
"Mức độ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại Lâm Ðồng được đánh giá cao hơn so với các địa phương khác trên cả nước, năm sau có xu hướng tăng hơn so với năm trước". Ðó là đánh giá của Chi cục BVTV tỉnh, từ đấy UBND tỉnh Lâm Ðồng đã chỉ đạo các sở và địa phương liên quan khắc phục những tác động xấu từ sản xuất nông nghiệp để làm sạch nguồn nước của hồ này.
“Mức độ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tại Lâm Ðồng được đánh giá cao hơn so với các địa phương khác trên cả nước, năm sau có xu hướng tăng hơn so với năm trước”. Ðó là đánh giá của Chi cục BVTV tỉnh, từ đấy UBND tỉnh Lâm Ðồng đã chỉ đạo các sở và địa phương liên quan khắc phục những tác động xấu từ sản xuất nông nghiệp để làm sạch nguồn nước của hồ này.
 |
Thu gom bao gói thuốc BVTV tại khu vực hồ Đankia - Suối Vàng. Ảnh: M.Đ |
Theo Báo cáo tại Dự án “Điều tra, đánh giá tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” của Sở TN&MT: Chất lượng nước thuộc các hồ nhìn chung đã bị ô nhiễm bởi các thông số hóa, lý và vi sinh và diễn biến trong các năm từ 2010 đến năm 2014 theo hướng tăng dần. Nguồn gây ô nhiễm chủ yếu do chịu tác động bởi hoạt động sản xuất nông nghiệp, các hoạt động sinh hoạt của người dân sống xung quanh khu vực các hồ và chất thải đô thị. Với hồ Đankia - Suối Vàng, chất lượng nước đã bị ô nhiễm bởi các thông số hữu cơ, TSS và Coliforms. Nguyên nhân chính là phía trên khu vực thượng nguồn của hồ diễn ra hoạt động sinh hoạt của người dân và hoạt động canh tác nông nghiệp trên lưu vực thượng nguồn nhưng nhiều năm nay, chưa có biện pháp xử lý rác thải nông nghiệp nên làm cho chất lượng nước hồ ngày càng suy giảm. Mức độ đa dạng thành phần loài của các nhóm đối tượng thủy sinh vật ở mức trung bình và khá thấp. Tình trạng ô nhiễm ở hồ Đankia đang có xu hướng ngày càng xấu theo thời gian quan trắc. Đặc biệt từ năm 2013 - 2014, vào đợt quan trắc tháng 10/2014 có sự phát triển chiếm ưu thế của loài tảo Lam Microcystis aeruginosa, đây là loài có khả năng gây độc cho các loài thủy sinh và con người. Điều đó cho thấy, mức độ nhiễm bẩn hữu cơ của hồ Đankia đang ngày một gia tăng trên diện rộng.
Nhìn rộng ra toàn tỉnh, việc sử dụng thuốc BVTV, theo Chi cục BVTV, Sở NN&PTNT Lâm Đồng, các loại cây trồng sử dụng thuốc BVTV nhiều nhất là chè, cà phê, các loại rau và hoa. Đặc biệt vấn đề đáng quan tâm là, phần lớn người dân ưu tiên sử dụng các nhóm thuốc có độc tố cao (nhóm II và III) kết hợp việc trộn từ 2-3 loại thuốc để phun một lần. Mặt khác, vẫn còn nhiều nông dân sử dụng thuốc với liều lượng tăng gấp 1,5-2 lần so với khuyến cáo. Kết quả nghiên cứu của cơ quan chức năng và đơn vị sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV cho thấy: tỷ lệ bao bì/khối lượng thuốc đối với chai nhựa khoảng 12-15%, gói và loại khác chiếm 3-5%; trong đó chai nhựa chiếm 70-80%, gói và các loại khác chiếm 20-30%. Như vậy, hàng năm lượng vỏ bao gói thuốc BVTV thải ra môi trường khoảng 560-800 tấn trên địa bàn toàn tỉnh.
