Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng con người

09:01, 07/01/2016

Con người và cuộc đấu tranh giải phóng con người luôn luôn chiếm vị trí trung tâm trong mọi suy nghĩ và hành động của Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất thế giới. 

Con người và cuộc đấu tranh giải phóng con người luôn luôn chiếm vị trí trung tâm trong mọi suy nghĩ và hành động của Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất thế giới. 
 
Tiếp thu ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin và vận dụng, phát triển sáng tạo vào điều kiện cụ thể nước nhà “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản” - Đó là con đường cứu nước duy nhất đúng so với các trào lưu đương thời, Hồ Chí Minh đã lãnh đạo Đảng, dân tộc làm nên Cách mạng Tháng Tám 1945, đánh đổ chế độ thực dân, phong kiến, thiết lập nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Trong Tuyên ngôn độc lập khai sinh Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở đầu và nhấn mạnh: “Hỡi đồng bào cả nước. Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng, tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc”.
 
Suốt đời mưu cầu tự do, hạnh phúc cho nhân dân nên trước lúc “đi gặp cụ Các Mác, Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác”, trong Di chúc, Người đã ân cần căn dặn khi chiến tranh kết thúc thì việc đầu tiên là công việc đối với con người: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống nhân dân”. Đối với thế hệ trẻ, Người căn dặn “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người kế thừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. 
 
Tất cả những bài nói, bài viết và suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh cho thấy ước nguyện lớn lao, cao cả của Người là giải phóng dân tộc, đưa lại độc lập, thống nhất cho đất nước, giải phóng xã hội, đưa lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân, giải phóng con người đưa lại hòa bình, dân chủ và hữu nghị cho cả nhân loại.
 
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh: Trên con đường giải phóng dân tộc và giải phóng con người phải đánh đổ 3 kẻ thù: Kẻ thù số 1 và là kẻ thù nguy hiểm nhất là thực dân đế quốc và tay sai của chúng; kẻ thù số 2 và số 3 cũng liên quan đến con người là nghèo nàn, lạc hậu (Người gọi là giặc đói và giặc dốt) và chủ nghĩa cá nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh thấu hiểu rằng nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc tự do, dân cứ chết đói, chết rét thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì. Vì vậy đất nước, xã hội, con người chỉ được giải phóng khi thoát khỏi giặc ngoại xâm, giặc dốt, giặc đói. Từ nhận thức đó, Người đã đề ra chủ trương, biện pháp tích cực diệt giặc đói, giặc dốt, đồng thời khẩn trương chuẩn bị mọi mặt để thực hiện cuộc kháng chiến trường kỳ chống giặc ngoại xâm. Về chủ nghĩa cá nhân, theo Bác đây là nguồn gốc sinh ra mọi khuyết điểm khác của cán bộ, đảng viên như tham ô, lãng phí, quan liêu. Tính chất nguy hiểm được ví như “bạn đồng hành của thực dân và phong kiến”, “là kẻ thù bên trong” và những người mắc phải tội lỗi ấy “cũng nặng như tội lỗi Việt gian, mật thám”. Người khẳng định: “Muốn đánh thắng kẻ địch bên ngoài, thì trước hết phải đánh thắng kẻ địch bên trong là chủ nghĩa cá nhân”. Phải triệt để tiêu diệt chủ nghĩa cá nhân thì mới thực sự giải phóng được con người. 
 
Giải phóng dân tộc với giải phóng giai cấp, xã hội và giải phóng con người luôn là sự thống nhất, nhất quán trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Có giải phóng dân tộc mới giải phóng được giai cấp, xã hội, và có giải phóng giai cấp, xã hội thì dân tộc, con người mới được giải phóng hoàn toàn. Giải phóng đất nước rồi thì phải xây dựng Nhà nước chuyên chính song bản chất của Nhà nước đó là gì? Xây dựng một Nhà nước do nhân dân lao động làm chủ là tư tưởng nhất quán, Người chỉ rõ: “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam. Việc nước là việc chung, mỗi một người con Rồng cháu Tiên, bất kỳ già trẻ, gái trai, giàu nghèo, nòi giống, tôn giáo đều phải gánh vác một phần”. Từ sau Cách mạng Tháng Tám, Người nêu Nhà nước quản lý xã hội, lo cho dân chứ không phải đè đầu, cưỡi cổ dân. Do vậy “Việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân ta phải hết sức tránh. Chúng ta yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”. Chú ý đến quyền lợi của nhân dân, giải phóng con người thì phải: “Làm cho dân có ăn/ Làm cho dân có mặc/ Làm cho dân có chỗ ở/ Làm cho dân có học hành”.
 
Tư tưởng Hồ Chí Minh thấm đượm chủ nghĩa nhân đạo, tinh thần nhân văn cao cả, luôn luôn chú trọng đến con người, vì sự nghiệp giải phóng con người, luôn tìm cách hướng con người đến “chân, thiện, mỹ”. Trong chỉ đạo hoạt động của Đảng, Nhà nước, Người thường nhấn mạnh hai yếu tố “có lý, có tình” trong việc xây dựng cũng như quá trình thực hiện Hiến pháp, pháp luật. Người nói “nếu thuộc bao nhiêu sách của chủ nghĩa Mác - Lênin mà sống với nhau không có tình, có nghĩa thì coi như không hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin”. Hiến pháp và pháp luật của ta là bảo vệ quyền lợi của nhân dân. Theo Hồ Chí Minh, phải dùng sức cảm hóa để ngăn ngừa tiêu cực có thể xảy ra với phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh. Có tấm lòng độ lượng song Người cũng không bao che, mà luôn luôn đấu tranh một cách chân thành và thẳng thắn đối với những sai lầm, khuyết điểm, với những hành vi phạm pháp. 
 
Trước công ơn “trời cao, biển rộng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đối với dân tộc Việt Nam và nhân dân, đã có nhiều vần thơ ca ngợi: “Bác ơi! Tim Bác mênh mông thế/ Ôm cả non sông, mọi kiếp người”, “Người là Cha, là bác, là anh/ Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ”... Học tập và làm theo “Tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh” là một việc làm thường xuyên, liên tục. Để việc học tập và làm theo Người về tư tưởng giải phóng con người, thiết nghĩ mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn đấu tranh, chiến thắng “giặc” cá nhân trong mỗi con người; đề cao tinh thần “vì nhân dân mà phục vụ”… Đối với từng tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị phải tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt Nghị quyết TW 4 (khóa XI) “Những vấn đề cấp bách về công tác xây dựng Đảng hiện nay” nhằm chỉnh đốn, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, tiền phong, gương mẫu; đưa đất nước sớm cập bến “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”!
 
BAN BIÊN TẬP