
Trên vỉa hè cuối đường Quang Trung - Đà Lạt, thỉnh thoảng nấm linh chi được tập kết về bán xen giữa những sản phẩm khác từ rừng như: sâm rừng, dớn, các loại lan rừng. Có điều lạ là người bán nấm linh chi không phải đồng bào dân tộc thiểu số hay gùi trên vai để ra phố bán dạo mà là các "đầu nậu" chào hàng.
Trên vỉa hè cuối đường Quang Trung - Đà Lạt, thỉnh thoảng nấm linh chi được tập kết về bán xen giữa những sản phẩm khác từ rừng như: sâm rừng, dớn, các loại lan rừng. Có điều lạ là người bán nấm linh chi không phải đồng bào dân tộc thiểu số hay gùi trên vai để ra phố bán dạo mà là các “đầu nậu” chào hàng.
 |
Nấm linh chi bày bán trên đường Quang Trung, Đà Lạt |
Buổi sáng đẹp trời, trong vai khách hàng, tôi dạo qua một vòng xem hàng hóa bày bán trên vỉa hè ngay trước quán cà phê Nhật Minh mới vỡ lẽ ra rằng: Những người bán nấm linh chi ở đây là những đầu nậu - con buôn người Kinh chứ không như một số bà con dân tộc thiểu số thu hái lượm các loại lan rừng, dớn, củi ngo mang ra phố bán dạo để mưu sinh.
Có hai vợ chồng trẻ đang bày bán nấm linh chi với những tai nấm rất to, sau một lúc hỏi han, tôi lấy một tai nấm to nhất để lên cân nặng gần 1,5kg. Hỏi bao nhiêu một ký thế này, cô bán hàng tên Nhung đon đả: “Đây là nấm hồng chi, quý lắm, có giá 250.000 đồng/kg, nhưng chị mua thì em bớt cho 220.000 đồng/kg chốt giá luôn”. Anh chồng ngồi bên cạnh trông có vẻ “đại gia” cũng tiếp thị nhiệt tình: “Mua đi chị ơi, bọn em bán chắc giá, không ai bán giá này đâu, nấm này đẹp, khô, sạch sẽ, dùng rất tốt cho sức khỏe, chữa ung thư và bách bệnh luôn!”.
Một số tác dụng chính của linh chi
BSCK II Nguyễn Văn Trịnh - Phó Giám đốc Bệnh viện YHCT Phạm Ngọc Thạch Lâm Đồng cho biết: Các loại nấm linh chi bày bán ở vỉa hè Đà Lạt là nấm linh chi tự nhiên, lấy từ rừng, phần lớn đã hóa gỗ nên các hoạt chất không còn bao nhiêu. Tuy nhiên, nấu nước uống đều tốt cả, bây giờ nấm linh chi nuôi trồng cũng có các hoạt chất đảm bảo. Cần phải phân biệt rõ nấm linh chi tự nhiên với các loại nấm độc không phải là linh chi.
Linh chi được người Trung Quốc gọi là Thần thảo, Tiên thảo, Bất tử thảo; người Nhật gọi linh chi là nấm Vạn niên - Mannentake. Thời cổ đại, con người đã biết sử dụng linh chi, được chia làm 6 loại dựa trên màu sắc: Thanh chi (linh chi xanh), hồng chi (linh chi đỏ), hoàng chi, bạch chi, hắc chi và tử chi (linh chi tím). Một số tác dụng chính của linh chi: Tăng cường miễn dịch, tăng cường thể chất; điều tiết hệ thần kinh trung ương giúp thăng bằng cơ năng; cải thiện mỡ máu, phòng xơ cứng động mạch và chống đông máu; ổn định huyết áp; bảo vệ gan; ngăn ngừa bệnh đái tháo đường; bổ não, tăng trí thông minh, tăng trí nhớ; giảm nhẹ các tác dụng phụ ở bệnh nhân ung thư đang điều trị bằng hóa chất hoặc tia xạ; kéo dài tuổi thanh xuân, chống lão hóa, tăng tuổi thọ.
