Nhất Linh và di sản cho lan Việt

09:10, 01/10/2015

Nhất Linh, cánh chim đầu đàn của Tự Lực văn đoàn lẫy lừng văn đàn Việt đã từng có thời yêu, dừng và gắn bó với thành phố sương mờ Đà Lạt. Mến cảnh yêu người, ông đã để lại những kỷ niệm đẹp với xứ hoa, đặc biệt là trong giới chơi hoa lan.

Nhất Linh, cánh chim đầu đàn của Tự Lực văn đoàn lẫy lừng văn đàn Việt đã từng có thời yêu, dừng và gắn bó với thành phố sương mờ Đà Lạt. Mến cảnh yêu người, ông đã để lại những kỷ niệm đẹp với xứ hoa, đặc biệt là trong giới chơi hoa lan. Rất, rất nhiều tên gọi đẹp của những cánh phong lan, địa lan được Nhất Linh tặng cho loài hoa kiêu sa này. Và, dù trải qua nhiều tháng năm, những tên gọi dành cho hoa lan vẫn được người yêu hoa gọi đến bây giờ.
 
Vẻ đẹp của hoa lan luôn có sức hút với những người yêu hoa. Ảnh: PHAN NHÂN
Vẻ đẹp của hoa lan luôn có sức hút với những người yêu hoa. Ảnh: PHAN NHÂN

Thầy Lê Văn Thành, một người Đà Lạt yêu hoa kể lại, khi bắt đầu chơi hoa ông mới làm quen với những tên hoa hết sức ấn tượng như kim điệp, thủy tiên, hồ điệp… Ông cũng ngạc nhiên và mày mò tìm hiểu tên gọi của những loài lan là do ai đặt. Và, thật lạ kỳ, người đặt tên gọi cho nhiều loài lan Việt chính là nhà văn Nhất Linh trong giai đoạn sống tại Đà Lạt. Đồng thời, nhà văn cũng là người yêu hoa, chơi hoa, là “cánh chim đầu đàn” trong phong trào chơi hoa lan Đà Lạt những năm 1956-1957. Những tên dành cho hoa lan do nhà văn đặt được giới chơi lan sử dụng tới bây giờ, thông dụng không chỉ ở Đà Lạt mà đã phổ biến trong làng lan Việt. Sau này, nhiều loài lan mới xuất hiện cũng được người chơi lan đặt những cái tên phổ thông, dễ gọi hơn so với tên khoa học. Nhưng, những cái tên ấy không thể đẹp như tên hoa được nhà văn trút vào đó tâm tình của người yêu hoa. 
 
Năm 1955, sau rất nhiều biến cố, nhà văn Nhất Linh đưa gia đình về sống ở Đà Lạt, nơi con đường xưa nay vẫn mang tên vị bác sỹ vĩ đại Yersin. Phát hiện ra phong lan, loài hoa rất phù hợp với sương lạnh phố núi, nhà văn trở thành người trồng hoa say mê và kiên nhẫn. Ông đi sưu tầm lan trong rừng với những người bạn cùng đam mê, mang về chăm chút, tạo cho lan môi trường sống phù hợp. Phong lan, địa lan, loài nào nhà văn cũng yêu thích, sưu tầm và tạo thành bộ sưu tập lan khá lớn lúc đó. Từ Nhất Linh và một số bạn chơi lan cùng ông, phong trào chơi hoa lan của Đà Lạt phát triển mạnh, ảnh hưởng lớn tới niềm đam mê hoa lan của giới yêu hoa. 
 
Nhất Linh chơi lan công phu hơn những người khác vì ngoài việc sưu tầm lan, ông còn ra thư viện tra khảo hoặc đặt mua từ bên Pháp các sách ngoại quốc viết về hoa phong lan trên thế giới, rồi ông tỉ mỉ phân loại, so sánh với hoa ở địa phương, ông lại vẽ từng đóa hoa một, đặt tên hoa, ghi chú từng đặc tính, với dụng ý sau này sẽ tập hợp tài liệu viết một cuốn sách về việc sưu tầm hoa phong lan. Từ tên gọi của riêng nhà văn dành cho hoa, không ngờ sau này lại được người yêu hoa chấp nhận, gọi rộng rãi và giờ đã trở thành những tên hoa lan đã thành danh. Nhất Linh đặt tên cho hoa cực đẹp, Nhất Điểm Hồng, Huyết nhung, Bạch hạc, Bạch ngọc, Thanh ngọc, Kim điệp, Thủy tiên, Hồ điệp, Long tu, Hoàng phi hạc, Tuyết ngọc, Hoàng y mỵ nương... Tên của mỗi loại hoa, không những rất lãng mạn, rất đẹp mà còn rất phù hợp với hình dáng bên ngoài của hoa. Như Huyết nhung, cành lan màu đỏ thẫm thực sự nổi bật giữa vầng lá xanh mướt, đẹp như nhung gấm. Hay lan bạch hạc, cành lan cao gầy, bông hoa kiêu hãnh soi mình xuống mặt nước như loài bạch hạc. Vì đẹp, và cũng vì đúng, những tên lan do nhà văn đặt đã được giới chơi lan chấp nhận, gọi rộng rãi và giờ đã trở thành định danh quen thuộc. 
 
Đam mê hoa lan, nhà văn đã mua đất, làm nhà nơi vùng nhiều lan, phù hợp với việc đi sưu tầm lan rừng. Đó là căn nhà nhỏ ven suối Đa Mê, cách Ngã ba Phi Nôm vài cây số. Nhưng không may, mưa gió đã làm đổ căn nhà gỗ nhỏ của nhà văn và giấc mộng “ngủ yên bên suối Đa Mê” của ông bị quên lãng. Nhưng, di sản của nhà văn để lại cho làng yêu hoa lan, cho phong trào chơi lan Đà Lạt vẫn còn mãi đến bây giờ. Và, nhắc tới những Hoàng y mị nương, tới Bạch hạc, tới Thủy tiên, người yêu hoa lại nhớ tới nhà văn Nhất Linh trong dáng hình lúi húi chăm sóc cho một giò lan đẹp, bên hiên một ngôi nhà yên lặng giữa Đà Lạt mù sương.
 
Diệp Quỳnh