Nhận thức đầy đủ, sâu sắc bài viết của Tổng Bí thư về con đường đi lên CNXH (bài 1)

05:07, 12/07/2021

"Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" là bài viết hết sức quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng...

[links()]
“Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” là bài viết hết sức quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, được công bố vào dịp kỷ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Bài viết thu hút sự chú ý rộng rãi không chỉ trong nước, mà cả với nhiều người trên thế giới. 
 
Bài 1: Ý nghĩa lịch sử trong xây dựng CNXH ở Việt Nam
 
Từ kết quả nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở Việt Nam và có sự đối sánh với thế giới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu lên và luận giải thấu đáo, có sức thuyết phục về những vần đề cơ bản, cốt lõi của CNXH ở Việt Nam, đó là: Nhận thức về CNXH và đặc trưng của CNXH Việt Nam; mô hình CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam; phương hướng xây dựng CNXH ở Việt Nam; những kết quả to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong xây dựng CNXH ở Việt Nam; tiếp tục khẳng định con đường đi lên CNXH ở Việt Nam .
 
Trong bài viết này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xác định: “CNXH đề cập ở đây là CNXH khoa học dựa trên học thuyết Mác - Lênin trong thời đại ngày nay. Vậy thì chúng ta phải định hình CNXH thế nào và định hướng đi lên CNXH thế nào cho phù hợp với hoàn cảnh, đặc điểm cụ thể ở Việt Nam? 
 
Về tư tưởng, nhận thức CNXH và con đường đi lên CNXH trên thế giới và ở Việt Nam, Tổng Bí thư nêu thực trạng trên thế giới sau khi mô hình CNXH ở Liên Xô và nhiều nước Đông Âu sụp đổ đã có nhiều biến động, trong đó nổi lên hai xu hướng xuyên tạc, phủ nhận: 
 
Một là, những người mácxít vốn ngưỡng mộ, trung thành chủ nghĩa Mác - Lênin và CNXH thì có sự hoang mang, bi quan, dao động, hoài nghi, đồng nhất sự sụp đổ của CNXH ở Liên Xô với sai lầm của chủ nghĩa Mác - Lênin và con đường đi lên CNXH; 
 
Hai là, những đối tượng có tư tưởng chống phá thì lấy đó làm bằng chứng để phủ nhận, bác bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, bác bỏ con đường đi lên CNXH của loài người. Ở Việt Nam, có không ít người; trong đó, có cả những người cộng sản đã hoài nghi về sự lựa chọn con đường đi lên CNXH của Đảng Cộng sản Việt Nam; có những tư tưởng cơ hội đòi xét lại chủ nghĩa Mác, phủ nhận sự lựa chọn của Đảng Cộng sản Việt Nam vì họ cho rằng khi CNXH ở Liên Xô đã sụp đổ nhưng Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển đất nước theo con đường XHCN là một sự “kéo lùi lịch sử”, không tuân theo quy luật mà C.Mác đã từng khẳng định: Sự phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội là một quá trình lịch sử - tự nhiên.
 
Mặc dù bối cảnh tình hình như vậy, nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục khẳng định: "Đảng và Nhân dân ta quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường XHCN trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh". Theo Tổng Bí thư, Đảng và Nhân dân ta tiếp tục kiên định con đường xây dựng CNXH ở Việt Nam, là bởi:
 
(i) Chủ nghĩa tư bản (CNTB) hiện đại tuy đã có nhiều điều chỉnh để thích ứng với điều kiện mới và đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhất là về khoa học - công nghệ và sản xuất, song bản chất của nó vẫn không thay đổi, vẫn không khắc phục được những mâu thuẫn cơ bản vốn có của nó. Minh chứng rõ nét nhất là khủng hoảng kinh tế, kéo theo khủng hoảng về nhiều mặt; phân hóa giàu - nghèo ngày càng lớn; biểu tình, bãi công, mâu thuẫn, xung đột giữa các sắc tộc; suy thoái môi trường xảy ra trầm trọng… điển hình như cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế năm 2008 - 2009 và cuộc suy thoái kinh tế do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 hiên nay. 
 
