Cải cách hành chính: Người dân hài lòng đến mức nào?

09:08, 07/08/2015

Một cuộc khảo sát qui mô tiến hành ở 12 huyện, thị, thành trong tỉnh những tháng đầu năm nay đã cho thấy mức độ hài lòng chưa cao của người dân trong công cuộc cải cách hành chính của tỉnh hiện nay.

Một cuộc khảo sát qui mô tiến hành ở 12 huyện, thị, thành trong tỉnh những tháng đầu năm nay đã cho thấy mức độ hài lòng chưa cao của người dân trong công cuộc cải cách hành chính của tỉnh hiện nay.
 
Người dân đánh giá thấp chất lượng phục vụ của cán bộ công chức hiện nay
Người dân đánh giá thấp chất lượng phục vụ của cán bộ công chức hiện nay
 
Khảo sát trên diện rộng  
 
Đây là cuộc khảo sát về cải cách hành chính (CCHC) thường niên 2014 do Bộ Nội vụ yêu cầu các tỉnh thực hiện trong đó có Lâm Đồng. Mục tiêu đặt ra rất cụ thể: đo lường sự hài lòng của người dân và các tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước nhằm đánh giá khách quan chất lượng cung cấp dịch vụ hành chính công của cơ quan nhà nước hiện nay. Kết quả khảo sát này sẽ là “thước đo” để các cơ quan nhà nước biết người dân đang cần gì, muốn gì và căn cứ vào điều này để cải thiện, nâng cao chất lượng phục vụ hơn nữa.
 
Các yếu tố cơ bản được khảo sát trong đợt này gồm: tiếp cận dịch vụ, thủ tục hành chính (TTHC), sự phục vụ của công chức và kết quả giải quyết công việc của cơ quan hành chính nhà nước. Trong yếu tố tiếp cận dịch vụ, người dân sẽ đánh giá chất lượng cung cấp thông tin về dịch vụ hành chính và cơ sở vật chất tại nơi cung cấp dịch vụ, sự thuận tiện trong việc tìm hiểu thông tin, mức độ đáp ứng yêu cầu của người dân và thông tin dịch vụ được cung cấp… Với yếu tố về TTHC, cuộc khảo sát yêu cầu người dân đánh giá về chất lượng TTHC, sự công khai, minh bạch, tính đơn giản, dễ hiểu trong các quy định về hồ sơ TTHC, sự thuận lợi trong thực hiện các quy trình. Với yếu tố phục vụ của công chức, người dân được yêu cầu đánh giá về thái độ, năng lực giải quyết công việc của công chức tại nơi cung cấp dịch vụ hành chính có làm dân cảm thấy hài lòng hay không. Với yếu tố về kết quả giải quyết công việc, người dân được yêu cầu đánh giá kết quả giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước, thời gian thực hiện, chi phí phải trả…
 
Có 4 loại dịch vụ được điều tra trong lần này, gồm 2 thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện, thành là cấp phép xây dựng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; 2 thủ tục được điều tra còn lại của cấp xã, phường gồm đăng ký khai sinh và đăng ký kết hôn.  
 
Để kết quả điều tra mang tính khách quan, trung thực, đạt độ tin cậy cao, Sở Nội vụ Lâm Đồng đã hợp đồng với Bưu điện tỉnh gửi các phiếu câu hỏi đến các địa chỉ cụ thể tại 12 huyện, thành của tỉnh. Tùy theo lượng hồ sơ nhận được trong năm 2014, các huyện, thành được phân bổ số lượng phiếu điều tra khác nhau, chẳng hạn Đà Lạt chi có 82 phiếu (thu về 66 phiếu), Đức Trọng có 118 phiếu phát ra (thu về 101); huyện Cát Tiên có 105 phiếu phát ra (thu về 103). Những địa chỉ được gửi đến điều tra là các tổ chức, cá nhân đã thực hiện ít nhất 1 trong 4 thủ tục hành chính nêu trên bất kỳ thời gian nào trong năm 2014 tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (một cửa) của huyện hay của các xã, phường. Các xã, phường trong đợt khảo sát này được chọn điểm; mỗi huyện, thành chọn 3 xã cho cuộc điều tra và 3 xã, phường này phải đại diện cho 3 khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau (từ thuận lợi đến trung bình và khó khăn), như Đức Trọng chọn xã Hiệp Thạnh, xã Bình Thạnh và xã Tà Năng; huyện Cát Tiên chọn 3 xã Phước Cát 1, Phước Cát 2 và Gia Viễn. Tổng cộng có 36 trong 147 xã, phường toàn tỉnh được chọn trong cuộc điều tra; Tổng cộng số phiếu câu hỏi phát ra 1.173, số phiếu thu về được 1.065, đạt gần 91%. Điều đáng nói là tinh thần cộng tác của người dân cho cuộc điều tra rất cao, hấu hết phiếu thu về đều điền đúng mẫu, chỉ có 35 phiếu không hợp lệ. 
 
