Phát huy dân chủ trong Đảng

09:01, 21/01/2016

Có ý kiến cho rằng, một đất nước muốn thực sự có dân chủ điều kiện tiên quyết là phải có nhiều đảng chính trị. Và những kẻ cơ hội chính trị, phần tử chống Đảng CS Việt Nam, chế độ XHCN ở nước ta đang ra sức cổ súy cho những ý kiến đó, mà thực chất là nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng CS, xóa bỏ chế độ XHCN ở Việt Nam. 

Có ý kiến cho rằng, một đất nước muốn thực sự có dân chủ điều kiện tiên quyết là phải có nhiều đảng chính trị. Và những kẻ cơ hội chính trị, phần tử chống Đảng CS Việt Nam, chế độ XHCN ở nước ta đang ra sức cổ súy cho những ý kiến đó, mà thực chất là nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng CS, xóa bỏ chế độ XHCN ở Việt Nam. 
 
Thực chất vấn đề dân chủ có phụ thuộc vào chế độ đa đảng hay một đảng cầm quyền hay không? Dân chủ là khát vọng ngàn đời của con người; là mục tiêu, động lực của sự nghiệp đấu tranh giải phóng con người. Hiện nay, trên thế giới có nhiều thể chế chính trị khác nhau tùy thuộc vào điều kiện lịch sử và sự lựa chọn của các dân tộc. Thực tế cho thấy, trình độ dân chủ của xã hội không hoàn toàn phụ thuộc vào số lượng của đa đảng hay một đảng cầm quyền. Ở một số nước, nhiều đảng nhưng xã hội vẫn rối loạn, mất ổn định chính trị vẫn xảy ra liên miên, xã hội không bảo đảm được dân chủ. Ngược lại, một số nước chỉ có một đảng lãnh đạo, nhưng chính trị - xã hội vẫn ổn định, vẫn bảo đảm và phát huy được dân chủ. Từ đó đi đến khẳng định, trình độ dân chủ của xã hội không phải do chế độ đa đảng hay một đảng cầm quyền quyết định, mà chủ yếu phụ thuộc vào bản chất của đảng cầm quyền và tính chất của chế độ chính trị xã hội đã được nhân dân lựa chọn; ngoài ra còn do trình độ phát triển dân trí, truyền thống, văn hóa, đạo đức của dân tộc…
 
Còn vấn đề thực hiện dân chủ ở nước ta như thế nào? Trước khi giành được độc lập, nước ta không có dân chủ. Trong thời kỳ lãnh đạo đấu tranh giành chính quyền và kháng chiến chống xâm lược, phải hoạt động trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, nhưng nhờ phát huy dân chủ nên Đảng ta đã động viên được tinh thần trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo của mỗi đảng viên để tổ chức, lãnh đạo quần chúng tham gia cách mạng. Cán bộ, đảng viên đều một lòng, một dạ phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân nên quan hệ trong Đảng là bình đẳng, đoàn kết, thống nhất. Đó chính là cơ sở để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và đoàn kết quốc tế, tạo nên những thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam. Dân chủ trong Đảng là bài học kinh nghiệm thành công và trở thành truyền thống quý báu của Đảng ta.
 
Trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta hết sức coi trọng phát huy vấn đề dân chủ, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là nguyên tắc và giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh. Vấn đề phát huy dân chủ trong Đảng, mở rộng dân chủ trong xã hội được nêu trong các nghị quyết của Đảng, gần đây là Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Nhờ mở rộng dân chủ nội bộ nên đã có tác dụng to lớn trong việc khai thác và phát huy tâm huyết, trí tuệ, nêu cao tính tự giác, tính tích cực, chủ động, sáng tạo của các tổ chức đảng và của đông đảo cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, do tác động của mặt trái kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế hiện nay, vấn đề dân chủ trong Đảng cũng nẩy sinh những yếu tố phức tạp.Tình trạng không ít cấp ủy và tổ chức đảng thiếu tôn trọng và phát huy quyền của đảng viên vẫn còn xảy ra. Một số cán bộ chỉ thích nghe những thông tin, ý kiến thuận với mình, khó chịu với những ý kiến khác; lãnh đạo nặng về mệnh lệnh, hành chính mà coi nhẹ giáo dục, thuyết phục, dẫn đến độc đoán, chuyên quyền, trù dập, ức hiếp cấp dưới còn xảy ra ở một số nơi, có khi rất trắng trợn; mất dân chủ hoặc dân chủ hình thức còn nặng, thậm chí dân chủ cực đoan, tự do vô kỷ luật... 
 
