
Gần đây, nhiều hộ dân nghèo, đặc biệt là hộ người đồng bào dân tộc thiểu số ở Ðam Rông vươn lên thoát nghèo nhờ nguồn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất.
Gần đây, nhiều hộ dân nghèo, đặc biệt là hộ người đồng bào dân tộc thiểu số ở Ðam Rông vươn lên thoát nghèo nhờ nguồn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất.
 |
Nhờ nguồn vốn vay, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo. Ảnh: H.Y |
Là huyện “sinh sau, đẻ muộn” của Lâm Đồng, Đam Rông hiện có số hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 73%.
Ðể giúp các hộ dân ở đây phát triển kinh tế, Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Ðam Rông đặc biệt chú trọng đến việc cho vay phát triển sản xuất.
Gia đình chị K’Lũy ở Thôn 1, xã Phi Liêng là một trong những hộ gia đình được vay vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội để phát triển chăn nuôi bò sinh sản. Chị K’ Lũy cho biết, gia đình chị chọn cách trồng cỏ, chăn nuôi bò thịt thay vì trồng các loại cây truyền thống. Bình quân mỗi năm đàn bò nhà chị cho thu nhập 20 triệu đồng. Hiện giờ gia đình chị Lũy đã phát triển được hơn 6 con bò. “Tôi thấy trong việc chăn nuôi thì chỉ có nuôi bò là hiệu quả nhất với đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi vì bò ít bị dịch bệnh, thức ăn tự nhiên sẵn có, không cần chăn dắt. Một con bê khoảng 8 tháng tuổi hiện bán được hơn 10 triệu đồng nên hiệu quả rất cao. Mình phải biết phấn đấu vươn lên, thấy họ làm gì hiệu quả thì mình cũng bắt chước làm theo. Phải lo cho tương lai con cái chứ sống mà nghèo mãi thì xấu hổ lắm. Phải biết tranh thủ nguồn vốn vay từ Ngân hàng chính sách thì mới khá lên được. Từ con bò đầu tiên gia đình đã phát triển đàn bò như bây giờ. Có thu nhập từ chăn nuôi bò nên con cái được học hành đàng hoàng. Từ chỗ là hộ nghèo đến nay kinh tế phát triển, số nợ ngân hàng gia đình cũng đã trả xong năm ngoái”.
Ông Vũ Xuân Quế, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đam Rông cho biết, nhờ có nguồn vốn ưu đãi của NHCS, trong những năm qua đã giúp giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, nhiều gia đình được sử dụng nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh, nhiều ngôi nhà của người nghèo được xây dựng khang trang; nhiều con em trong các gia đình nghèo, cận nghèo được vay vốn để theo học đại học, cao đẳng… Từ việc sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách có hiệu quả đã xuất hiện nhiều gương nông dân điển hình tiên tiến trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi như: hộ ông Vũ Xuân Trường ở xã Đạ K’Nàng; hộ ông Nguyễn Văn Xuân xã Phi Liêng; hộ ông Cil Ha Krong ở xã Liêng S’rônh; hộ bà Đỗ Thị Thắm ở xã Rô Men; hộ ông Nguyễn Văn Thân ở xã Đạ Rsal…
Để giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác sử dụng vốn vay có hiệu quả, Hội Nông dân huyện luôn coi trọng việc hướng dẫn họ về kỹ thuật sản xuất, kiến thức kinh doanh… Hằng năm, Hội đã phối hợp với Trung tâm dạy nghề, Phòng Nông nghiệp và Trung tâm Nông nghiệp tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật theo mùa vụ hoặc theo từng loại cây trồng, vật nuôi, loại hình sản xuất, kinh doanh cho người vay…
Ông Bạch Văn Trường, Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Đam Rông khẳng định, vốn tín dụng chính sách được ưu tiên đầu tư cho vùng nghèo, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển vùng nguyên liệu, phát triển vật nuôi cây trồng có thế mạnh tại địa phương. Từ nguồn vốn tín dụng chính sách (TDCS) đã tạo việc làm, ổn định kinh tế giúp 607 hộ thoát nghèo, giảm nghèo bền vững, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của huyện Đam Rông xuống còn 27,47%, giảm 7,74% so với năm 2016. Nguồn vốn đầu tư cho trên 1.220 hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo vay vốn để phát triển kinh tế hộ gia đình; có tác động trực tiếp đến hơn 1.875 hộ, giúp cho trên 1.700 lao động có vốn sản xuất tạo việc làm; đầu tư trên 1.645 ha cà phê; tạo điều kiện cho 21 hộ gia đình vay vốn HSSV trang trải chi phí học tập; 233 hộ tại vùng nông thôn xây dựng nhà vệ sinh và công trình nước sạch đạt chuẩn, 41 hộ nghèo vay vốn làm nhà ở. Từ hiệu quả của các chương trình TDCS đã từng bước nâng cao mức sống của nhân dân, tăng thu nhập bình quân đầu người; góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị xã hội trên địa bàn huyện. Điều đó khẳng định vốn TDCS là điểm tựa lớn cho các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo có điều kiện thoát nghèo, cải thiện đời sống.
HOÀNG YÊN