Đây là chất thải nguy hại (CTNH), tuy nhiên, hầu hết các vùng sản xuất bao gói thuốc BVTV chưa được các cấp, các ngành và người sản xuất thu gom, xử lý đúng mức. Đối với các cơ sở, nông hộ sản xuất đại trà, có đến 80% người sử dụng thuốc BVTV chưa thực hiện thu gom bao gói, chủ yếu đang bỏ lại tại đất canh tác, trên lối đi, dưới mương rãnh, ao hồ. Một số ít tuy có thu gom nhưng sau đó lại thả xuống các khu vực như bờ sông, suối, khe núi, ven đường. Bao gói thuốc BVTV sau sử dụng bao giờ cũng còn tồn dư một phần thuốc. Nếu vứt bao gói bừa bãi trên đồng ruộng, thuốc sẽ khuếch tán vào nước tưới, nước mưa bị rửa trôi xuống nước ngầm và nước mặt gây ô nhiễm trực tiếp hệ sinh thái. Nếu xử lý bằng chôn lấp bao gói, thuốc cũng sẽ bị rửa trôi, thấm sâu xuống nước mặt, nước ngầm. Tình trạng càng trở nên ô nhiễm nặng hơn nếu chôn lấp ở trên cao hay đầu nguồn nước. Trường hợp đem bao gói đốt không đúng quy trình an toàn nguy cơ phát thải Dioxin là rất lớn.
Với những lí do nêu trên, năm nay, thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh Lâm Đồng, ngày 23/11, Sở TN&MT Lâm Đồng và UBND huyện Lạc Dương đã ngồi lại với nhau để thảo luận, thống nhất kế hoạch thu gom bao gói thuốc BVTV tại khu vực hồ Đankia - Suối Vàng. Theo đó, về phía Sở, hoàn thành 50 thùng chứa CTNH có đế bằng bê tông và khóa trước ngày 30/11; cung cấp bao đựng và bao thu gom bao gói thuốc BVTV cho đợt ra quân thu gom vào ngày 2/12; hợp đồng đơn vị vận chuyển, xử lý CTNH. Trưởng phòng Tổng hợp và Đánh giá tác động môi trường, Sở TN&MT Nguyễn Xuân Dương cho biết: Chiều ngày 1/12, tại huyện Lạc Dương, Sở TN&MT tổ chức tập huấn cho khoảng 50 người là đại diện các đơn vị thuộc huyện như Phòng TN&MT, Phòng Nông nghiệp, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, UBND các xã và thị trấn, Trung tâm Quản lý và Khai thác công trình công cộng... Đây sẽ là những tuyên truyền viên quan trọng trong các cơ quan, đơn vị và cộng đồng dân cư. Các đại biểu được cung cấp nhiều nội dung thiết thực như: Hiện trạng sử dụng thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh và các vấn đề có liên quan, Thông tư liên tịch giữa các bộ cùng các văn bản pháp quy liên quan và Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng của UBND tỉnh. Mục đích là tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ quản lý trên địa bàn huyện Lạc Dương trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý các loại CTNH từ hoạt động sinh hoạt hàng ngày và từ hoạt động sản xuất nông nghiệp. Theo đó, nâng cao nhận thức về tác hại của việc vứt bỏ bừa bãi các loại bao gói thuốc BVTV sau sử dụng đối với sức khỏe con người và môi trường xung quanh.
Phó Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Văn Trãi cho biết, vào ngày 2/12, Sở này cùng UBND huyện Lạc Dương phối hợp tổ chức ra quân thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng khu vực hồ Đankia - Suối Vàng. Địa điểm cụ thể là Nhà máy nước sạch Đan Kia 2, với số lượng từ 300-400 người. Qua trực tiếp tham gia đợt ra quân trước, theo chúng tôi, từ hành động thu gom bao gói thuốc BVTV tại khu vực hồ ngoài việc thu gom được khoảng 500 kg bao gói như dự kiến, quan trọng hơn là phải thực sự tác động mạnh đến nhận thức về trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ môi trường đối với những người dân đang hoạt động tại khu vực này. Phải tạo được ý thức, thay đổi tập quán của người canh tác trong sử dụng thuốc BVTV, từ liều lượng đến thu gom và xử lý bao gói. Theo chủ trương của tỉnh, đến năm 2020 phải thu gom được 80% bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn toàn tỉnh. Vì vậy, không chỉ ngành TN&MT, các địa phương, để bảo vệ môi trường nói chung, trong đó có nguồn nước, rất cần nhiều sở, ngành, đơn vị liên quan vào cuộc như Sở Công thương, Sở NN&PTNT, ngành Công an và các tổ chức đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội...
MINH ÐẠO