Bệnh đái tháo đường và phòng biến chứng

09:07, 24/07/2015

Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) là tình trạng tăng đường trong máu mạn tính, không lây nhiễm, có tính di truyền, do thiếu Insulin (tụy tạng không tiết Insulin hay Insulin hoạt động không hiệu quả). Insulin là một chất do tụy tạng tiết ra có tác dụng làm cho đường trong máu luôn ở mức ổn định.

Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) là tình trạng tăng đường trong máu mạn tính, không lây nhiễm, có tính di truyền, do thiếu Insulin (tụy tạng không tiết Insulin hay Insulin hoạt động không hiệu quả). Insulin là một chất do tụy tạng tiết ra có tác dụng làm cho đường trong máu luôn ở mức ổn định.

Để chẩn đoán người bệnh bị ĐTĐ khi đường huyết lúc đói ít nhất qua 2 lần thử máu lớn hơn hay bằng 126mg/dL (7mmol/L). Có 2 dạng ĐTĐ chính: ĐTĐ típ 1 (người bệnh không có Insulin), ĐTĐ típ 2 (người bệnh có Insulin, nhưng Insulin hoạt động không hiệu quả).
 

Chữa bệnh đái tháo đường cho hơn 9.000 lượt bệnh nhân

Từ đầu năm đến nay, Dự án phòng chống đái tháo đường đã quản lý, tư vấn bệnh đái tháo đường và tiền đái tháo đường, khám và điều trị cho 9.062 lượt bệnh nhân đái tháo đường và tiền đái tháo đường tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện II Lâm Đồng và Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh. Tổ chức tập huấn phòng chống đái tháo đường cho 29 cán bộ y tế tuyến huyện, xã; tổ chức 1 lớp tư vấn và quản lý đái tháo đường cho 30 học viên là cán bộ thực hiện dự án; tiếp tục thực hiện các hoạt động phòng chống đái tháo đường theo quy định. Tổ chức truyền thông phòng chống đái tháo đường, cấp phát 24.000 tờ rơi, 450 tranh tuyên truyền về phòng chống đái tháo đường và tiền đái tháo đường cho 12 huyện, thành phố trong tỉnh.          D.H

Những biến chứng bệnh ĐTĐ - Biến chứng mạch máu nhỏ: ở mắt, thận, thần kinh (ở mắt gây viêm võng mạc, đục thủy tinh thể, mù đột ngột; ở thận gây viêm thận, suy thận; ở thần kinh gây teo cơ, mất hoặc tăng cảm giác đau, có cảm giác như điện giật, tê tay chân, liệt các dây thần kinh sọ não gây sụp mi, lé mắt, méo miệng hoặc gây bất lực ở nam giới...). Biến chứng mạch máu lớn: ở tim, mạch máu ngoại biên, não (gây xơ cứng động mạch, thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, cao huyết áp, tai biến mạch máu não dẫn đến đột quỵ...). Biến chứng khác: da, xương khớp, nhiễm trùng... Biến chứng loét, nhiễm trùng, biến dạng bàn chân: người bệnh ĐTĐ đều có thể bị các biến chứng mạn. Tỷ lệ biến chứng mạn gia tăng tùy thuộc vào tình trạng mất cân bằng đường huyết và thâm niên của bệnh.

Đối tượng có nguy cơ bị bệnh ĐTĐ: Để phát hiện sớm bệnh ĐTĐ cần xét nghiệm đường huyết định kỳ: Xét nghiệm đường huyết lúc đói ở tuổi từ 45 trở đi, nếu kết quả bình thường, tốt nhất thử lại mỗi năm. Xét nghiệm đường huyết lúc đói ở tuổi trẻ hơn và thường xuyên hơn khi có 1 trong các yếu tố sau: Cha mẹ hay anh chị em ruột bị bệnh ĐTĐ; Không vận động thể lực; Dư cân hay béo phì; Cao huyết áp; Rối loạn mỡ máu; Đã được chẩn đoán có rối loạn dung nạp đường hay rối loạn đường huyết lúc đói; Sinh con to trên 4kg hay đã được chẩn đoán ĐTĐ trong thai kỳ; Có bệnh tim mạch hay tai biến mạch máu não. Ngoài ra, cần đến khám ở các cơ sở y tế để được xét nghiệm đường huyết khi có các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh ĐTĐ như: mờ mắt, sụt cân, vết thương lâu lành, đau nhức, ngứa, tiểu nhiều, khát nước, bất lực ở nam giới...

