
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, mưa đá, lốc xoáy, mưa lớn kéo dài từ đầu mùa mưa 2015 gây ngập cục bộ ở một số địa bàn ven các suối hạ lưu hồ Than Thở, hồ Xuân Hương, suối Nguyễn Công Trứ, Phan Đình Phùng… gây thiệt hại 134ha hoa màu, 1,8ha nhà nilon, gần 500 hộ dân bị ảnh hưởng, làm 3 người chết...
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, mưa đá, lốc xoáy, mưa lớn kéo dài từ đầu mùa mưa 2015 gây ngập cục bộ ở một số địa bàn ven các suối hạ lưu hồ Than Thở, hồ Xuân Hương, suối Nguyễn Công Trứ, Phan Đình Phùng… gây thiệt hại 134ha hoa màu, 1,8ha nhà nilon, gần 500 hộ dân bị ảnh hưởng, làm 3 người chết. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên do đâu? Trách nhiệm thuộc về ai? Biện pháp khắc phục như thế nào? Là những câu hỏi “nóng” trên diễn đàn chất vấn và trả lời chất vấn vừa qua của kỳ họp HĐND thành phố Đà Lạt thứ XIV.
 |
Mưa lớn gây ngập úng cây trồng của nông dân tại phường 8, Đà Lạt |
Xoay quanh vấn đề này, ông Dương Ngọc Đức - Trưởng phòng Kinh tế - đại diện Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn phòng chống thiên tai thành phố Đà Lạt đã thẳng thắn nhận trách nhiệm. Tuy nhiên, ông cũng nêu rõ 4 nguyên nhân chính gây nên tình trạng bất thường trên. Đó là, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết năm nay có nhiều diễn biến bất thường khó dự đoán. Gần đây, Đà Lạt xuất hiện nhiều trận mưa với lưu lượng rất lớn, kéo dài từ 1 - 3 giờ, một lượng lớn nước đổ về các suối, dòng chảy thoát không kịp dẫn đến ngập úng cục bộ. Bên cạnh đó, hiện tượng mưa đá, lốc xoáy xuất hiện nhiều hơn mọi năm gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp. Nguyên nhân thứ hai là do địa hình đồi dốc của Đà Lạt, khi xảy ra mưa với cường độ lớn, nước thẩm thấu và thoát không kịp, đổ về vùng thấp, trũng, đổ ra các suối gây ra lũ, ngập úng cục bộ. Nguyên nhân thứ ba là hiện nay các hồ chứa trên địa bàn thành phố đang bị bồi lắng, thu hẹp đáng kể, sức chứa các hồ dọc suối Cam Ly như hồ Than Thở, hồ Mê Linh, hồ Xuân Hương đang suy giảm từ 1/3 - 1/2 so với sức chứa thiết kế ban đầu. Nguyên nhân thứ tư là do rác thải nông nghiệp, đất cát xói mòn từ thượng nguồn đổ về nên hồ chứa bị suy giảm sức chứa.
Một thực tế hiện nay ai cũng nhìn thấy, đó là do tốc độ đô thị hóa quá nhanh, cùng với phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo hướng xây dựng nhà kính trong thời gian gần đây tăng nhanh, nước mưa không thể thẩm thấu xuống đất, làm cho lưu lượng dòng chảy mạnh hơn.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Võ Ngọc Hiệp - Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt cũng đã thẳng thắn nhìn nhận: công tác quy hoạch, xây dựng hệ thống thoát nước hiện nay chưa đảm bảo cho việc thoát lũ, một số hệ thống thoát nước công cộng tại một số tuyến đường thành phố hiện chưa đảm bảo, tiết diện nhỏ hơn so với lưu lượng chảy vào.
Vấn đề được dư luận quan tâm hiện nay chính là thành phố Đà Lạt đã có biện pháp gì để sớm khắc phục tình trạng trên trong thời gian sớm nhất. Ông Dương Ngọc Đức, người trực tiếp tham mưu về vấn đề này cho biết: Hiện nay thành phố đã xây dựng quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao trình UBND tỉnh phê duyệt, đây là cơ sở để hoạt động sản xuất NN-CNC đi đúng hướng, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, đảm bảo cho việc thoát nước mưa tự nhiên. Song, đến nay vẫn chưa được phê duyệt nên chưa có cơ sở thực hiện. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu thành phố ban hành quy định tạm thời về quản lý quy hoạch trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao - làm cơ sở cho việc quản lý xây dựng nhà kính đảm bảo đúng quy chuẩn, khoảng lùi, cách ranh, mật độ xây dựng nhà kính trên một đơn vị diện tích, trồng cây xanh, đào các hồ chứa nước xen kẽ giữa các nhà kính ở những nơi đủ điều kiện để đảm bảo cho việc thoát nước tự nhiên qua thẩm thấu đất.
Biện pháp quyết liệt được UBND thành phố đưa ra trong thời gian tới, đó là việc tăng cường chỉnh trang đô thị, kiên quyết giải tỏa các công trình do người dân xây dựng trái phép, vi phạm chỉ giới suối, lấn chiếm kênh mương, cống thoát nước,… Tiếp tục tiến hành cải tạo, nạo vét đối với các hồ chứa, dòng suối trên địa bàn thành phố.
Nếu có dịp đi đến các khu vực dọc các con suối, hoặc các vùng ven thành phố, mọi người sẽ thấy vẫn còn tình trạng ý thức của một số người dân chưa cao, tình trạng vứt rác thải sinh hoạt, rác thải nông nghiệp xuống cống, xuống suối nên khi mưa xuống gây tắc nghẽn dòng chảy.
Sự khắc nghiệt của thiên tai ở Đà Lạt thời gian gần đây cũng nằm trong dự báo, cảnh báo chung về biến đổi khí hậu của Việt Nam và trên toàn cầu. Tuy nhiên, việc định hướng quy hoạch phát triển một nền nông nghiệp sạch - nông nghiệp sinh thái sẽ là giải pháp bền vững trong tương lai của thành phố Đà Lạt và rất cần sớm được thực thi.
NGUYỆT THU