
Người ta nhận thấy người cai được thuốc lá trước 35 tuổi, chức năng hô hấp có thể trở về bình thường. Nếu hút thuốc dưới 20 năm, đã cai được 10 năm thì nguy cơ ung thư phổi giảm xuống bằng với người không hút.
Người ta nhận thấy người cai được thuốc lá trước 35 tuổi, chức năng hô hấp có thể trở về bình thường. Nếu hút thuốc dưới 20 năm, đã cai được 10 năm thì nguy cơ ung thư phổi giảm xuống bằng với người không hút. Ngưng hút được một năm, nguy cơ tử vong bệnh mạch vành giảm được 1/2 và sẽ còn tiếp tục giảm theo thời gian ngưng hút.
 |
Từ bỏ thuốc lá, tập luyện sức khỏe là những yếu tố tăng tuổi thọ - Ảnh: Ka Sum |
Hiện nay theo y học hiện đại nghiên cứu rất sâu và đề ra nhiều phương thức điều trị nghiện thuốc lá. Phương thức thông thường được dùng là liệu pháp thay thế Nicotine. Trong một số trường hợp bệnh nhân không thể bỏ thuốc lá bằng những phương pháp khác, thì thầy thuốc có thể hướng dẫn bệnh nhân dùng liệu pháp thay thế dần dần thuốc lá, có nghĩa dùng một chất nào đó có tác dụng tương tự như Nicotine nhưng không gây nghiện và ít gây độc cho cơ thể. Kẹo cao su có chứa Nicotine để thay thế và giảm dần, giúp cho bệnh nhân thoát khỏi những triệu chứng do thiếu Nicotine nếu ngưng hút thuốc lá đột ngột. Còn về phương pháp điều trị nghiện thuốc lá theo Y học cổ truyền thường là châm cứu, sử dụng thuốc Y học cổ truyền, tập luyện các phương pháp dưỡng sinh, thiền định, Yoga, tâm lý trị liệu…
Khi quyết định từ bỏ thuốc lá, chúng ta phải chuẩn bị chu đáo để vấn đề cai nghiện thành công. Phải định ngày để thực hiện quyết tâm bỏ thuốc lá và thời gian thực hiện việc cai nghiện thuốc lá này nên kéo dài từ 10-15 ngày, trong khoảng thời gian này phải tuân theo những yêu cầu sau: Không nên để thuốc lá trong túi áo, khi thèm hút thuốc ta nên suy tưởng về những hình ảnh đặc biệt hay làm một công việc gì đó để quên cảm giác này đi, bởi vì chỉ cần khoảng 5 - 10 phút cố gắng chống lại với cảm giác thèm hút thuốc thì nhu cầu này sẽ biến mất; khi thèm hút thuốc nên tự hỏi những câu sau để thấy sự vô nghĩa của nó: Tại sao tôi phải hút điếu thuốc này? Hút thuốc sẽ có nguy cơ bị ung thư phổi rất cao cùng với những bệnh lý nguy hiểm khác, vậy hút thuốc để làm gì? Tại sao nó nguy hại như vậy mà mình lại hút?... Khi không còn chịu nổi nữa, chúng ta nên đi mua thuốc hơn là để sẵn thuốc ở nhà hoặc trong túi áo và chỉ nên mua một điếu thôi. Cố gắng kéo dài thời gian giữa hai lần hút thuốc càng lâu càng tốt.
Khi hút thuốc, nên hít khói và giữ ở miệng không nên đưa khói vào sâu hai phổi. Nên hút khoảng nửa điếu rồi vất bỏ, không nên hút đến tận cùng của điếu thuốc (vì như vậy sẽ rất độc hại do lượng Nicotine đọng lại ở phần sau điếu thuốc). Khi hút thuốc nên dùng thuốc có đầu lọc hay sử dụng một đầu lọc riêng để lọc bớt lượng Nicotine. Trong khoảng cách giữa hai lần hút thuốc, chúng ta nên dùng những chất thay thế như nhai kẹo cao su, ăn kẹo, hay ngậm một số loại thức ăn thích hợp, có thể nhỏ giọt dầu đinh hương vào miệng để làm mất cảm giác thèm thuốc lá.