(ii) Đất nước Việt Nam đang cần một xã hội tốt đẹp, ở đó con người được sống một cuộc đời tự do, bình đẳng, ấm no, hạnh phúc. Và điều này chỉ có CNXH và Cchủ nghĩa Cộng sản mới có thể giải quyết triệt để và mới có thể đem lại cho nhân dân cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự. 
 
Đúng như Tổng Bí thư đã nêu lên trong bài viết của mình: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, "cá lớn nuốt cá bé" vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm. Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và huỷ hoại môi trường. Và, chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về Nhân dân, do Nhân dân và phục vụ lợi ích của Nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có”. Đó cũng “chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và Nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi”. 
 
Về mô hình CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, có thể nói, từ năm 1986 trở về trước, nhận thức về CNXH nhìn chung vẫn còn đơn giản, phiến diện, chung chung; chưa xác định được mô hình và những đặc trưng cụ thể của xã hội XHCN ở Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử xây dựng CNXH ở Việt Nam, mô hình xã hội XHCN mà Nhân dân ta xây dựng đã được Đảng ta chỉ ra trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (năm 1991), trong đó xác định xã hội XHCN ở Việt Nam gồm 6 đặc trưng. 
 
Đến Đại hội X, Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đã bổ sung, phát triển gồm 8 đặc trưng cơ bản. Phải trải qua một quá trình nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, Đảng ta mới hình thành được nhận thức tổng quát: “Xã hội XHCN mà Nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do Nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”.
 
Trong 8 đặc trưng này, Đảng ta khẳng định đặc trưng hàng đầu là: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, dân chủ được đặt lên trước công bằng, văn minh; đồng thời, nhấn mạnh “nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp”; “con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”. 
 
Mô hình CNXH này chính “là xã hội hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, dựa trên nền tảng lợi ích chung của toàn xã hội hài hòa với lợi ích chính đáng của con người, khác hẳn về chất so với các xã hội cạnh tranh để chiếm đoạt lợi ích riêng giữa các cá nhân và phe nhóm”. 
 
Bài viết còn nêu lên những vấn đề cơ bản về con đường đi lên CNXH ở Việt Nam; trong đó, có việc bỏ qua chế độ TBCN. Thực tế cho thấy, từ năm 1930, Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng đã xác định tính chất cách mạng Đông Dương là cách mạng tư sản dân quyền tiến lên cách mạng XHCN, bỏ qua giai đoạn phát triển TBCN. Tuy nhiên, “bỏ qua CNTB” như thế nào lại chưa được nhận thức đầy đủ, rõ ràng, có phần đơn giản, phiến diện; thậm chí có đối tượng còn cố tình bóp méo, xuyên tạc.
 
Qua quá trình nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, đến Đại hội IX, Đảng ta đã đưa ra nội hàm rất cụ thể, rõ ràng về việc “bỏ qua CNTB” là “bỏ qua việc xác lập vị trí thống trị của quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng TBCN nhưng tiếp thu, kế thừa những thành tựu mà nhân loại đã đạt được dưới chế độ TBCN, đặc biệt về khoa học và công nghệ để phát triển nhanh lực lượng sản xuất, xây dựng kinh tế hiện đại. Xây dựng CNXH bỏ qua chế độ TBCN, tạo sự biến đổi về chất của xã hội trên các lĩnh vực là sự nghiệp rất khó khăn, phức tạp, cho nên phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều chặng đường, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, xã hội có tính chất quá độ”.
 
Vì vậy, trong bài viết này, một lần nữa, Tổng Bí thư nêu rõ: “Nói bỏ qua chế độ TBCN là bỏ qua chế độ áp bức, bất công, bóc lột TBCN; bỏ qua những thói hư tật xấu, những thiết chế, thể chế chính trị không phù hợp với chế độ XHCN, chứ không phải bỏ qua cả những thành tựu, giá trị văn minh mà nhân loại đã đạt được trong thời kỳ phát triển CNTB. Đương nhiên, việc kế thừa những thành tựu này phải có chọn lọc trên quan điểm khoa học, phát triển”. Luận điểm này không chỉ tiếp tục khẳng định, làm rõ hơn quan điểm của Đảng ở Đại hội IX mà đề ra nguyên tắc quan trọng trong việc kế thừa những thành tựu của CNTB trong xây dựng ở Việt Nam phải dựa trên quan điểm khoa học và phát triển. 
 
LINH NHÂN