Những yếu tố ảnh hưởng đến đường huyết của người bệnh: Đường huyết của người bệnh dao động trong ngày, có nhiều yếu tố làm cho đường huyết tăng lên hoặc giảm xuống như: Thức ăn, kích thích tâm lý (stress), bệnh phối hợp: làm đường huyết tăng lên. Insulin, thuốc uống, luyện tập thể lực: giúp giảm đường huyết. Mỗi người bệnh ĐTĐ sẽ đáp ứng khác nhau với các yếu tố trên. Vùng đường huyết nguy hiểm của bệnh ĐTĐ: Đường huyết xuống thấp dưới 60mg/dL dễ đưa người bệnh đến hôn mê hoặc thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời, còn khi đường huyết thường xuyên tăng cao trên 180mg/dL thì dễ gây ra các biến chứng ở mắt, thận, thần kinh, mạch máu, tim, não... Để không bị rơi vào vùng đường huyết nguy hiểm: Người bệnh cần phải tự theo dõi đường huyết và biết mức đường huyết cần đạt (vùng an toàn) cũng như biết xử trí khi đường huyết dao động nhiều, quá cao hay quá thấp. Tự theo dõi đường huyết: Tự đo đường huyết bằng máy tại nhà, ghi lại và đánh giá các trị số đường huyết đo được. Biết được mức đường huyết của mình sẽ giúp người bệnh đạt được mục tiêu điều trị và không bị rơi vào vùng đường huyết nguy hiểm. Số lần cần thử đường huyết trong ngày còn tùy thuộc vào mục tiêu đường huyết cần đạt, cách thức điều trị và tình trạng bệnh nhân. Đối với ĐTĐ típ 1: nếu đường huyết dao động nhiều và đang điều chỉnh liều Insulin, nên thử 3 - 4 lần mỗi ngày. Đối với ĐTĐ típ 2: Đường huyết ổn định không cần thử thường xuyên. Đường huyết chưa ổn định nên thử ít nhất 2 lần mỗi ngày. Giảm số lần thử lại khi đường huyết ổn định trở lại. Tăng số lần thử đường huyết trong các trường hợp: Trong giai đoạn căng thẳng/stress, đang có thêm bệnh khác; Nghi ngờ hạ đường huyết; Hoạt động thể lực nhiều; Đường huyết đang ở giai đoạn quá cao hay quá thấp; Thay đổi điều trị, chế độ ăn, cách thức vận động.

Người bệnh cần làm gì khi có đường huyết bất thường: Mức đường huyết được xem là bất thường khi: Lúc đói, đường huyết dưới 70 mg/dL (3,9mmol/L). Sau ăn 2 giờ, đường huyết trên 200mg/dL (11,1mmol/L). Khi có mức đường huyết bất thường: Trường hợp đường huyết thấp: người bệnh nên ăn thêm bánh, kẹo, nước đường, sữa; Trường hợp đường huyết tăng: người bệnh nên xem lại chế độ ăn, loại thức ăn, có quên uống thuốc không... Sau đó nên đi khám bệnh để được bác sĩ tư vấn và điều chỉnh thuốc.

Vùng đường huyết an toàn: Theo Hiệp hội Đái tháo đường của Mỹ, mức đường huyết an toàn đối với đa số người bệnh ĐTĐ là: Đường huyết lúc đói: 90-130mg/dL (5,0mmol/L-7,2mmol/L); Đường huyết sau ăn 1-2 giờ: nhỏ hơn 180mg/dL (10mmol/L); Đường huyết trước khi đi ngủ: 110mg/Dl -150mg/dL (6,0mmol/L -8,3mmol/L). Lưu ý là mức đường huyết an toàn, thích hợp còn tùy thuộc vào tuổi tác, mức độ các biến chứng và các bệnh lý kèm theo. Bác sĩ sẽ quyết định mức đường huyết người bệnh cần đạt là bao nhiêu.

Một số lời khuyên cho người bệnh ĐTĐ: Tuân thủ chế độ ăn hợp lý; Luyện tập thể dục hằng ngày, chọn loại hình an toàn và hiệu quả nhất. Đi bộ khoảng 30 phút mỗi ngày có vẻ phù hợp với đa số bệnh nhân ĐTĐ; Duy trì cân nặng hợp lý; Dùng thuốc điều trị ĐTĐ (uống, tiêm) đúng cách, theo hướng dẫn của thầy thuốc; Tự theo dõi đường huyết, huyết áp; Kiểm tra, chăm sóc bàn chân hàng ngày; Chải răng và nướu (lợi) hằng ngày; Ngưng hút thuốc lá; Khám mắt và xét nghiệm định kỳ... sẽ giúp người bệnh kiểm soát tốt được đường huyết và phát hiện sớm các biến chứng, giúp kéo dài và gia tăng chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

BS NGUYỄN TẤT ỨNG