
Văn hóa không nằm ngoài kinh tế và chính trị, mà đạo đức, lối sống là những thành tố cơ bản của văn hóa; cho nên đạo đức, lối sống chắc chắn cũng không nằm ngoài kinh tế và chính trị. Vấn đề đặt ra là chúng ta xây dựng văn hóa đạo đức và lối sống văn hóa trong nền kinh tế thị trường và hội nhập thế giới hiện nay như thế nào mà thôi.
Văn hóa không nằm ngoài kinh tế và chính trị, mà đạo đức, lối sống là những thành tố cơ bản của văn hóa; cho nên đạo đức, lối sống chắc chắn cũng không nằm ngoài kinh tế và chính trị. Vấn đề đặt ra là chúng ta xây dựng văn hóa đạo đức và lối sống văn hóa trong nền kinh tế thị trường và hội nhập thế giới hiện nay như thế nào mà thôi.
Sự phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta hiện nay đang hình thành các tư tưởng, ý thức và chuẩn mực đạo đức mới, tạo nên những sắc thái về đạo đức, lối sống mới trong xã hội. Đồng thời cũng làm nảy sinh nhiều tư tưởng, ý thức và những tiêu chí đạo đức đi ngược lại với những giá trị truyền thống của dân tộc, trở thành một “vấn nạn” trong sự nghiệp xây dựng CNXH. Do đó cần có cái nhìn đúng đắn về thực trạng trên và đưa ra những giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế để điều chỉnh nền kinh tế thị trường phù hợp với mục tiêu và bản chất của CNXH.
Phát triển nền kinh tế thị trường vừa có tác động tích cực, vừa cả tiêu cực đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Mặt tích cực là tạo điều kiện để xóa bỏ tâm lý thụ động, ỷ lại của người dân đối với Nhà nước và xã hội; phát huy tính năng động, sáng tạo của mỗi cá nhân, tổ chức và đơn vị; cổ vũ tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cá nhân và của cả cộng đồng… Còn về mặt tiêu cực là sự phân hóa giàu nghèo một cách sâu sắc; động cơ thực dụng, vụ lợi thôi thúc con người chạy theo lợi ích vật chất thuần túy, coi nhẹ các nhu cầu và lợi ích tinh thần; kích thích lòng tham lợi, chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa cá nhân, lối sống bất chấp đạo lý, làm xói mòn, hủy hoại nền tảng và những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc...
Nhận thức rõ mặt tích cực và mặt trái của kinh tế thị trường, Đảng ta đã xác định phải phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, trong đó đạo đức, lối sống có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong việc định hướng. Bởi vì, đạo đức là một bộ phận của kiến trúc thượng tầng, của ý thức xã hội, một mặt bị quy định bởi cơ sở hạ tầng, tồn tại xã hội; mặt khác nó cũng có tính độc lập tương đối và tác động tích cực trở lại đối với cơ sở hạ tầng, tồn tại xã hội. Mục tiêu định hướng XHCN trong phát triển nền kinh tế thị trường ở nước ta mang tính nhân đạo sâu sắc là làm cho mọi người đều có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; nó chứa đựng yếu tố luân lý đạo đức ngay trong bản chất của nền kinh tế. Các tiêu chuẩn đạo đức và quan niệm giá trị cấu thành giá trị nhân văn trong hoạt động kinh tế; góp phần điều tiết các quan hệ lợi ích, duy trì trật tự chung trong sản xuất - phân phối - trao đổi và tiêu dùng, điều hòa quan hệ lợi ích giữa cái chung với cái riêng, giữa con người với con người.
Hơn nữa, đạo đức, lối sống là những vấn đề cốt lõi trong đời sống văn hóa của mỗi cá nhân, cộng đồng và dân tộc. Trong điều kiện kinh tế thị trường của nước ta vừa mới hình thành, những thói hư tật xấu của lối kinh doanh tiểu thương còn khá phổ biến, xu hướng thương mại hóa các lĩnh vực đời sống tinh thần đang có nguy cơ phát triển, dẫn đến sự xuống cấp về đời sống văn hóa, đặc biệt trên lĩnh vực đạo đức, lối sống. Do đó, việc xây dựng văn hóa đạo đức và lối sống văn hóa trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế hiện nay là yêu cầu vừa rất cấp bách, vừa cơ bản, lâu dài, đang là mối quan tâm không chỉ về mặt lý luận mà cả trong thực tế. Ngăn chặn, đẩy lùi và khắc phục suy thoái về đạo đức, lối sống đang là đòi hỏi của thực tiễn, là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân ta.
