
Sau hơn 1 năm các đơn vị chức năng tiến hành thống kê hiện trạng và đề ra hướng giải quyết đối với những cây cầu treo đã hư hỏng, xuống cấp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, những chiếc cầu treo đó đến hiện tại vẫn "lắc lẻo" và càng khó đi hơn...
Sau hơn 1 năm các đơn vị chức năng tiến hành thống kê hiện trạng và đề ra hướng giải quyết đối với những cây cầu treo đã hư hỏng, xuống cấp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, những chiếc cầu treo đó đến hiện tại vẫn “lắc lẻo” và càng khó đi hơn. Trong khi dự án đầu tư xây dựng mới các cầu xuống cấp hiện vẫn còn nằm trên giấy thì ngày ngày người dân vẫn phải liều mình qua sông trên những cây cầu nguy hiểm, nhất là khi mùa mưa bão đã bước vào giai đoạn cao điểm.
 |
Dù đã chia nhỏ số lượng cà phê giống nhưng anh Điểu Văn Tâm vẫn rất vất vả khi gùi qua Cầu K’Giảo |
Xã Tân Lạc (huyện Bảo Lâm) như một ốc đảo khi được bao bọc bởi 2 con sông Đại Nga và Đại Bình. Để đi được vào xã, ngoài cầu bê tông trên đường trục chính đi từ Quốc lộ 20 vào thì còn có 7 chiếc cầu treo khác mà người dân phải qua lại mỗi ngày. Đa phần đây là những chiếc cầu treo đã “tuổi cao, sức yếu” nhưng vì nhu cầu bức thiết nên người dân vẫn phải qua lại. Chúng vẫn được duy tu, sửa chữa hàng năm bằng nguồn kinh phí người dân và của địa phương nhưng chẳng thấm vào đâu vì hầu hết đều đã rất xuống cấp.
Ông Trần Ngọc Mẫn, Chủ tịch UBND xã Tân Lạc, cho biết: “Trong 7 cây cầu treo trên địa bàn xã thì có 4 cầu sử dụng tạm được, 3 cầu còn lại thì cực kỳ nguy hiểm, gồm: Cầu K’Giảo (từ thôn 5, Tân Lạc đi thôn 13, xã Lộc Thành), Cầu ông Đàm (thôn 1, Tân Lạc đi xã Lộc Nga), Cầu Kim Thanh (thôn 1, Tân Lạc đi thôn Kim Thanh, xã Lộc Nga). Trước đây, xã Tân Lạc đã rào chắn 3 chiếc cầu này không cho người dân qua lại để tránh nguy hiểm. Tuy nhiên, do nhu cầu quá bức thiết nên người dân đã tự ý tháo bỏ rào chắn để qua lại. Trong khi đó, xã không thể bố trí người để trực gác”.
Hầu hết các cầu treo trên địa bàn xã Tân Lạc đều là những cầu trọng yếu, độc đạo dẫn vào vùng sản xuất hoặc khu dân cư. Do đó, mỗi ngày, lưu lượng người qua lại trên những chiếc cầu này là rất lớn. Trong đó, lưu lượng lớn nhất là trên Cầu thôn 9 (Tân Lạc) đi thôn 7 (Lộc Thành) và Cầu Tin Lành. Riêng Cầu Tin Lành phục vụ nhu cầu đi lại của người dân 3 xã Tân Lạc (Bảo Lâm), Lộc Nga (Bảo Lộc) và Hòa Nam (Di Linh). Trong năm 2014, bằng nguồn kinh phí phòng chống lụt bão, huyện Bảo Lâm đã đầu tư 600 triệu đồng để sửa chữa, gia cố Cầu Tin Lành. Các cầu còn lại chỉ được hỗ trợ vài triệu đồng để gia cố một vài sợi dây cáp hoặc các mối hàn. Theo ông Mẫn, năm ngoái, Cầu K’Giảo và Cầu thôn 9 đi thôn 7 (Lộc Thành) đã được Bộ Giao thông Vận tải khảo sát để lập dự án đầu tư. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có động tĩnh gì. Vì nhu cầu đi lại bức thiết và số cầu cần đầu tư nhiều nên phương án tốt nhất là nên tập trung vốn để đầu tư xây mới theo hình thức cuốn chiếu, không nên đầu tư dàn trải để tránh tình trạng vừa sửa chữa đã hư hỏng lại.
Trở lại Cầu K’Giảo vào một ngày mưa cuối tháng 6, chúng tôi vẫn thấy hiện trạng cầu tiếp tục bị xuống cấp. Gốc sung làm trụ néo chính cho cầu đã bị cưa quanh gốc (chưa rõ vì lý do gì) nên cầu yếu càng thêm yếu. Nhiều sợi cáp bị đứt hơn trước, nhiều cây cà phê, tấm ván mục làm dầm cầu đã bị rơi rụng, treo lủng lẳng, khiến dầm cầu đã thưa và yếu nay còn tệ hại hơn. Hiện tại, đang là mùa cao điểm để người dân bón phân hoặc xuống giống mới. Việc qua lại bằng người không trên cầu đã là một cực hình chưa nói đến việc người nông dân phải mang vác phân bón, cây giống. Anh Điểu Văn Tâm (người dân thôn 15, xã Lộc Thành) cho biết: “Cà phê giống phải được chia thành từng gùi nhỏ mới mang qua cầu được. Vì vậy, thay vì chỉ mất một ngày để mang cà phê giống qua sông thì người dân ở đây phải tốn công gấp nhiều lần. Tốn công tốn sức cũng đành nhưng điều đáng lo nhất là cầu đã xuống cấp rất nguy hiểm nhưng người dân không còn lựa chọn nào khác nên đành chịu”.
Trên địa bàn huyện Bảo Lâm còn không ít cầu treo trong tình trạng xuống cấp, hư hỏng nặng. Theo thống kê, trên địa bàn huyện có 15 cây cầu xuống cấp; trong đó, có 3 cầu nằm trong danh sách được Bộ Giao thông Vận tải hỗ trợ kinh phí đầu tư thay thế và một số cầu treo do tỉnh xây dựng. Tuy nhiên, đến nay, huyện Bảo Lâm vẫn chưa nhận được thông báo nào về kinh phí cũng như thời gian triển khai thay thế các cây cầu yếu này trong khi cao điểm mưa lũ đang đến gần.
Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lâm Đồng, trên địa bàn tỉnh hiện nay có 100 cầu yếu và xuống cấp, chưa đảm bảo an toàn giao thông; trong đó, có 22 cây cầu (chủ yếu là cầu treo) đã có chủ trương lập dự án đầu tư thay thế, sửa chữa trong thời gian tới. Riêng trong năm 2015, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt đầu tư thay thế 9 cầu treo trên địa bàn. Dù đã hơn nửa năm trôi qua nhưng thông tin về thời điểm khởi công xây dựng 9 cầu treo này vẫn là một ẩn số. Hiện nay, 9 cây cầu trong danh sách do tỉnh đầu tư chỉ mới được lập dự án, hoàn thiện về hồ sơ với tổng kinh phí khoảng 40 tỷ đồng. Hiện, Sở đã trình hồ sơ để UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt. Tuy nhiên, thời gian để triển khai thi công thì chưa biết đến khi nào do còn phải chờ vốn.
ÐÔNG ANH