
Có nhà báo viết về ông "Trong lĩnh vực giáo dục, ông là một nhà giáo. Trong lĩnh vực nghệ thuật, ông là một nhà thơ. Trong lĩnh vực kinh tế, ông là một doanh nhân văn hóa. Trong lĩnh vực xây dựng, ông là một kiến trúc sư. Trong lĩnh vực khoa học, ông là chủ nhiệm của nhiều đề tài nghiên cứu mang tầm vóc quốc gia...
Có nhà báo viết về ông “Trong lĩnh vực giáo dục, ông là một nhà giáo. Trong lĩnh vực nghệ thuật, ông là một nhà thơ. Trong lĩnh vực kinh tế, ông là một doanh nhân văn hóa. Trong lĩnh vực xây dựng, ông là một kiến trúc sư. Trong lĩnh vực khoa học, ông là chủ nhiệm của nhiều đề tài nghiên cứu mang tầm vóc quốc gia. Trong đời thường, người ta gọi ông là anh Năm, chú Năm, bác Năm chân thành, thân thiện, dễ mến, dễ gần”. Tất cả tựu trung vào một con người đã 43 năm gắn bó mật thiết với vùng đất Nam Trung bộ đầy nắng gió - ông là Dương Văn.
 |
Doanh nhân văn hóa Dương Văn đang chỉ đạo sản xuất yến sào tại Khách sạn Phong Lan |
Ông Dương Văn (sinh năm 1944) quê ở Diễn Châu - Nghệ An; năm 1969, ông tốt nghiệp Đại học Thủy lợi Hà Nội loại giỏi được giữ lại làm giảng viên của trường. Năm 1976, sau khi thống nhất đất nước, theo yêu cầu của tình hình thực tiễn, ông được điều vào Nam Trung bộ công tác, với nhiệm vụ chính: Khảo sát thực địa, đo vẽ, lập bản đồ quy hoạch, đề xuất những chiến lược và giải pháp phát triển hệ thống thủy lợi cho vùng đất khô cằn của Nam Trung bộ. Sau thời gian dài lăn lộn với thực địa khắp các vùng Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, đoàn cán bộ của ông nhận thấy, muốn phát triển công tác thủy lợi ở khu vực Nam Trung bộ nhất thiết phải có một đội ngũ cán bộ khoa học đủ mạnh, phải có kế hoạch đào tạo nguồn cán bộ tại chỗ. Kết luận của đoàn cán bộ được Đại học Thủy lợi Hà Nội và Bộ NN-PTNT quan tâm xem xét. Thế là, tháng 2/1976, Trung tâm Đại học 2 (TTĐH2) của Đại học Thủy lợi được ra đời trên vùng đất khắc nghiệt nhất, nắng gió nhất, ít lượng mưa nhất trong cả nước - vùng đất Phan Rang - Tháp Chàm. Trung tâm có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực, phục vụ phát triển thủy lợi cho vùng đất Nam Trung bộ - Đông Nam bộ và Tây Nguyên. Ông từng công tác tại đây với tư cách là phó giám đốc, giám đốc. Lúc này, với trình độ chuyên môn và tầm chiến lược sâu sắc, ông đã cùng với các cộng sự của mình đưa ra nhiều kế hoạch, biện pháp, giải pháp phát triển hệ thống thủy lợi khá toàn diện, đồng bộ, bền vững cho nhiều tỉnh Trung Nam bộ, Đông Nam bộ và Tây Nguyên, trong đó có Lâm Đồng. Ông đã tham mưu cho Tỉnh ủy - UBND tỉnh Lâm Đồng, Bộ Thủy lợi (Nay sáp nhập thành Bộ NN-PTNT) kiến tạo nhiều hồ đập thủy lợi lấy nước tưới tiêu cho cây trồng và phục vụ sinh hoạt của người dân, trong đó có nhiều công trình có quy mô, tầm vóc khá lớn như: Hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt), hồ Đạ Hàm (Đạ Tẻh), đập Liên Khương (Đức Trọng), kênh mương thủy lợi Đạ Đờn (Lâm Hà)… Không chỉ quy hoạch, thiết kế, ông còn cùng các cộng sự giám sát thi công các công trình để vừa đảm bảo chất lượng, vừa chống thất thoát, hư hao vật tư, kinh phí… Ông nhớ lại, những ngày đó, kinh tế của đất nước gặp khó khăn, đời sống của cán bộ, nhân dân vô cùng thiếu thốn, vất vả. Để khảo sát địa hình thực địa làm cơ sở cho quy hoạch, các ông phải “trèo đèo, lội suối” hàng tháng trời, trong điều kiện phương tiện đi lại không có gì, chủ yếu bằng “chân đất, đầu trần”, thiếu thốn trăm bề. Nhưng với tinh thần trách nhiệm cao và lòng nhiệt huyết của trí thức trẻ, các ông đã vượt qua tất cả, để có những hồ nước mênh mông, những dòng nước mát chảy khắp những cánh đồng, mang sức sống cho những vườn dâu, ruộng lúa và đời sống của người dân. Ngày nay, ngồi ngắm hồ Tuyền Lâm thơ mộng trong cảnh yên bình của Đà Lạt mộng mơ, không ít người hiểu được cái vất vả, nhọc nhằn, có khi phải chịu đựng những cơn sốt rét rừng hành hạ của đội ngũ cán bộ, kỹ sư và cả những người lao động chân tay, trong đó có cả ông Dương Văn đã trải qua cách đây hơn 30 năm về trước.
Rời vị trí Giám đốc TTĐH2, ông tiếp tục về nghiên cứu, giảng dạy tại Trường Đại học Thủy lợi Hà Nội và năm 1991, quyết định đầu tư xây dựng Khách sạn Phong Lan ngay bên cạnh Trung tâm nghiên cứu thủy lợi ở bãi biển Ninh Chữ - Bình Sơn. Quy mô khách sạn Phong Lan rộng 17.000m2, trong đó có 14.000m2 dành cho dịch vụ lưu trú với 250 phòng nghỉ và 3.000m2 cho hàng ngàn chim yến sinh sống, mang lại nguồn lợi khá lớn cho chủ khách sạn, với mỗi năm khai thác được 1 tạ sản phẩm yến chất lượng cao. Hệ thống khách sạn bình quân hàng năm đón tiếp, phục vụ khoảng 50.000 lượt khách, giải quyết được việc làm thường xuyên, ổn định cho trên 80 lao động và làm nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước trên 1 tỷ đồng/năm.
Điều đáng nói về doanh nhân Dương Văn, ngoài việc kinh doanh thành đạt và làm nghĩa vụ nộp thuế đầy đủ cho nhà nước, ông còn là nhà thơ, người tích cực làm công tác từ thiện xã hội tại địa phương. Hàng năm, ông đóng góp cho các quỹ khuyến học, nạn nhân chất dộc da cam, tình thương, tình nghĩa, xóa đói, giảm nghèo… trên 800 triệu đồng và tổ chức các cuộc gặp mặt truyền thống cho nhiều đoàn từ Trung ương, đến địa phương. Vì vậy, ông đã được gặp mặt nhiều lãnh đạo Đảng - Nhà nước và được vinh danh là doanh nhân văn hóa.
HOÀNG KIẾN GIANG