
Không phải mất công tìm hiểu qua các phương tiện thông tin đại chúng, hay các loại sách hướng dẫn về kỹ thuật nông nghiệp… giờ đây người trồng cà phê ở ba xã Đầm Ròn (huyện Đam Rông) đã có thể ra vườn cùng với những "cuốn sách" hướng dẫn bằng xương bằng thịt.
Không phải mất công tìm hiểu qua các phương tiện thông tin đại chúng, hay các loại sách hướng dẫn về kỹ thuật nông nghiệp… giờ đây người trồng cà phê ở ba xã Đầm Ròn (huyện Đam Rông) đã có thể ra vườn cùng với những “cuốn sách” hướng dẫn bằng xương bằng thịt.
 |
Kỹ sư trẻ Trần Trọng Nhân đang hướng dẫn ghép cà phê cho người dân |
Dưới cái nắng oi bức, ngột ngạt của Đạ Tông những ngày giao mùa, ngay tại vườn cà phê của Đội Sản xuất số 1, hơn 50 người dân thôn Đa Kao II vẫn chăm chú lắng nghe, theo dõi từng thao tác hướng dẫn kỹ thuật ghép cà phê của cán bộ kỹ thuật Trần Trọng Nhân - Đội viên Đội Trí thức trẻ tình nguyện của Đoàn Kinh tế Quốc phòng Lâm Đồng.
Là người có nhiều năm gắn bó với cây cà phê, dù rất chăm chỉ nhưng anh Kon Sơ Ha Kơ vẫn không có cách để nâng năng suất vườn cà phê đang già cỗi của gia đình. Hơn một tuần gần đây, ngày nào cũng ra vườn cùng các cán bộ kỹ thuật của đội sản xuất, mọi thắc mắc của anh gần như đã được giải đáp. Anh nói: “Đọc sách báo hay xem tài liệu thấy khó hiểu quá, ở đây cán bộ kỹ thuật của đội sản xuất mỗi ngày đều ra vườn, cầm tay hướng dẫn cho bà con, ai cũng thấy dễ làm, dễ thực hiện hơn”. Cũng như Ha Kơ, già Liêng Hot Ha Chong ở thôn Đa Kao II đã làm đi làm lại rất nhiều lần theo thao tác mà anh em đội viên hướng dẫn, có gì chưa hiểu ông đều hỏi lại một cách cặn kẽ. Theo ông, làm thế để ông có thể tự mình nhanh chóng ghép cà phê cho vườn nhà, đồng thời hướng dẫn bà con làm theo.
Ở ba xã Đạ Tông, Đạ Long, Đạ M’rông, phần lớn diện tích cà phê của người dân đều là những giống cũ, ít được chăm sóc cải tạo. Dù rất nhiều diện tích cà phê đã trồng lâu năm, nhưng với bà con nơi đây, cà phê lại là loại cây tương đối mới, bởi trước đây cà phê chỉ là loại cây thay thế cho cây điều (không đạt năng suất) vốn là cây trồng “phủ sóng” tại đây. Vì thế, kinh nghiệm và sự hiểu biết đối với loại cây trồng này tương đối hạn chế. “Cả thôn Đa Kao II hiện có khoảng 50ha cà phê, chủ yếu là giống cũ, nếu chăm sóc tốt thì thu hoạch cũng chỉ đạt từ 1 đến 1,5 tấn/ha. Chính vì vậy, việc cải tạo vườn cà phê già cỗi, nâng cao năng suất cho bà con là rất cần thiết”, “Tài liệu sống” - Trần Trọng Nhân cho biết. Cũng như Nhân, phần lớn anh em trí thức trẻ là cán bộ kỹ thuật của các đội sản xuất trong Đoàn Kinh tế Quốc phòng đều là những cử nhân còn rất trẻ. Họ ra trường và đã có thời gian trải nghiệm thực tế, đồng thời được cơ quan chủ quản tạo điều kiện cho phép tiến hành thử nghiệm ngay tại vườn cà phê của đơn vị, nên thành công gần như đạt 100%.
Qua thời gian triển khai, thử nghiệm, mô hình ghép cải tạo vườn cà phê già cỗi đã thành công và mang lại hiệu quả cao. Đây là tín hiệu lạc quan để thay đổi nếp suy nghĩ lạc hậu của bà con đồng bào xã Đạ Tông nói riêng cũng như đồng bào các DTTS nói chung. Góp phần nâng cao năng suất cây trồng, tạo đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển của địa phương và nhân dân trong các vùng dự án vươn lên xây dựng cuộc sống ngày thêm no ấm.
ĐĂNG LỘ