Thu gom rác thải độc hại nơi làng hoa

08:11, 01/11/2017

Thái Phiên, làng hoa nổi tiếng của Đà Lạt đang ở trong một những khởi đầu quan trọng: nông dân làm quen với việc thu gom rác thải độc hại. Rác thải độc hại này phát sinh từ chính việc sản xuất của làng hoa, đó chính là bao bì thuốc bảo vệ thực vật. 

Thái Phiên, làng hoa nổi tiếng của Đà Lạt đang ở trong một những khởi đầu quan trọng: nông dân làm quen với việc thu gom rác thải độc hại. Rác thải độc hại này phát sinh từ chính việc sản xuất của làng hoa, đó chính là bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Làm sao để tạo thành thói quen cho người nông dân biết xử lý triệt để loại rác thải độc hại này sẽ là công việc lâu dài và bền bỉ.
 
Thanh niên thu gom rác thải. Ảnh: D.Q
Thanh niên thu gom rác thải. Ảnh: D.Q

Theo thông tin từ Văn phòng UBND thành phố Đà Lạt, thành phố có 7 con suối chính như suối hồ Than Thở, suối Cam Ly, suối Phan Đình Phùng…, tất cả đều chảy vào suối Cam Ly thượng và chảy xuống hạ nguồn. Chiều dài suối chính của Đà Lạt xấp xỉ 18 km, là hệ thống nước chảy quan trọng đối với cảnh quan và môi trường thành phố. Thời gian qua, thành phố thường xuyên vận động nhân dân phát quang lòng suối, khơi thông dòng chảy, không xả rác để đảm bảo môi trường sạch, hướng tới xây dựng một Đà Lạt xanh.
Ông Nguyễn Đức Công, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Đà Lạt chia sẻ, mỗi năm Đà Lạt cung cấp cho thị trường trên 2 tỷ cành hoa và trên 300 ngàn tấn rau các loại. Nhưng hệ quả từ sản xuất nông nghiệp cũng chính là mối lo, mỗi năm rác thải từ bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng lên tới 20-30 tấn. Đây là nguồn rác thải nguy hại  mà nếu không xử lý đúng sẽ ảnh hưởng xấu tới môi trường và sức khỏe con người. Việc xử lý lượng bao bì thuốc BVTV hiện nay mới chỉ dừng ở tự chôn lấp, đốt, bỏ lẫn với rác thải sinh hoạt, thậm chí vứt xuống mương suối, là nguồn phát thải ô nhiễm và mất mỹ quan đô thị. Bởi vậy, Đà Lạt phải tìm cách để nâng cao ý thức người dân, hình thành quy trình xử lý vỏ bao bì thuốc BVTV thông qua Dự án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và xây dựng mô hình thí điểm thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng tại Phường 12 thành phố Đà Lạt”.
 
Phường 12, nơi làng hoa Thái Phiên tọa lạc, được chọn bởi nơi đây mang vị trí khá đặc biệt. Đây là vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, là nguồn phát thải bao bì thuốc BVTV lớn. Thái Phiên lại là nơi đầu nguồn các con suối đổ về hồ cảnh quan của thành phố nên việc triển khai dự án tại Thái Phiên sẽ mang lại hiệu quả lớn nhất. Và từ Thái Phiên, kinh nghiệm vận động nông dân sẽ lan rộng toàn thành phố, xây dựng dần một nền nông nghiệp Đà Lạt xanh, thân thiện với môi trường. 
 
Với Thái Phiên, nông dân đã được tiếp cận với những kiến thức cơ bản nhất về độc tính của thuốc BVTV, ảnh hưởng tới môi trường ra sao và nguyên tắc xử lý như thế nào. Quy trình súc rửa bao bì thuốc BVTV, cách phân loại và thu gom bao bì thuốc BVTV… được cụ thể hóa thành những tờ bướm, trao tận tay nông dân để họ có thể áp dụng một cách dễ dàng nhất. Đặc biệt, để giúp nông dân thuận tiện trong thu gom bao bì thuốc BVTV, dự án đã đặt 100 bể chứa bao bì thuốc BVTV theo trục đường chính, thuận lợi cho nông dân, thuận lợi cho xe thu gom, đồng thời không ảnh hưởng tới giao thông cũng như sinh hoạt của bà con xung quanh. Bể thu gom có màu vàng cam rất nổi, trên thành bể ghi rõ “Bể chứa bao bì thuốc BVTV sau sử dụng”, kèm theo biểu tượng cảnh báo nguy hiểm và cấm lửa. Tại các gia đình, nông dân được cấp phát các túi đựng bao bì thuốc BVTV sau sử dụng để tạo thói quen cho bà con phân loại rác, để riêng bao bì thuốc BVTV và rác thải sinh hoạt cũng như rác thải nông nghiệp khác. 
 
Ông Nguyễn Đức Công chia sẻ, trang thiết bị đã cấp phát, quy trình đã hướng dẫn cụ thể cho nông dân. Nhưng quan trọng hơn hết vẫn là việc nâng cao nhận thức của bà con về trách nhiệm trong sản xuất và hiểu về tác hại của thuốc BVTV với môi trường và sức khỏe của chính gia đình họ cũng như cộng đồng.  Và cùng với thay đổi nhận thức, phải tập cho bà con thói quen xử lý rác thải nguy hại đúng cách. Vì vậy, ngoài trang thiết bị, dự án cũng thành lập một Tổ tự quản nông dân bảo vệ môi trường gồm những thành viên nông dân tích cực. Tổ sẽ trực tiếp hướng dẫn bà con quy trình xử lý, vận động bà con thực hiện thu gom bao bì thuốc BVTV đúng cách và xem xét bể chứa, khi bể đầy thì báo cho đơn vị chức năng của thành phố để thu gom và xử lý đúng kỹ thuật. 
 
“Có chuyên gia Nhật Bản sang Đà Lạt đã chia sẻ, Chính phủ Nhật Bản phải vận động, hướng dẫn nông dân 20 năm mới hình thành được thói quen phân loại rác thải và xử lý rác thải đúng quy trình. Việc vận động nông dân chúng tôi cũng xác định là công việc rất lâu dài, không thể tính bằng con số 10, 20 năm. Nhưng khó cũng phải làm, mình cứ làm rồi dần dần cả cộng đồng sẽ thay đổi. Nếu không ai làm thì làm sao giữ gìn được môi trường của chúng ta” - ông Nguyễn Đức Công nói. 
 
DIỆP QUỲNH