Kinh nghiệm thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng

08:01, 19/01/2018

Với tổng diện tích đất có rừng 532.081 ha, Lâm Ðồng giữ vị trí quan trọng trong điều tiết nguồn nước cho các sông suối, hồ trên địa bàn và khu vực Ðông Nam bộ với 2 lưu vực sông chính là Ðồng Nai và Sêrêpôk. 

Với tổng diện tích đất có rừng 532.081 ha, Lâm Ðồng giữ vị trí quan trọng trong điều tiết nguồn nước cho các sông suối, hồ trên địa bàn và khu vực Ðông Nam bộ với 2 lưu vực sông chính là Ðồng Nai và Sêrêpôk. Vì vậy, là một trong 2 tỉnh được chọn thí điểm triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) từ năm 2009 nên có nhiều kinh nghiệm quý được chia sẻ trong và ngoài nước.
 
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt trực tiếp tìm hiểu công tác QLBV&PTR qua bà con dân tộc thiểu số thụ hưởng chính sách chi trả DVMTR. Ảnh: Đạo Phan
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt trực tiếp tìm hiểu công tác QLBV&PTR
qua bà con dân tộc thiểu số thụ hưởng chính sách chi trả DVMTR. Ảnh: Đạo Phan

Để triển khai, bắt đầu là công tác tổ chức, chỉ đạo, điều hành thực hiện chính sách. Ban chỉ đạo cấp tỉnh được thành lập, do Phó chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban, thành viên là lãnh đạo các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố. Theo đó, sở NN&PTNT cùng các sở, ngành, địa phương tham mưu xây dựng kế hoạch, chỉ đạo triển khai thực hiện… Kết quả đạt được thời gian qua như sau: chi phí quản lý của Quỹ BV&PTR tỉnh 9% tổng thu, chi cho chủ rừng 91%; hai lưu vực sông chính thu và chi theo từng lưu vực. Các chủ rừng là tổ chức nhà nước có diện tích chi trả lớn nhất (chiếm tỷ lệ 93,6% tổng diện tích chi trả hàng năm và trong số diện tích này chủ yếu đã khoán BVR trực tiếp đến hộ (chiếm tỷ lệ 96,1% diện tích chi trả). Diện tích chi trả cho các đối tượng chủ rừng khác như hộ gia đình, cộng đồng không đáng kể, chỉ chiếm 3,9%. 
 
Ở Lâm Ðồng đã chi cho chủ rừng với tổng số tiền 975.789 triệu đồng; chiếm tỷ lệ khoảng 90%; diện tích rừng được chi trả tiền DVMTR để QLBV và số hộ tăng dần theo từng năm (từ 272.537 ha năm 2011 lên 370.154 ha năm 2017 (bình quân 330.000 ha/năm). 
 
Đối tượng được chi trả (hưởng lợi trực tiếp) chủ yếu là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn, tổ chức có hợp đồng nhận khoán BVR với chủ rừng (khoảng 16.000 hộ/năm, trong đó 70% đồng bào dân tộc thiểu số). Chi phí quản lý của Quỹ tỉnh 103.074 triệu đồng, chiếm tỷ lệ khoảng 10% (bao gồm cả chi hỗ trợ cho các chương trình, dự án khác) và chi trích lập quỹ dự phòng 15.785 triệu đồng.
 
Thực hiện chính sách chi trả DVMTR thực tế đã có nhiều tác động rất rõ: nhận thức của người cung cấp (người BVR) và đơn vị sử dụng; diện tích rừng khoán BVR từ nguồn chi trả DVMTR cao và tăng hàng năm; rừng được bảo vệ tốt hơn; người dân được cải thiện sinh kế… Tuy nhiên vẫn còn những tồn tại hạn chế theo ông Nguyễn Văn Bằng - Phó Giám Đốc Quỹ BV&PTR tỉnh Lâm Đồng, trước hết là các quy định, hướng dẫn thực hiện chính sách (cả về thu và chi tiền DVMTR), tiếp tục cần nghiên cứu điều chỉnh. 
 
