Kỳ vọng vào Đại hội Đảng lần thứ XII

06:01, 26/01/2016

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong xã rất kỳ vọng vào Đại hội đại biểu lần thứ XII của Đảng. Trong phiên khai mạc Đại hội, nhiều bà con trong xã đã đón xem truyền hình trực tiếp. Sau đó, hàng ngày bà con tiếp tục theo dõi thời sự qua các kênh truyền hình về diễn biến của Đại hội.

* Ông K’Brês (Bí thư Đảng ủy xã Gung Ré, huyện Di Linh): Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong xã rất kỳ vọng vào Đại hội đại biểu lần thứ XII của Đảng. Trong phiên khai mạc Đại hội, nhiều bà con trong xã đã đón xem truyền hình trực tiếp. Sau đó, hàng ngày bà con tiếp tục theo dõi thời sự qua các kênh truyền hình về diễn biến của Đại hội. Qua đó, bà con rất phấn khởi trước một sự kiện chính trị trọng đại của Đảng và của đất nước. 
 
Thực lòng mà nói, bản thân tôi cũng như bà con trong xã rất tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Đảng đã lãnh đạo phát triển toàn diện đất nước. Trong đó, Đảng đã quan tâm đến đời sống và sự phát triển của người dân nói chung và đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng. Chính nhờ vậy, đồng bào các dân tộc thiểu số trong nước ngày càng phát triển về mọi mặt; những thói quen, tập tục lạc hậu từng bước được xóa bỏ; đời sống vật chất ngày càng đầy đủ và đời sống tinh thần ngày càng văn minh hơn. Tôi kỳ vọng là sau Đại hội, Đảng sẽ tiếp tục có những chủ trương mới, quan tâm hơn nữa đến đời sống và sự phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số.  
 
* Ông Nguyễn Ngọc Dũng (phường 10, TP. Đà Lạt): Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm phát huy vai trò, vị trí của đội ngũ làm công tác khoa học và phát triển khoa học - công nghệ. Đặc biệt, trong văn kiện Đại hội XII của Đảng nêu quan điểm rất rõ, phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ, làm cho khoa học và công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, kinh tế tri thức… 
 
Những năm qua, công tác nghiên cứu phát triển khoa học - công nghệ nước ta có sự chuyển biến mạnh mẽ, nhiều công trình khoa học chất lượng ra đời, các kết quả nghiên cứu khoa học được ứng dụng chuyển giao vào sản xuất tăng cao so với trước đây. Qua theo dõi, được biết, tại Lâm Đồng, các nhiệm vụ khoa học - công nghệ đã tập trung hơn cho việc giải quyết những thế mạnh của tỉnh, với khoảng 60% đề tài nghiên cứu cấp tỉnh được áp dụng thực tiễn, nhất là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, giúp nâng cao giá trị nông sản và góp phần quan trọng trong phát triển KT-XH địa phương.
 
Tôi cho rằng, để ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và tỉnh Lâm Đồng phát triển nhanh, bền vững, như đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; trước hết, Đảng và Nhà nước phải thực hiện quyết liệt hơn, quan tâm đề ra cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy mạnh ứng dụng sâu rộng khoa học - công nghệ vào sản xuất, quản lý nông nghiệp. Bởi, chỉ khi làm chủ được khoa học - công nghệ thì nông nghiệp mới có đột phá.
 
Chúng ta đã ký kết thành công các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, nhất là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chính thức đạt được thỏa thuận, quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng, nhưng sẽ đặt ra những thách thức mới. Nếu không có những chính sách đặc thù để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh nông sản, giảm chi phí sản xuất, thì chúng ta sẽ bị thua thiệt ngay trên sân nhà.
 
Theo tôi, tái cơ cấu nông nghiệp cần xây dựng mô hình về công nghiệp hóa trong nông nghiệp, liên minh nông nghiệp, tăng cường sự hợp tác trong sản xuất, kinh doanh để có thể sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, có giá trị gia tăng cao; dựa vào quy hoạch lại quỹ đất nông nghiệp cả nước, của từng vùng để hướng tới phát triển sản xuất hàng hóa lớn, sản phẩm chủ lực. Cùng với đó, cần làm ngay việc phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; ngành khoa học - công nghệ phối hợp ngành nông nghiệp, đầu tư theo chuỗi từ khâu giống đến canh tác, bảo vệ thực vật, thu hoạch, bảo quản, chế biến và xuất khẩu; tiếp tục phát huy năng suất, chất lượng một số cây trồng có lợi thế so sánh với khu vực và quốc tế; hình thành các gói tín dụng chuyên đề, để doanh nghiệp và nông dân dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn đầu tư nông nghiệp công nghệ cao.
 
XUÂN LONG - BẢO VĂN (ghi)