Cương quyết phòng chống tác hại của thuốc lá

08:12, 18/12/2017

Một hội thảo vừa diễn ra tại Hà Nội do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, chuyên gia, quản lý, nhà báo, trong đó có Báo Lâm Đồng. Vai trò của truyền thông - báo chí trong phòng và chống tác hại của thuốc lá càng quan trọng; và rất cần "Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các hàng hóa có hại cho sức khỏe như đồ uống có cồn, có ga, thuốc lá để hạn chế tiêu dùng" (Nghị quyết BCH TƯ ngày 20/10/2017). 

Một hội thảo vừa diễn ra tại Hà Nội do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, chuyên gia, quản lý, nhà báo, trong đó có Báo Lâm Đồng. Vai trò của truyền thông - báo chí (TTBC) trong phòng và chống tác hại của thuốc lá càng quan trọng; và rất cần “Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các hàng hóa có hại cho sức khỏe như đồ uống có cồn, có ga, thuốc lá để hạn chế tiêu dùng” (Nghị quyết BCH TƯ ngày 20/10/2017). 
 
Hội thảo phòng chống tác hại của thuốc lá tại Hà Nội. Ảnh: Đ.P
Hội thảo phòng chống tác hại của thuốc lá tại Hà Nội. Ảnh: Đ.P
Số liệu mới nhất được ông Nguyễn Nguyên - Vụ phó Vụ Báo chí - Xuất bản, Bộ Thông tin - Truyền thông cho biết, thời điểm tháng 6/2017, cả nước có 925 cơ quan báo chí; 639 tạp chí; 1 hãng thông tấn quốc gia; 150 báo, tạp chí điện tử; 63 đài phát thanh truyền hình cấp tỉnh và 500 đài truyền thanh cấp huyện...Còn theo GS, TS Đào Văn Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ các vấn đề xã hội, Ban Tuyên giáo T.Ư, vào thời điểm tháng 3/2016, tổng doanh thu của ngành TTBC năm 2015 là 11,1 nghìn tỷ đồng. Cùng đó, có 18.000 người được cấp thẻ nhà báo; 5.000 phóng viên đủ tiêu chuẩn cấp thẻ; 35.000 người lao động trong lĩnh vực báo chí... Ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ 6 BCH T.Ư khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW “về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”. Tại Nhiệm vụ giải pháp thứ 8, một trong những nội dung được ghi rõ: “Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các hàng hóa có hại cho sức khỏe như đồ uống có cồn, có ga, thuốc lá để hạn chế tiêu dùng”. 
 
Những vấn đề đặt ra mà TTBC cần thấy là: cơ sở khoa học và thực tiễn; tính đồng thuận xã hội, từ người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng đến quản lý nhà nước và cộng đồng; áp lực từ phía các cơ quan bảo vệ sức khỏe nhân dân; áp lực từ cơ quan thuế, các cơ quan quản lý nhà nước. Vai trò của TTBC gồm ba nội dung chính là: Cung cấp thông tin, cơ sở khoa học xây dựng chính sách; Tuyên truyền phổ biến chính sách; Điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chính sách. Theo đó, có thể nêu một số nhiệm vụ cụ thể như: phát hiện vấn đề, định hướng dư luận xã hội; nguồn thông tin nhanh, khách quan, chân thật; tuyên truyền, phổ biến quan điểm, chủ trương của Đảng, Công ước quốc tế về Kiểm soát tác hại của thuốc lá, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá; tạo ra sự đồng thuận xã hội và sự hiệp đồng nhằm đạt hiệu quả cao nhất...
 