Đến ngày trọng đại quyết định từ bỏ hẳn thuốc lá, chúng ta có thể tiến hành một số việc sau: Nên tổ chức một buổi tiệc cho người thân trong gia đình và bạn bè tâm giao để tuyên bố rằng: đây là ngày ta sẽ bỏ thuốc lá và nêu ra những yêu cầu cần giúp đỡ. Đề nghị mọi người nên chú ý nhắc nhở nếu ta vi phạm, động viên tinh thần cho ta vượt qua những khó khăn khi có những cơn thèm thuốc xuất hiện, thông báo cho người thân cũng như bạn bè đến thăm không nên hút thuốc trước mặt mình; loại bỏ tất cả những biểu tượng gì có thể làm cho ta nhớ chuyện hút thuốc lá (thay đổi cảnh vật nơi ta thường hút thuốc lá, vất bỏ các gạt tàn thuốc…). Thay đổi những thói quen thường thực hiện kèm theo việc hút thuốc lá như uống cà phê buổi sáng ở một quán cà phê quen thuộc, với những người bạn nào đó. Nên tránh gặp mặt những người thường hút thuốc lá chung với mình.
Nên tập thể dục thường xuyên, hãy bắt đầu đi bộ khoảng 30 phút đến 1 giờ. Đi bộ sẽ giúp cho cơ thể sản xuất lượng morphin nội sinh, điều này có thể làm mất cảm giác thèm hút thuốc lá; tập thể dục hay thái cực quyền, khí công… đều giúp cơ thể tiết ra morphin nội sinh. Tập thiền định, thư giãn đều đặn hàng ngày sẽ phát huy những hiệu quả độc đáo của nó, giúp cho cơ thể thoát khỏi sự lệ thuộc đối với thuốc lá, rượu và ngay cả với ma túy nữa. Nếu như vẫn còn cảm giác thèm thuốc xuất hiện chúng ta hãy thực hiện những bước sau để dập tắt ngay ngọn lửa thèm muốn đó: hãy hít vào một hơi thật sâu như khi bạn đang hút thuốc lá, nín hơi càng lâu càng tốt. Uống một ngụm nước (hay có thể uống nhiều ngụm liên tục), uống nhiều nước còn giúp thải nhanh lượng Nicotine ra ngoài cơ thể. Ngậm một cây tăm xỉa răng, một miếng quế hay một lát cam thảo. Ăn một viên kẹo hay nhai một cái kẹo cao su. Nên tìm một công việc, hay thú vui gì đó để làm cho khuây khỏa sự thèm muốn hút thuốc lá. Cuối cùng nếu không thể chịu nổi cảm giác thèm thuốc nữa, nên dùng liệu pháp thay thế bằng một viên kẹo cao su có chất Nicotine, hay băng keo dán trên da có chứa Nicotine. Tìm mọi cách để đừng bị tăng thể trọng sau khi cai thuốc.
Cai thuốc lá ở bất kỳ tuổi nào, dù đau yếu hay khỏe mạnh cũng đều có lợi bởi tất cả các bệnh nêu trên đều có thể phòng ngừa được bằng cách cai thuốc lá. Nếu phải cai nhiều lần mới thành công thì cũng là chuyện bình thường. Phương cách này các bạn hoàn toàn có thể thực hiện được nếu thật sự có quyết tâm muốn bỏ thuốc lá. Tuy nhiên, nếu bạn có quyết tâm cai nghiện thuốc lá mà không thể tự mình thực hiện được hãy tìm đến những trung tâm tư vấn và điều trị nghiện thuốc lá, các chuyên gia sẽ giúp bạn thực hiện ước mơ này bằng cách kết hợp nhiều phương pháp khác phức tạp hơn.
ThS-BS Võ Kim Hải