Chia sẻ về bài học kinh nghiệm, ông Bằng cho rằng, việc triển khai thành công và thực hiện tốt chính sách chi trả DVMTR cần sự đồng thuận cao của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là các đối tượng sử dụng và cung ứng DVMTR. Mặt khác, sự chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo UBND tỉnh, của các Sở, ngành thông qua Ban chỉ đạo cấp tỉnh. Cùng đó, vai trò quan trọng của Quỹ BV&PTR tỉnh trong công tác tham mưu. Để chính sách chi trả DVMTR hiệu quả cao, đó còn là phải coi trọng hoạt động tuyên truyền, phổ biến, quán triệt về chính sách chi trả cho các đối tượng liên quan; tích cực chủ động làm việc, đôn đốc các đơn vị sử dụng DVMTR thực hiện việc nộp tiền ủy thác theo đúng các quy định; thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, giám sát và hỗ trợ các đơn vị chủ rừng trong quá trình lập các hồ sơ, thủ tục liên quan đến việc thụ hưởng tiền, quản lý sử dụng tiền DVMTR có hiệu quả, hợp pháp, hợp lý và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. 
 
Qua 9 năm triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR, đâu là sự triển vọng ở Lâm Đồng? Ông Nguyễn Văn Bằng cho biết: Nghị định số 147/2016/NĐ-CP của Chính phủ đã điều chỉnh mức thu nộp tiền DVMTR, đối với các cơ sở sản xuất và cung cấp nước sạch từ 40 đồng/m3 nước tăng lên 52 đồng/m3 nước (tăng 1,3 lần và áp dụng từ ngày 1/1/2017); đối với các cơ sở sản xuất thủy điện từ 20 đồng/kwh điện tăng lên 36 đồng/kwh điện (tăng 1,8 lần, áp dụng 1/12/2017). Với thực tế thu và tỷ lệ thu từ các nguồn của 3 đối tượng (thủy điện (93,8%), nước sạch (5,7%) và du lịch (0,5%) trên địa bàn tỉnh hiện nay thì từ năm 2018 dự kiến tổng số tiền DVMTR thu ước khoảng 280 tỷ đồng/năm, tăng thêm khoảng 100 tỷ đồng/năm với so Nghị định số 99. “Với nguồn thu này thì toàn bộ diện tích rừng nằm trong các lưu vực chi trả sẽ được chi trả với đơn giá dự kiến 600.000 đồng/ha/năm, sẽ góp phần đáng kể vào công tác BVR và các hoạt động liên quan khác”, ông Nguyễn Văn Bằng khẳng định.
 
Cũng bàn về kinh nghiệm từ việc triển khai thực hiện chia sẻ lợi ích BVPTR từ các bên, ông Lê Văn Hương, Giám đốc Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà cho rằng, quan trọng là sự chia sẻ và cùng cộng tác của nhiều phía, nhiều đối tượng: nhà quản lý, chủ rừng, chính quyền địa phương, người dân, cơ quan truyền thông… Đây là đơn vị chủ rừng có tổng diện tích hơn 69.688 ha, trong đó 66.270 ha có rừng và đã chi trả 60.272 ha. Thời gian qua, có thể thấy mức chi trả cho các hộ nhận khoán QLBVR ở đây hàng năm lớn nhất nước. Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Hương, nếu bắt đầu thực hiện chính sách này nên mở rộng phạm vi theo hướng chính sách chi trả dịch vụ hệ sinh thái, không bó hẹp DVMTR như ở Việt Nam đang triển khai. Theo mô hình mới sẽ vừa bao quát quản lý BVR diện rộng, vừa thu được kinh phí “nuôi lại rừng” từ đối tượng sử dụng rừng. 
 
ÐẠO PHAN