
Tai nạn giao thông không chỉ gây ra những hậu quả đau lòng về tính mạng, sức khỏe của những người gặp tai nạn, mà còn để lại những hệ lụy hết sức nặng nề đối với gia đình các nạn nhân cũng như toàn xã hội.
Tai nạn giao thông không chỉ gây ra những hậu quả đau lòng về tính mạng, sức khỏe của những người gặp tai nạn, mà còn để lại những hệ lụy hết sức nặng nề đối với gia đình các nạn nhân cũng như toàn xã hội. Chính vì vậy, ngày chủ nhật của tuần thứ 3 của tháng 11 hàng năm được thế giới chọn là “Ngày tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông”, đồng thời, đây cũng là dịp để đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người dân về những hậu quả của TNGT, từ đó góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông.
Chồng chất nỗi đau
Đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Mai (thôn Bia Ray, xã N’Thol Hạ, Đức Trọng) khi người con trai của bà là anh Lê Văn Hùng vừa mới tử vong vì TNGT cách đây chưa lâu. Cách đây 3 tháng khi đang điều khiển xe máy trên đường về nhà vào buổi tối, đến đoạn đường từ Ngã ba Liên Hiệp về N’Thol Hạ thì có xe tải chạy hướng ngược chiều đâm chính diện vào người, hậu quả TNGT đã khiến Hùng chết ngay tại chỗ. Anh Hùng mất đi, để lại cho mẹ và vợ hai đứa con nhỏ còn thơ dại. Chồng bà Mai bệnh nặng, mất khả năng lao động từ nhiều năm trước, cùng với sự ra đi đột ngột của người con đang là lao động trụ cột đã làm đảo lộn cuộc sống hiện tại của gia đình, gánh nặng lại đè lên đôi vai của những người phụ nữ trong gia đình, bởi họ phải tần tảo sớm hôm để lo cho hai cháu nhỏ đang trong độ tuổi ăn học, làm cho cuộc sống vốn đã khó khăn nay càng khó khăn hơn.
Tai nạn giao thông dù có đi qua, nhưng nỗi đau luôn đè nặng người ở lại, không chỉ gia đình, người thân của họ chịu mất mát, thiệt thòi mà cả xã hội cũng đau cùng nỗi đau chung. Đằng sau mỗi vụ tai nạn giao thông là cảnh ngộ thương tâm của gia đình không gì bù đắp được… Sau tai nạn là những ám ảnh, dằn vặt về tinh thần.
Tương tự, tai nạn giao thông cũng cướp đi sinh mạng của 1 người thân trong gia đình ông Lê Ngọc Mỹ (thôn Ba Cản, xã Tân Hội, huyện Đức Trọng). Qua chia sẻ, ông Mỹ cho biết: Trước đây, gia đình ông có 5 người con. Tháng 11 năm 2016, gia đình ông đã mất đi người con là Lê Thị Thu, sinh năm 1998 do không may bị tai nạn giao thông khi đang trên đường đi học về. Đau đớn trước sự ra đi của con khi ở tuổi đời còn quá trẻ, không lâu sau đó, người vợ của ông cũng đã qua đời vì bệnh tật. Nỗi đau chồng chất nỗi đau, gánh nặng một mình vất vả lo toan cho 4 đứa con còn lại càng làm cho gia đình ông thêm khó nhọc. Nói về cuộc sống hiện tại, ông Lê Ngọc Mỹ bộc bạch: “Trước đây, gia đình tuy khó khăn nhưng vợ chồng, con cái sống chan hòa, hạnh phúc. Hiện nay chỉ còn tôi là trụ cột của gia đình, mọi công việc, kinh tế trong gia đình tôi đều lo toan hết. Vợ và con mất, gánh vác gia đình, nuôi các con nhỏ ăn học lại càng thêm nặng nề đối với tôi”.
Nâng cao ý thức của người tham gia giao thông
Có thể thấy rằng, hậu quả để lại đối với các gia đình có người thân bị chết, bị thương vì tai nạn giao thông hết sức nặng nề. Để đảm bảo ATGT và tính mạng cho người sử dụng phương tiện khi tham gia giao thông, thời gian qua, các ngành chức năng đã có rất nhiều chủ trương, giải pháp để tăng cường các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông và kéo giảm tai nạn giao thông nhưng kết quả vẫn chưa như mong đợi. Ngoài nguyên nhân do mật độ người, phương tiện tham gia giao thông tăng nhanh, hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, một số nơi chưa thực sự chú trọng đến công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông... thì nguyên nhân chính vẫn là do ý thức của người điều khiển phương tiện.
Người tham gia giao thông phóng nhanh, vượt ẩu, đi sai làn đường, phần đường, lạng lách, đánh võng, qua đường không quan sát, không đội mũ bảo hiểm, hoặc đội mũ bảo hiểm không đúng qui cách, vượt đèn đỏ, uống rượu, bia điều khiển phương tiện... là những lỗi vi phạm phổ biến của người tham gia giao thông hiện nay, nhất là với đối tượng thanh, thiếu niên. Các lực lượng chức năng đã xử lý rất cương quyết các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhưng số vụ vi phạm vẫn giảm không đáng kể. Điều đó cho thấy, ý thức của người tham gia giao thông chưa được nâng lên, một bộ phận coi thường pháp luật, coi thường tính mạng, tài sản của bản thân và những người xung quanh, gây những hậu quả xấu khi tham gia giao thông.
Có thể nói, tai nạn giao thông giờ đây không còn là nỗi đau của riêng ai, nó gây tác động xấu đến tương lai, số phận của gia đình và sự phát triển của toàn xã hội. Tham gia giao thông là quyền và nhu cầu chính đáng của mỗi người theo luật định. Tuy nhiên, khi tham gia giao thông, đòi hỏi người dân phải nghiêm túc tuân thủ các quy định của pháp luật, phải có văn hóa giao thông để hạn chế tai nạn đáng tiếc xảy ra.
T.VŨ