Nước mắt rơi theo "tín dụng đen"

10:10, 26/10/2017

Vay tiền rồi không có khả năng chi trả, là hoàn cảnh chung của nhiều hộ dân tại hai thôn Ðạ Nghịt và Păng Tiêng của xã Lát (huyện Lạc Dương). Với họ, giờ đây cuộc sống là những ngày triền miên trong cảnh túng thiếu, lo lắng khi lỡ… mang nợ vào thân.

Vay tiền rồi không có khả năng chi trả, là hoàn cảnh chung của nhiều hộ dân tại hai thôn Ðạ Nghịt và Păng Tiêng của xã Lát (huyện Lạc Dương). Với họ, giờ đây cuộc sống là những ngày triền miên trong cảnh túng thiếu, lo lắng khi lỡ… mang nợ vào thân.
 
Chị Klong K’Hăn khẳng định mình trả xong nợ nhưng chủ nợ thì vẫn khẳng định là còn. Ảnh: T.Đ
Chị Klong K’Hăn khẳng định mình trả xong nợ nhưng chủ nợ thì vẫn khẳng định là còn. Ảnh: T.Đ

Là một xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, đời sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, trình độ dân trí còn chưa cao nên đây là một miếng mồi béo bở cho “tín dụng đen” hoạt động. Theo thống kê chưa đầy đủ của UBND xã Lát thì đến nay có 32 hộ dân ở thôn Đạ Nghịt và 4 hộ dân ở thôn Păng Tiêng thực hiện các khoản vay. Trưởng thôn Đạ Nghịt, chị K’ Luyn buồn rười rượi khi chứng kiến cảnh hàng chục hộ dân trong thôn mình phải đi làm thuê làm mướn để kiếm bữa cơm qua ngày, bởi lẽ nợ vẫn còn. Trưởng thôn thông báo rằng sự việc bắt đầu diễn ra vào năm 2011 khi những khoản vay dễ dàng như “từ trên trời rơi xuống” và được nhiều người dân vay. Hễ người dân mình cần tiền là có, cần phân bón cà phê là có phân bón, cần ti vi, xe máy là có ngay cho gia đình vay mua. Nhưng, như một cái ung nhọt lâu ngày cũng bùng ra, phơi bày tất cả, khoản vay ngày nào bây giờ đã lên gấp 2 lần, 3 lần, thậm chí gấp 5 lần số tiền gốc đã vay. Rồi đến những tháng đầu năm của năm 2017, bà con sống trong cảnh chủ nợ đòi ráo riết, không có tiền mặt để trả thì túng quá bà con phải “cắm” đất sản xuất nông nghiệp cho đến cà phê, rau củ làm được để điền vào những “chỗ trống” khoản vay chưa trả. 
 
Đến thôn Đạ Nghịt những ngày này, đa phần bà con phải đi làm thuê làm mướn, chung quy họ chỉ còn cái nhà để “chui ra, chui vào” còn lại đất đai để tiến hành trồng trọt thì hầu như đã rơi vào tay của những người khác. Chị Klong K’Hăn bảo rằng, thực sự gia đình mình có vay tiền nhưng không ngờ sau mấy năm số tiền lên một cách chóng mặt, mình có trả đấy nhưng vừa trả xong thì chủ nợ lại bảo mình trả chưa hết, còn nhiều lắm cứ tiếp tục trả. Còn giấy tờ thì họ giữ chứ mình có giữ đâu mà biết số tiền, số lãi là thế nào. Cả nhà mình 5 miệng ăn giờ phải dựa vào sức làm thuê của hai vợ chồng, ngày nào có đi làm thuê thì có tiền, có cái ăn, như hôm nay không ai gọi đi làm thì bó tay, ngồi một chỗ vậy đó.
 
Còn gia đình anh Mbon Ha Tông (thôn Đạ Nghịt) năm 2011 vay 20 triệu đồng, năm 2013 anh trả 10 triệu đồng, năm 2014 anh trả 7 triệu đồng, nhưng đến thời điểm này thì số tiền còn lại phải trả đã lên đến cả trăm triệu đồng. Chính bản thân anh cũng bất ngờ vì không hiểu tại sao ngày vay có vài chục triệu mà bây giờ lên cả trăm như vậy? 
 
Chủ tịch UBND xã Lát R’Ông K’Síu cho biết: Bà con thực hiện việc vay tiền này từ những năm 2011, cho đến thời điểm này chủ nợ mới đòi ráo riết. Chính quyền địa phương đã làm việc, đối thoại trực tiếp với người vay và người cho vay để mong tìm ra hướng giải quyết cho bà con. Nhưng đến nay vẫn còn trong vòng luẩn quẩn giữa vay - trả, số tiền gốc - số tiền đến bây giờ “phình lên” mà cuộc sống của bà con vùng đồng bào DTTS ở địa phương thì đa phần là khó khăn, nếu họ mất đất sản xuất, nghĩa là họ sẽ vào rừng làm nương rẫy. Đây là hệ lụy mà chúng tôi rất lo lắng, cố gắng tháo gỡ để bà con ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, UBND xã đã tổ chức nhiều cuộc họp trong nhân dân, cử cán bộ xuống từng địa bàn để tuyên truyền bà con không thực hiện những khoản vay như vậy nữa, nếu muốn vay vốn thì phải tìm đến các nguồn vốn uy tín của hệ thống ngân hàng hay ít nhất là tìm đến cán bộ thôn bản, cán bộ xã để họ tư vấn.
 
Vẫn biết, “có vay thì có trả” nhưng vay tiền theo kiểu như bà con xã Lát thì cần sự vào cuộc của chính quyền và các cơ quan chức năng để sớm giải quyết dứt điểm vấn đề để bà con yên tâm sinh sống.
 
TỨ ÐỨC