|
Tôi tò mò hỏi, có bán loại chưa khô để mua về phơi khô không, vì nghe nói ở đây hay bán loại nấm linh chi mới lấy từ rừng ra còn tươi nguyên? Chị Nhung phân trần: “Ôi chị ơi, mua loại nấm đó về mất công phải rửa sạch, phơi khô, 2-3 ký tươi mới được 1 ký khô mà làm gì cho nhọc công. Bọn em đã làm sạch sẽ rồi đây này, mua ngay loại khô này về dùng có phải sướng hơn không!”. Một vài người đi bộ, trông có vẻ là khách du lịch phương xa đến Đà Lạt dạo qua hàng nấm linh chi của vợ chồng chị Nhung, một bà khách cầm tai nấm mân mê, ngắm nghía một hồi rồi hỏi vài câu về giá cả, nguồn gốc. Chị Nhung lại nhanh nhẩu: “Nấm này được lấy từ rừng vùng Đưng K’Nớh đấy, chất lượng rất tốt, nhìn tai nấm có màu hồng, mùi thơm không?”.
Tranh thủ tôi dạo qua hàng khác, chị chủ tên là Duy bán nhiều thứ hơn: Sâm đất, hồng chi và một loại nấm trông xù xì xấu xí hơn - hỏi ra thì được biết đó là nấm mộc chi (hay còn được gọi là nấm gỗ). Tôi hỏi giá cả, chị Duy cho biết: Nấm hồng chi này 250.000 đồng/kg không giảm đồng nào. Tôi thầm nghĩ trông nấm này không đẹp bằng nấm của vợ chồng chị Nhung bán bên kia cách nhau có 10 bước chân mà giá thì cũng đắt hơn. Tôi bèn hỏi loại nấm bên cạnh là gì mà lạ vậy, chị Duy nói: “Đấy cũng là nấm linh chi, có tên là mộc chi, hay nấm gỗ, chị mua đi 100.000 đồng/kg; nếu chị mua nhiều, em bán cho 60.000 đồng/kg”. Tôi giật hết cả mình, tự hỏi sao mà giá cả giảm đến chóng mặt không biết! Vừa lúc anh chồng chị Nhung bên gian hàng nấm phía đầu kia chạy lại hỏi chị Duy còn nấm này không (mộc chi) để đóng hàng và anh ta cho biết: Nấm này có bao nhiêu cũng đóng hàng hết để gởi cho mối ở ngoài Bắc, nghe đâu họ bán đi Trung Quốc hoặc xay ra để làm thực phẩm chức năng. Vừa nói, anh ta vừa gọi điện thoại và đến xem xét những bao tải đóng hàng để ở đầu con hẻm kế bên quán cà phê Nhật Minh. Tôi tò mò đi theo bắt chuyện, mới biết, những bao này có chứa đến 3 tạ nấm linh chi do chị Duy cung cấp hàng cho anh ta để chuyển đi các mối tiêu thụ.
Sự tò mò khiến tôi quay lại chỗ chị Nhung bán nấm hồng chi đầu tiên để hỏi sao chị không bán loại nấm mộc chi như bên kia giá rẻ hơn, chỉ có 60.000 đồng/kg à? Chị Nhung nghe vậy nói: “Ôi, loại nấm gỗ đó mua trong bà con rẻ lắm, có 17-18.000 đồng/kg thôi, mua bao nhiêu cũng có, bà con dân tộc lấy ở vùng rừng Tuyền Lâm và Măng Ling thiếu gì!”. Đúng là linh chi được thu mua tại buôn làng bà con thì giá rẻ mạt. Tôi nhớ lại trong chuyến đi công tác vào xã Đưng K’Nớh - huyện Lạc Dương, nghe anh Rơ Ông Ha Tang (sinh năm 1971) nhà ở thôn 2 kể rằng nghề của anh là đi lấy lan rừng và các sản phẩm từ rừng. Anh đi cùng với nhiều người trong làng thành nhóm vào vùng rừng rất xa, giáp với Đắc Lắc để lấy lan rừng và nấm linh chi, đi cả tuần mới về. Ha Tang cho biết: “Lấy lan rừng thì dễ chứ lấy được nấm linh chi khổ lắm, vì phải trèo lên cây cao, ở đó dễ gặp rắn nguy hiểm lắm mà về bán tại quán ở trong làng, tính ra 1 ngày công đi rừng chỉ mua được 5 ký gạo thôi!”.
Dân gian có câu: “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt” - với những bà con dân tộc như anh Ha Tang đúng là như vậy, nhưng với các đầu nậu thu mua nấm linh chi mà tôi biết thì họ sống khỏe biết bao!?
DIỆU HIỀN