Vì vậy, để xây dựng văn hóa đạo đức và lối sống có văn hóa trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta hiện nay, cần chú ý một số vấn đề có tính cốt lõi sau đây:
Thứ nhất, trong bối cảnh cái tôi cá nhân được đề cao, chủ nghĩa cá nhân đang có nguy cơ trở thành lối sống phổ biến trong xã hội, đòi hỏi chúng ta phải quan tâm giải quyết tốt mối quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng, giữa lợi ích riêng với lợi ích chung. Đây là vấn đề thường xuyên xảy ra trong cuộc sống, bởi mỗi người đều có đời sống, lợi ích và sở thích riêng, nhưng xã hội không thể chấp nhận ai thích làm gì thì làm, chỉ lo cho bản thân mà không quan tâm đến người khác, đến lợi ích của cộng đồng. Vì vậy, phải chú trọng giáo dục tinh thần cộng đồng, để từ đó làm nảy sinh sự quan tâm, thương yêu đùm bọc nhau; hạn chế đến mức cao nhất tính vị kỷ và chủ nghĩa cá nhân.
Thứ hai, kinh tế thị trường và toàn cầu hóa thường thôi thúc con người chạy theo những lợi ích vật chất trước mắt, bỏ qua hoặc coi nhẹ các nhu cầu và lợi ích tinh thần, nhất là trong thế hệ trẻ; do đó cần quan tâm giải quyết tốt mối quan hệ giữa nhu cầu, giá trị vật chất và tinh thần. Nếu một xã hội mà mọi người chỉ nghĩ đến các nhu cầu vật chất, chỉ lo làm giàu, mà không lo trau dồi đạo đức, lối sống tình nghĩa, thì đó sẽ là một xã hội bất an, một xã hội chứa đựng những nguy cơ tan vỡ. Vì vậy, chăm lo tốt giáo dục đạo đức để mỗi con người đều có tâm hồn phong phú, cao đẹp; lòng nhân ái bao la; đức hy sinh cao cả… làm cho con người quan tâm nhiều hơn đến đạo lý làm người, biết phân biệt phải trái, đúng sai, có tình thương và trách nhiệm, thì sự đam mê những nhu cầu và tiện nghi vật chất thuần túy chắc chắn sẽ bị đẩy lùi và khắc phục.
Thứ ba, xây dựng văn hóa đạo đức và lối sống văn hóa là một quá trình có ý thức, có chủ đích của toàn xã hội, trước hết của những người lãnh đạo và quản lý xã hội. Thực tế cho thấy, nhiều quốc gia chỉ tập trung tăng trưởng kinh tế, coi đó là chỉ số duy nhất, là mục tiêu của sự phát triển đã dẫn tới hậu quả: môi trường sinh thái bị ô nhiễm nặng nề; nguyên tắc công bằng xã hội bị vi phạm nghiêm trọng; phân hóa giàu nghèo tăng cao…; từ đó làm suy giảm niềm tin vào chế độ, làm đảo lộn các thang giá trị và tác động xấu đến đời sống tinh thần của xã hội. Do đó, phải tăng cường vai trò của các cơ quan lãnh đạo và quản lý xã hội đối với việc xây dựng văn hóa đạo đức và lối sống văn hóa.
Thứ tư, gắn việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI); đẩy mạnh cải cách bộ máy hành chính, thực hiện nghiêm túc quy chế công chức, công vụ; đề cao vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người giữ các chức vụ… sẽ có ý nghĩa giáo dục văn hóa đạo đức, lối sống văn hóa cho toàn xã hội.
Trên đây chưa phải là tất cả những giải pháp để xây dựng văn hóa đạo đức và lối sống văn hóa, góp phần khắc phục tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội hiện nay, nhưng có thể coi đó là những giải pháp cơ bản và hết sức cần thiết nhằm đảm bảo tính định hướng XHCN trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế của nước ta hiện nay.
VĂN NHÂN