Vượt lên số phận

09:08, 07/08/2015

Cơ sở sản xuất nước tinh khiết Sake tại thôn 1, xã Hà Đông (Đạ Tẻh) được thành lập năm 2014. Mới nhìn từ bên ngoài thì cơ sở này cũng giống như bao cơ sở khác đóng chân trên địa bàn. Tuy nhiên, điều đáng để nhiều người quan tâm là ông chủ và đội ngũ nhân công làm việc nơi đây đều là người khuyết tật...

Cơ sở sản xuất nước tinh khiết Sake tại thôn 1, xã Hà Đông (Đạ Tẻh) được thành lập năm 2014. Mới nhìn từ bên ngoài thì cơ sở này cũng giống như bao cơ sở khác đóng chân trên địa bàn. Tuy nhiên, điều đáng để nhiều người quan tâm là ông chủ và đội ngũ nhân công làm việc nơi đây đều là người khuyết tật. Họ đến với nhau bằng sự cảm thông, chia sẻ và như muốn khẳng định rằng: nếu có ý chí và quyết tâm, người khuyết tật cũng có thể làm được những việc như người bình thường.
 
Công nhân làm việc tại Cơ sở sản xuất nước tinh khiết Sake
Công nhân làm việc tại Cơ sở sản xuất nước tinh khiết Sake
 
Ông chủ khuyết tật và tấm lòng bao dung
 
Tiếp xúc với chúng tôi, anh K’Hoàng - chủ  Cơ sở  sản xuất nước tinh khiết Sake, đồng thời là Chủ tịch Hội Người khuyết tật huyện Đạ Tẻh cho biết, lúc đầu mới thành lập, cơ sở gặp rất nhiều khó khăn; có ý tưởng kinh doanh nhưng không có nguồn vốn để mua trang thiết bị máy móc, đi vay ngân hàng thì phải có tài sản thế chấp, mượn bạn bè thì người ta cũng ngại vì mình thương tật như thế này biết có trả nổi tiền cho họ không… Trong tình thế đó, anh Hoàng nảy ra ý tưởng nhờ anh em trong gia đình mình vay tiền giúp để anh thực hiện được mơ ước. Với sự giúp đỡ của người thân, khi có được số tiền gần 300 triệu đồng, anh K’Hoàng bắt tay vào mua sắm máy móc, như: Bình chứa, hệ thống xử lý nước, bình lọc, bệ lọc… Khi cơ sở đi vào hoạt động, anh K’Hoàng đã sử dụng lao động là người khuyết tật để làm việc. Điều này làm cho mọi người hết sức bất ngờ, ông chủ cơ sở đã là người khuyết tật mà nhân viên cũng là người khuyết tật thì làm sao có được hiệu quả trong công việc đây? Nhiều ý kiến trái chiều phản đối nhưng anh Hoàng không nản lòng và tin vào đội ngũ nhân viên của mình. Trao đổi về vấn đề này, anh Hoàng cho biết: “Vẫn biết rằng bản thân mình và anh em nơi đây còn gặp rất nhiều khó khăn trong công việc nhưng điều mình muốn là tạo cho họ có một việc làm ổn định, có thêm thu nhập và quan trọng hơn là mình muốn “truyền lửa” cho người khuyết tật, giúp họ có được ý chí, kiên trì vượt qua mặc cảm bản thân để sống có ích cho xã hội”.
 
Từng bước khẳng định thương hiệu
 
Bước đầu đi vào hoạt động, Cơ sở sản xuất nước tinh khiết Sake của anh  K’Hoàng chưa được thị trường đón nhận, vì vẫn còn định kiến với người khuyết tật và nhất là khách hàng cho rằng nước có thật sự đảm bảo an toàn vệ sinh hay không. Cũng chính từ định kiến này mà ngày đó, cơ sở của anh Hoàng chỉ cung cấp khoảng 20 bình (bình 21 lít)/ngày. Bên cạnh thị trường thì công việc mà người lao động tại cơ sở này phải đảm nhiệm cũng là điều khiến anh Hoàng đau đầu. Một người bình thường khi nâng, khiêng một bình nước đã khó nhưng người khuyết tật khiêng bình nước 21 lít, giao nước cho các cơ sở, đóng bình, làm vệ sinh lại khó gấp bội phần. Để khắc phục những khó khăn trên, anh Hoàng đã nghĩ ra cách là lắp đặt ròng rọc giúp người khuyết tật dễ dàng nâng lên và vận chuyển bình nước, từ đó, tiết kiệm được thời gian làm việc. Riêng đối với vấn đề chất lượng và thị trường, anh Hoàng và  những công nhân của cơ sở này khắc phục bằng cách khử trùng thật kỹ, súc bình sạch sau đó cho người tiêu dùng lấy sản phẩm dùng thử, đồng thời phục vụ khách hàng chu đáo. “Có lúc đang đêm trời mưa gió tầm tã nhưng có người điện thoại gọi nước là nhân viên của cơ sở đáp ứng ngay. Mình phải chịu khó để lấy uy tín cho cơ sở” - anh K’Hoàng nói. Sau một thời gian, dần dần nước tinh khiết của cơ sở Sake đã lấy được lòng tin của người dân địa phương.
 
Với giá mỗi bình nước là 8.000 đồng, sản phẩm nước lọc tinh khiết mang nhãn hiệu Sake đã có mặt tại các cơ quan nhà nước, nhà hàng, tiệm tạp hóa tại các xã và thị trấn của huyện Đạ Tẻh. Đồng thời, có 20 thành viên là người khuyết tật trên địa bàn huyện trực tiếp lấy nước lọc của Cơ sơ sản xuất nước tinh khiết Sake bán lại cho người dân địa phương để có thêm thu nhập. Bình quân một lao động làm việc tại cơ sở nhận lương 2 triệu đồng/tháng. Cũng chính từ  cơ sở sản xuất nước này, hàng tháng sau khi trừ chi phí, anh Hoàng đã có thu nhập 3 triệu đồng, đây là nguồn thu giúp anh nâng cao mức sống cho gia đình mình. 
 
K’Tô Vũ có dáng người nhỏ bé và bị liệt một cánh tay nhưng là lao động chủ lực của cơ sở này. Từ  việc bưng bê bình nước, giao nước, xử lý nguồn nước anh đều có thể tự làm được. Chia sẻ với chúng tôi, anh cho biết: Lúc đầu mới làm thì rất khó khăn, bưng một bình nước có khi phải mất từ 10 đến 20 phút nhưng qua thời gian, với ý chí và quyết tâm của mình, hiện nay công việc này được anh làm rất thành thạo. “Ngoài việc được hưởng lương hàng tháng thì công việc ở cơ sở đã giúp tôi đỡ buồn chán và đặc biệt là không còn cảm giác mặc cảm, tư ti như trước”. - anh  K’Tô Vũ chia sẻ. 
 
Từ cách nghĩ, cách làm của mình, những người kém phần may mắn như anh Hoàng, anh Vũ… đã từng bước khẳng định rằng, với nghị lực và quyết tâm cao thì những khiếm khuyết của bản thân, cơ thể chỉ là những vấn đề thứ yếu và điều cốt lõi để đạt đến thành công chính là ý chí của mỗi con người.
 
THÀNH NAM - NDONG BRỪM