Người dân tìm hiểu thông tin về giải quyết TTHC tại phường 4 - Đà Lạt. Ảnh: V.TRỌNG
Người dân tìm hiểu thông tin về giải quyết TTHC tại phường 4 - Đà Lạt. Ảnh: V.TRỌNG
 
Hài lòng đến mức nào?  
 
Trong tháng 7 vừa qua, sau khi Sở Nội vụ Lâm Đồng tổng hợp kết quả của cuộc điều tra, UBND tỉnh Lâm Đồng đã công bố “Chỉ số hài lòng” về phục vụ hành chính trong năm 2014 của tỉnh.
 
Kết quả cuộc khảo sát cho thấy sự hài lòng của người dân, các tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính là chưa cao. Trong 4 dịch vụ công được khảo sát ở trên,  không có dịch vụ nào có chỉ số hài lòng đạt từ 80% trở lên, đạt cao nhất trong số này là thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng chỉ 75,6%. Tuy nhiên, so với mục tiêu đặt ra theo kế hoạch CCHC của tỉnh cho năm 2014 (đạt 60%) thì các dịch vụ trên đã đạt cao hơn. Trong 4 yếu tố được đánh giá lần này, 2 yếu tố “tiếp cận dịch vụ” và “kết quả giải quyết công việc” có tỷ lệ hài lòng cao hơn so với 2 yếu tố còn lại là “TTHC” và “sự phục vụ của công chức”. Cuộc khảo sát cũng chỉ ra rằng người dân và các tổ chức cũng đánh giá thấp về chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính trong việc giúp đỡ người dân, tổ chức tiếp cận thông tin. Tương tự, chất lượng TTHC, chất lượng phục vụ của công chức và kết quả giải quyết công việc cũng được người dân, thông qua các chỉ số chất lượng cụ thể, nhìn nhận không cao nếu không nói là đánh giá khá thấp. 
 
Theo Sở Nội vụ Lâm Đồng, tuy số lượng dịch vụ khảo sát đánh giá chỉ số hài lòng mới chỉ thực hiện ở 4 thủ tục trong rất nhiều TTHC hiện nay, nhưng kết quả của cuộc khảo sát này phản ánh khá trung thực vì được tiến hành khách quan, đúng phương pháp, không có sự tác động can thiệp của cán bộ công chức và cơ quan nhà nước. Cuộc khảo sát xã hội học này là một phần quan trọng của công tác khảo sát đánh giá chung về chỉ số CCHC của tỉnh; từ kết quả đánh giá chỉ số hài lòng này sẽ giúp cho cơ quan chính quyền các cấp nhận thấy những mặt hạn chế trong thực hiện để có những giải pháp CCHC phù hợp hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân trong thời gian đến. 
 
Trong dịp này UBND tỉnh cũng đề nghị Bộ Nội vụ nên điều chỉnh, sắp xếp hoàn thiện hơn bảng mẫu câu hỏi trong phiếu khảo sát cho dễ hiểu để thuận tiện hơn cho người dân trong trả lời, vì bảng mẫu điều tra hiện nay khá phức tạp. Cùng đó, qua điều tra cho thấy, trong thực hiện CCHC hiện nay Bộ cũng cần hết sức quan tâm đến cải cách TTHC cùng tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của công chức viên chức trong thực thi công vụ.
 
VIẾT TRỌNG