Để thực thi, TTBC cần được trang bị những kiến thức, trong đó ví dụ Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá. Chuyên gia tổ chức Y tế thế giới (WHO) Việt Nam-ThS, Bs Nguyễn Tuấn Lâm cho biết: Trong khói thuốc lá có đến 7.000 chất hóa học, trong đó có 69 chất gây ung thư. Và rất đáng báo động là chính những người hút thuốc thụ động (không trực tiếp hút thuốc nhưng phải chịu ảnh hưởng của khói thuốc từ người hút bên cạnh) mỗi năm 600.000 ca tử vong; trong đó có 64% số tử vong do hút thuốc thụ động là nữ. Ông Lâm khẳng định: Hút thuốc lá nguyên nhân gây tử vong thứ hai trên toàn cầu và tử vong do thuốc lá chiếm 1/10 tổng số tử vong toàn cầu. Thuốc lá còn gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực khác như: mỗi năm thế giới phải mất 500 tỷ USD do nhiều nguyên nhân: bệnh tật, tử vong; môi trường (làm mất 1,4% rừng); hỏa hoạn (gây 10% số vụ cháy); giảm ngân sách (hộ gia đình từ 5-10% nghèo). Theo đó, có tính dây chuyền: giảm năng suất lao động; giảm thu nhập; tổn phí y tế (6-15%) giảm GDP (1-2%); tăng hộ nghèo; suy dinh dưỡng... Cội nguồn của vấn đề đó là ngành công nghiệp thuốc lá (CNTL). Đây là nhóm các doanh nghiệp mà mục đích của họ là đạt được lợi nhuận, trực tiếp hoặc gián tiếp, từ các sản phẩm thuốc lá. Vì vậy, ngành CNTL đã và đang tiếp tục là một thách thức tại rất nhiều quốc gia. Thực tiễn cho thấy đang tồn tại mâu thuẫn về bản chất và không thể xóa bỏ giữa lợi ích của ngành CNTL và lợi ích của các chính sách y tế cộng đồng. “Ngành CNTL đặt lợi ích của họ lên trên tính mạng con người”, Bs Nguyễn Tuấn Lâm nhận xét. 
 
Đối với Việt Nam, thách thức trong thực hiện Công ước Khung Kiểm soát thuốc lá vẫn còn nhiều. Hiện những bất cập như: ngành CNTL vẫn thuộc sở hữu của nhà nước. CNTL có đóng góp về ngân sách nhưng không thể so sánh được với hậu quả ngành thuốc lá để lại khi có hàng triệu người chết và bị bệnh do các sản phẩm thuốc lá. Số liệu của Bs, ThS Phạm Thị Hoàng Anh đến từ Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam thật sự sửng sốt: Năm 2012, đóng góp từ thuế thuốc lá cho ngân sách gần 14.000 tỷ đồng; trong khi đó, tiền dùng vào việc tiêu thụ thuốc lá ở Việt Nam lên đến 22.000 tỷ đồng, 31.000 tỷ đồng vào năm 2015; chi cho điều trị các bệnh liên quan đến thuốc lá 24.000 tỷ đồng. Cùng đó, các hộ nghèo tại Việt Nam tiêu tốn khoảng 5% thu nhập gia đình vào thuốc lá. Sẽ có 11,3% hộ gia đình nghèo hút thuốc lá thoát được nghèo nếu khoản chi cho thuốc lá được dùng để chi cho thực phẩm. 
 
Đã đến lúc, từ phía chính phủ, một mặt cổ phần hóa doanh nghiệp thuốc lá, sắp xếp, tái cấu trúc bộ máy tổ chức, không bố trí cán bộ nhà nước tham gia quản lý tại các doanh nghiệp thuốc lá; không chấp nhận việc lợi dụng hoạt động xã hội, thiện nguyện, các hỗ trợ, tài trợ để quảng bá sản phẩm; xây dựng các quy định chặt chẽ và nghiêm ngặt trong kiểm soát, giám sát ngành CNTL cũng như xử lý cá nhân vi phạm trong sản xuất hay sử dụng thuốc lá. Với ngành TTBC, không đặt ngành CNTL ngang bằng với các ngành công nghiệp khác; chia sẻ rộng rãi Công ước quốc tế về Kiểm soát thuốc lá; tăng cường tham gia quá trình giám sát và truyền thông; không nhận tài trợ từ doanh nghiệp thuốc lá, không quảng cáo, quảng bá thuốc lá dưới mọi hình thức. Tuy nhiên, rất cần phải có sự đồng hành tích cực với TTBC từ nhiều phía. Bởi, “Ngành CNTL là hoàn toàn do con người tạo ra, và việc này có thể được đảo ngược bằng những nỗ lực đồng thời của các chính phủ và cộng đồng” (TS Margaret Chan, Giám đốc WHO). 
 
ĐẠO PHAN