng với thời tiết khắc nghiệt nhưng ban ngày chúng tôi làm thuê mướn để lấy tiền ăn, đêm xuống chúng tôi thay nhau chặt tre, khai hoang lấy đất sản xuất tỉa thêm bắp, đậu để có thêm lương thực sống qua ngày, dần dà  tạo lập vườn tược. Sau thời gian có hoa lợi, mọi người lại tiếp tục khai phá thêm. Người Bến Tre ở đây sinh sống đoàn kết, cùng nhau khai phá, chia đất cho nhau sản xuất và cùng giúp nhau dựng nhà sinh sống. 
 
“Thuở mới vô đất này, nhìn ba bên bốn bề toàn là cây rừng. Thế nhưng, người Bến Tre ở đây vẫn bám đất và những giọt mồ hôi, nước mắt đổ xuống đã nở hoa trên đất này. Từ đôi bàn tay, chúng tôi đã biến vùng rừng núi trở nên trù phù xanh mướt những nương rẫy cà phê tươi tốt” -  ông Diện tự hào.
 
Trong hành trình tìm hiểu về cuộc sống cũng như văn hóa của cư dân nơi đây, chúng tôi bắt gặp các chị, các em với những nụ cười rạng rỡ và đôi tay thoăn thoắt hái cà phê. Chị Võ Thị Mai Ly (Mỏ Cày, Bến Tre) thổ lộ cùng chúng tôi bên những cây cà phê chín mọng rằng, trong tâm hồn người xa quê từ những ngày thơ bé như chị, hai tiếng Bến Tre giờ chỉ còn trong câu chuyện và hoài niệm xa xôi. Tuy nhiên, vài ba năm gia đình lại lặn lội về quê, nhất là dịp lễ, tết đi tảo mộ ông bà tổ tiên, thắp những nén nhang bái tạ công đức tiền nhân để thấy lòng ấm hơn, bước chân rắn rỏi hơn nơi xứ người. 
 
Quê hương “Ðồng Khởi” không phai nhạt
 
Người Bến Tre vốn nổi tiếng cần cù, chịu khó, chịu khổ và kiên cường. Sau khi làm chủ đất đai, họ nhanh chóng gây dựng thành một cộng đồng giàu có và thành đạt. Ông Võ Văn Tài, Trưởng xóm Bến Tre tự hào nói: “Xa quê chính là một thiệt thòi nhưng cũng là động lực để cộng đồng người Bến Tre yêu thương, đùm bọc, kiên cường trong mọi hoàn cảnh. Từ 7 hộ cư dân đầu tiên sinh sống, đến nay xóm Bến Tre đã có hơn 90 hộ, dần dần một số người dân xứ Quảng, ngoài Bắc đổ về đây sinh sống làm cho vùng đất trở nên trù phú hơn bao giờ hết. 
 
Trong ký ức của những thế hệ người Bến Tre đầu tiên ở vùng đất Lâm Hà như ông Tài, ông Diện, dù đã sống trọn vẹn 20 năm trên cao nguyên Lâm Đồng nhưng không hề phai mờ ký ức với quê hương xứ sở. “Tôi năm nào cũng về thăm quê nhưng vẫn luôn nhớ khôn nguôi dòng sông, con đò quê mình. Đó còn là ký ức về quê nghèo mãi không bao giờ mất đi”. Ông Tài nói rằng, dường như trong lòng mỗi người Bến Tre xa quê luôn có một dòng sông quê hương để thương nhớ. Đó cũng chính là bài học làm người đầu tiên và giản dị nhất: luôn nhớ về quê hương, về nguồn cội tổ tiên. 
 
Ông Tài còn hẹn chúng tôi ăn cái tết đậm chất Bến Tre ngay trên vùng đất Nam Tây Nguyên này với các loại đặc sản từ dừa, cơm dừa, đuông dừa, kẹo dừa, bánh xèo ốc gạo, chuối đập… là những món ăn dân dã thơm ngon tuyệt hảo như chính bản tính con người nơi xứ dừa Bến Tre.
 
Câu chuyện về cuộc di dân của người Bến Tre trở thành giai thoại trên mảnh đất Nam Tây Nguyên này. Ông Lê Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Đạ Đờn cho biết, là người từ Bến Tre lên Lâm Hà lập nghiệp nên người dân ở xóm Bến Tre rất chịu khó làm ăn. Khi có chủ trương đầu tư tuyến đường rải đá cấp phối với hơn 4,5 tỷ đồng, người dân vô cùng phấn khởi bởi có con đường đời sống của họ sẽ ổn định hơn, con em học hành tốt hơn. Người dân được bố trí đất ở, đất sản xuất đã có điều kiện để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào đầu tư sản xuất nông - lâm nghiệp. Từ đây, đẩy nhanh công tác xóa đói giảm nghèo, cải thiện cuộc sống của dân di cư tự do, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và phát triển bền vững của xã. 
 
Ân tình của người Bến Tre dành cho quê cũ cứ mãi bám níu tôi. Để khi trở về, chầm chậm đi qua những ngôi nhà gỗ, có hàng dừa, mương nước, ao hồ xung quanh hay những chùm hoa giấy mọc trên nhà gỗ cũ ngay trên vùng đất thôn R’Lơm, xã Đạ Đờn (Lâm Hà) mà cứ có cảm giác đang ở đâu đó trong làng quê xứ sở “ai đứng như bóng dừa…”.
 
HOÀNG YÊN