Ðạ K'Nàng còn đó nhiều khó khăn

09:11, 16/11/2017

Là địa phương đầu tiên thoát khỏi danh sách xã 135 của huyện Ðam Rông, thế nhưng sau 3 năm xã Ðạ K'Nàng chỉ phát triển ở mức độ trung bình so với toàn huyện. Vẫn còn đó nhiều khó khăn cần giải quyết để giúp người dân nơi đây thoát nghèo.

Là địa phương đầu tiên thoát khỏi danh sách xã 135 của huyện Ðam Rông, thế nhưng sau 3 năm xã Ðạ K’Nàng chỉ phát triển ở mức độ trung bình so với toàn huyện. Vẫn còn đó nhiều khó khăn cần giải quyết để giúp người dân nơi đây thoát nghèo.
 
Một số mô hình trồng xen canh cây mắc ca bước đầu đem lại hiệu quả cao. Ảnh: H.T
Một số mô hình trồng xen canh cây mắc ca bước đầu đem lại hiệu quả cao. Ảnh: H.T

Hình ảnh xe cộ ra vào mua bán tấp nập buổi ban chiều trên con đường dọc theo trục đường chính của xã khi cà phê vào chính vụ chỉ còn trong ký ức của nhiều người dân xã Đạ K’Nàng. Bởi chỉ cách đây vài năm, cà phê gần như là cây trồng duy nhất giúp người dân ở xã vùng sâu của huyện Đam Rông từng ngày cải thiện cuộc sống, vươn lên làm giàu. Với sự đi lên đó, Đạ K’Nàng là xã đầu tiên của huyện thoát khỏi diện 135, đánh một dấu mốc mới cho sự phát triển của địa phương. 
 
Tuy nhiên, ông Đàm Đức Năng, Bí thư Đảng ủy xã cho biết, từ thời điểm đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế tại địa phương cũng dần chậm lại, không còn tạo được sự đột phá như trước đây.
 
Xã Đạ K’Nàng hiện có gần 1.982 hộ với gần 8.700 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 60%. Bằng sự cần cù chịu khó của người dân với việc lồng ghép các chương trình, dự án hỗ trợ đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và áp dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật, năm 2016, thu nhập bình quân của xã đạt 33,5 triệu đồng/người, song một trong những khó khăn còn tồn tại, đó là tỉ lệ hộ nghèo còn rất cao, trên 30% và dự kiến đến cuối năm nay giảm xuống còn khoảng 24%. Theo ông Đàm Đức Năng, việc thực hiện chỉ tiêu giảm 7% hộ nghèo theo Chương trình nông thôn mới là một điều hết sức khó khăn đối với xã, bởi đi kèm với đó là các điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn vốn đầu tư... lại phải trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước.
 
Đặc biệt, một trong những vấn đề mà địa phương nhận được phản ánh của người dân đó là việc nâng cấp, sửa chữa tuyến đường liên thôn nối 3 thôn Păng Dung, Păng Báh và Đạ Pin. Đây không chỉ là đường trục chính của xã mà còn là con đường thường xuyên có xe ra vào trao đổi hàng hóa nông sản của người dân. Trước kia tuyến đường này được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn Chương trình 135, nhưng hiện đang xuống cấp nghiêm trọng. Hằng năm, xã cũng tiến hành sửa chữa bằng nguồn ngân sách của địa phương và vận động người dân nhưng chỉ mang tính tạm thời vì chi phí quá lớn.
 
Người dân xã Đạ K’Nàng có diện tích đất xâm canh ở huyện Lâm Hà và tỉnh Đăk Nông khá lớn, gần 2.000 ha. Tuy nhiên, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lại đang gặp phải nhiều khó khăn, nên dù có đất canh tác, người dân cũng khó có thể tiếp cận các nguồn vốn vay của Nhà nước để tiến hành đầu tư thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vùng chuyên canh cây cà phê tại đây. Một số loại cây công nghiệp khác như mắc ca, dâu tằm, hay các loại cây ăn trái chỉ mới được đưa vào thử nghiệm, trồng xen, bước đầu đem lại kết quả nhưng chưa thể nhân rộng.
 
Ông Hoàng Đông Thư, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, ở Đạ K’Nàng có 3 thành phần dân tộc chính, gồm người K’Ho, người Kinh và người dân tộc phía Bắc. Mỗi dân tộc lại có những tập quán canh tác cũng khác nhau, một số mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả cao nhưng lại đang khó nhân rộng đối với bà con dân tộc thiểu số, do đó dẫn đến sự chênh lệch về thu nhập cũng như trình độ phát triển của người dân trong xã.
 
“Xác định cây cà phê vẫn là chủ lực của địa phương và là nguồn thu nhập của người dân nên địa phương đang đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật, làm việc với một số doanh nghiệp hỗ trợ người dân áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, thay đổi ý thức và tập quán canh tác... thì mới tạo được bước chuyển biến giảm nghèo nhanh và bền vững” - ông Đàm Đức Năng cho biết thêm.
 
HỒNG THẮM