Giám sát về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

08:11, 21/11/2018

Từ rất nhiều kiến nghị của cử tri và nhân dân về những bất cập trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh đã triển khai giám sát về vấn đề này. Qua đó, giúp cơ quan quản lý nhìn nhận, làm rõ những việc đã làm được và chưa làm được, những tồn tại, hạn chế cần khắc phục nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân được cấp GCNQSDÐ - một chiếc chìa khóa mở ra nhiều cánh cửa để người dân được vay vốn phát triển sản xuất, làm giàu.

Từ rất nhiều kiến nghị của cử tri và nhân dân về những bất cập trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDÐ), Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh đã triển khai giám sát về vấn đề này. Qua đó, giúp cơ quan quản lý nhìn nhận, làm rõ những việc đã làm được và chưa làm được, những tồn tại, hạn chế cần khắc phục nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân được cấp GCNQSDÐ - một chiếc chìa khóa mở ra nhiều cánh cửa để người dân được vay vốn phát triển sản xuất, làm giàu.
 
Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Nguyễn Trọng Ánh Đông phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Giám sát chuyên đề về  cấp GCNQSDĐ. Ảnh: N.Thu
Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Nguyễn Trọng Ánh Đông phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Giám sát chuyên đề
về cấp GCNQSDĐ. Ảnh: N.Thu

Đại diện UBMTTQVN huyện Đạ Tẻh, Cát Tiên cho biết, thông qua các buổi tiếp xúc cử tri, hay hội nghị gặp gỡ với nhân dân, bà con kiến nghị rất nhiều đến điều kiện, thủ tục cấp GCNQSDĐ. Người dân cho rằng, thời gian qua họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc làm thủ tục để được cấp lại GCNQSDĐ do sơ suất để mất. Việc không có hướng dẫn, tháo gỡ cho dân, kéo dài thời gian cấp đã gây khó khăn cho bà con. Phó Chủ tịch UBMTTQVN huyện Lâm Hà, bà Khuất Thị Minh Hiền phản ánh: “Trực tiếp gặp gỡ, lắng nghe kiến nghị của nhân dân tại cơ sở mới thấy bà con gặp nhiều khó khăn, phiền toái khi làm thủ tục xin cấp GCNQSDĐ. Tình trạng cán bộ chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai không có tinh thần trách nhiệm với dân vẫn còn diễn ra. Khi người dân mua đất chỉ trông chờ cán bộ đến đo đạc, xác định ranh giới lô đất nhưng từ một thửa vuông vắn lại vẽ thành hình tam giác. Dân lên nhận GCNQSDĐ thì hẹn hết lần này qua lần khác, đùn đẩy từ cơ quan này đến cơ quan khác khiến người dân bị phiền hà. Chỉ đến khi lãnh đạo huyện chỉ đạo trực tiếp thì mới giải quyết và cấp GCNQSDĐ cho người dân...”.
 
Ðiều đáng nói, tại nhiều địa phương, người dân bức xúc về việc đã hiến đất làm đường, làm công trình dân sinh nhưng lại phải tự đi xin, điều chỉnh sổ đất, trong khi lẽ ra đây phải là trách nhiệm của cơ quan nhà nước. Những bất cập trong quy định về tách thửa hiện nay tại các địa phương gây bức xúc trong dân, bà con kiến nghị Nhà nước cần điều chỉnh lại cho phù hợp.
 
Ngoài ra, những tồn tại, yếu kém trong công tác quy hoạch, do trùng lắp quy hoạch về đất đai, quy hoạch đô thị, quy hoạch về xây dựng, quy hoạch về nông thôn mới, quy hoạch về đất rừng, đất nông nghiệp... cũng đã gây ít nhiều khó khăn cho nhân dân. Chính vì vậy, bà con kiến nghị cần có điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp, đáp ứng lợi ích chính đáng cho nhân dân.
 
Trả lời về những tồn tại trong cấp GCNQSDĐ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Sô cho biết: Việc mất giấy chứng nhận mà văn phòng yêu cầu phô tô GCNQSDĐ là không đúng thủ tục. Bởi để được cấp lại lần hai vẫn còn rất nhiều nguồn tư liệu như quyết định cấp GCNQSDĐ, bộ lưu hồ sơ họ tên người được cấp, hoặc hồ sơ gốc cũng được lưu một bản. Chi nhánh nào rơi vào trường hợp này thì chi nhánh đó đã đẻ ra một thủ tục phiền hà cho người dân… Về chồng chéo quy hoạch là tồn tại của nhiều sở, ngành liên quan nhưng chúng tôi sẽ nhận trách nhiệm và phản ánh tới cơ quan cấp trên với tư cách là một thành viên thẩm định các dự án quy hoạch. Sắp tới, trong giao ban tháng chúng tôi sẽ có chỉ đạo các văn phòng cấp huyện để có chỉ đạo kịp thời về vấn đề đo vẽ bản đồ địa chính.
 
Mặc dù còn nhiều tồn tại, hạn chế, nhưng trên thực tế Lâm Đồng là một trong những tỉnh thành lập văn phòng đăng ký đất đai sớm trong cả nước, hoạt động từ năm 2015 trên cơ sở hợp nhất giữa Trung tâm thông tin đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Sở Tài Nguyên và môi trường và Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất các huyện, thành phố. Thời gian đầu thành lập, tỷ lệ hồ sơ trễ hạn còn cao, số hồ sơ tồn đọng không kịp thời giải quyết cho người dân rất nhiều, một phần do các văn bản, quy định của pháp luật còn nhiều vướng mắc, chưa ban hành kịp thời các văn bản mới phù hợp. Tuy nhiên, với nhiều biện pháp quyết liệt nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đến nay tất cả các quy trình giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai đều đã được công khai. Người dân đã được tiếp cận trực tiếp quy trình giải quyết hồ sơ qua đường dây nóng. Mọi người dân khi đến giao dịch tại bộ phận một cửa đã được hướng dẫn nộp hồ sơ, căn cứ phiếu biên nhận để biết hồ sơ của mình đã được giải quyết đến đâu, có vướng mắc gì trong hồ sơ và được hướng dẫn, trả lời cụ thể. Cũng chính từ đó, khâu tiếp nhận và trả  kết quả được giám sát chặt chẽ, làm cơ sở để xác định trách nhiệm từng cá nhân, bộ phận nếu để xảy ra hồ sơ trễ hạn.
 
Ông Nguyễn Trọng Ánh Đông - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh cho biết: Đây là vấn đề nóng, nhạy cảm, thuộc lợi ích chính đáng của người dân, đồng thời liên quan đến việc phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và cả về trật tự an toàn xã hội. Vì vậy, làm tốt việc cấp GCNQSDĐ sẽ có tác động rất lớn về nhiều mặt, nhiều lĩnh vực, góp phần thúc đẩy tăng thu ngân sách nhà nước, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và ổn định chính trị tại địa phương. Qua đây, mỗi bên hiểu về trách nhiệm của mình, của cơ quan quản lý nhà nước, của bộ phận một cửa, của văn phòng đăng ký trực tiếp về cấp GCNQSDĐ về thủ tục hành chính, về quy trình được cấp, để từ đó làm tốt hơn, khắc phục nhanh những phiền hà, bất cập cho người dân, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân được cấp GCNQSDĐ theo đúng quy định của pháp luật.
 
NGUYỆT THU