Nước ta không chấp nhận đa nguyên, đa đảng đối lập, nhưng không có nghĩa không có tự do, dân chủ. Tuy nhiên, việc không ít cán bộ, đảng viên mắc bệnh quan liêu, xa rời nhân dân, chủ quan, tự mãn, kiêu ngạo, đặc quyền đặc lợi, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân chính là nguy cơ thoái hóa, biến chất lớn nhất của đảng cầm quyền, nhất là đối với những người được giao nắm quyền lực. Vì vậy, phải thường xuyên phòng ngừa và kiên quyết loại bỏ tình trạng đó, nhằm không ngừng phát huy dân chủ trong Đảng, làm cơ sở mở rộng thực hành dân chủ xã hội. Để làm được điều đó, thiết nghĩ cần chú trọng một số vấn đề chủ yếu sau đây:
 
Thứ nhất, phải thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát huy dân chủ trong Đảng, trong xã hội. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, vấn đề dân chủ trong Đảng, trong Nhà nước, trong công tác Mặt trận và các đoàn thể, trong đời sống chính trị rất được chú trọng và có một vị trí đặc biệt nổi bật. Người chẳng những để lại cho chúng ta một hệ thống các quan niệm, quan điểm sâu sắc và hiện đại về dân chủ, mà còn nêu gương mẫu mực về thực hành dân chủ cho chúng ta noi theo. Trước lúc đi xa, Bác còn căn dặn: “Trong Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi”. 
 
Thứ hai, Đảng ta lãnh đạo đất nước thông qua đường lối, chủ trương, nghị quyết. Mà để có đường lối, chủ trương, nghị quyết đúng đắn - nhân tố cơ bản bảo đảm cho cách mạng thắng lợi, đòi hỏi Đảng phải phát huy dân chủ, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều người đem tâm huyết, trí tuệ của mình đóng góp xây dựng và không ngừng hoàn thiện đường lối, chủ trương của Đảng. Là chính đảng duy nhất cầm quyền, cho nên Đảng ta rất cần sự đóng góp trí tuệ của nhân dân.
 
Thứ ba, phải thực sự mở rộng và phát huy dân chủ trong sinh hoạt đảng, nhất là việc thảo luận, quyết định những vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của chi bộ và trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của đảng viên; xây dựng, bổ sung hoàn thiện các quy chế, quy định về thực hiện cơ chế dân chủ, tạo được không khí cởi mở, chân thành để mọi cán bộ, đảng viên bày tỏ chính kiến, tâm tư, nguyện vọng của mình; thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao tinh thần tự phê bình và phê bình, bảo vệ những đảng viên thẳng thắn đấu tranh chống các biểu hiện sai trái, tiêu cực... Việc thực hiện dân chủ trong sinh hoạt đảng có ý nghĩa quyết định khi thực hiện nguyên tắc dân chủ trong toàn bộ hoạt động của Đảng. 
 
Thứ tư, Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ không chỉ trong Đảng mà với đội ngũ cán bộ nói chung, do đó phải phát huy dân chủ trong công tác cán bộ. Tiếp tục đổi mới và hoàn thiện công tác quy hoạch, đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ đảm bảo công tâm, khách quan, khoa học, chống độc đoán, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm, chống dân chủ hình thức; đổi mới và hoàn thiện chế độ bầu cử trong Đảng, trong hệ thống nhà nước… nhằm lựa chọn được những cán bộ, đảng viên thực sự có phẩm chất chính trị, đạo đức, có năng lực lãnh đạo, được tập thể đảng viên và quần chúng tín nhiệm. 
 
Thứ năm, tăng cường công tác dân vận, phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam và tổ chức thành viên tham gia xây dựng Đảng, góp phần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và dân. Làm tốt công tác Dân vận không chỉ giúp đảng cầm quyền khắc phục được tình trạng mất dân chủ, quan liêu, xa dân, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí… mà còn góp phần vào việc bảo đảm và phát huy dân chủ đối với xã hội.
 
Thứ sáu, tệ quan liêu, tham nhũng hiện nay đã trở thành quốc nạn, là nguy cơ, thách thức đối với sự sống còn của Đảng, của cách mạng nước ta, là thủ phạm chính gây ra tình trạng mất dân chủ trong Đảng, gây bức xúc trong xã hội. Vì vậy, kiên quyết đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, đặc quyền, đặc lợi, hách dịch, cửa quyền là một nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng đảng, của các cấp ủy, tổ chức đảng, của cả hệ thống chính và toàn thể cán bộ, đảng viên. Từ đó sẽ góp phần thực hành dân chủ, làm lành mạnh các quan hệ xã hội. 
 
Từ bản chất của Đảng và vai trò của Đảng cầm quyền, trước yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, cần nhận thức rõ vấn đề phát huy dân chủ trong Đảng vừa là mục tiêu, vừa là động lực để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Các tổ chức đảng, mọi đảng viên phải tự giác thực hiện và kiên quyết đấu tranh với các tư tưởng, việc làm vi phạm dân chủ trong Đảng và cả xã hội. Thực hiện tốt dân chủ trong Đảng là nguồn gốc, cơ sở để thực hiện dân chủ trong xã hội; góp phần giữ vững và củng cố vai trò lãnh đạo của Đảng, lãnh đạo toàn dân thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.                          
 
VĂN NHÂN