Hiệp định Paris là thắng lợi to lớn, quan trọng về nhiều mặt

09:01, 27/01/2016

Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam được ký vào ngày 27/1/1973, là một thắng lợi có ý nghĩa lịch sử của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; buộc Hoa Kỳ phải thừa nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, rút hết quân Mỹ và quân đồng minh ra khỏi miền Nam; tạo tiền đề cho đại thắng Mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam được ký vào ngày 27/1/1973, là một thắng lợi có ý nghĩa lịch sử của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; buộc Hoa Kỳ phải thừa nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, rút hết quân Mỹ và quân đồng minh ra khỏi miền Nam; tạo tiền đề cho đại thắng Mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
 
Năm 1968, sau những thất bại nặng nề của chiến lược “chiến tranh cục bộ” và chiến tranh phá hoại miền Bắc, cuộc đàm phán giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Hoa Kỳ đã chính thức diễn ra ở Paris. Phái đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Xuân Thủy đứng đầu, đã khẳng định lập trường không thay đổi của Việt Nam là trước tiên Mỹ phải chấm dứt không điều kiện các cuộc ném bom bắn phá và mọi hoạt động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sau đó mới bàn các vấn đề có liên quan của hai bên. Phái đoàn Mỹ do Hariman đứng đầu. 
 
Ngày 13/5/1968, cuộc đàm phán giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ chính thức bắt đầu tại Paris (Pháp) và sau gần 6 tháng đàm phán, hai bên đã đi đến thỏa thuận về việc Mỹ sẽ chấm dứt mọi hành động chiến tranh chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kể từ ngày 31/10/1968; đồng thời thỏa thuận về việc triệu tập một hội nghị tại Paris để bàn việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, gồm các bên: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, Mỹ và chính quyền Sài Gòn. 
 
Lập trường của bốn bên (thực chất là của Việt Nam và Mỹ), ở giai đoạn đầu rất mâu thuẫn và khác xa nhau, khiến cho các cuộc đấu tranh diễn ra gay gắt, nhiều lúc phải gián đoạn thương lượng. Trong lúc đó, trên chiến trường, cả ta và Mỹ đều tìm mọi cách để giành thắng lợi quyết định về quân sự, nhằm thay đổi cục diện chiến trường, làm áp lực cho mọi giải pháp chấm dứt chiến tranh dựa trên thế mạnh mà hai phía đang giành giật nhau trên bàn đàm phán. Bởi vì, xét cho cùng “Đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị ở miền Nam là nhân tố chủ yếu quyết định thắng lợi trên chiến trường, làm cơ sở cho thắng lợi trên mặt trận ngoại giao. Chúng ta chỉ có thể giành được trên bàn Hội nghị những cái mà chúng ta đã giành được trên chiến trường. Tuy nhiên, đấu tranh ngoại giao không chỉ đơn thuần phản ánh cuộc đấu tranh trên chiến trường, mà trong tình hình quốc tế hiện nay với tính chất cuộc chiến tranh giữa ta và địch, đấu tranh ngoại giao giữ một vai trò quan trọng, tích cực và chủ động” (Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2003, t. 28, tr. 174). Đối với ta, Hội nghị Paris không chỉ là các cuộc đàm phán ngoại giao thông thường, mà còn là một mặt trận tuyên truyền cho cuộc đấu tranh chính nghĩa để giành độc lập dân tộc của Việt Nam. 
 
Trong thời gian khoảng 5 năm, Hội nghị Paris đã phải trải qua 201 phiên họp công khai, 45 cuộc họp riêng cấp cao, 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn; đồng thời có sự hậu thuẫn của hàng nghìn cuộc biểu tình, mít tinh chống chiến tranh, ủng hộ Việt Nam. Trong các phiên họp chung công khai cũng như các cuộc tiếp xúc riêng, phía Việt Nam mặc dù đề cập nhiều vấn đề quan trọng có liên quan, nhưng vẫn tập trung vào hai vấn đề cốt yếu nhất là yêu cầu Mỹ cùng các nước đồng minh của họ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương rút hết quân ra khỏi miền Nam Việt Nam và tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản và quyền tự quyết của nhân dân miền Nam.
 
Hội nghị Paris là cuộc đàm phán giữa hai thế lực đối đầu trên chiến trường, giữa một bên là Mỹ xâm lược có thế mạnh vượt trội về quân sự và kinh tế nhưng lại yếu về chính trị, tinh thần; với một bên là Việt Nam dân chủ cộng hòa, lực lượng bảo vệ Tổ quốc, tuy có điểm yếu tương đối về quân sự và kinh tế nhưng lại có thế mạnh tuyệt đối về chính trị, tinh thần và chính nghĩa. Đó là cuộc đối chọi, đấu trí căng thẳng giữa 2 nền ngoại giao: nền ngoại giao nhà nghề của một siêu cường dựa trên thế mạnh là Mỹ và nền ngoại giao nhân văn của một nhà nước cách mạng là Việt nam. Đây cũng là một cuộc đấu quyết liệt giữa hai ý chí, hai trí tuệ, hai loại pháp lý và đạo lý và mưu lược,... khác nhau. Thế giới gọi Hội nghị Paris về Việt Nam là “cuộc hòa đàm thế kỷ” để chấm dứt cuộc chiến tranh dài nhất trong thế kỷ 20; cuộc chiến tranh diễn ra ở phạm vi một nước, nhưng lại mang tính thời đại sâu sắc giữa một bên là độc lập dân tộc và CNXH với một bên là chủ nghĩa đế quốc và các thế lực xâm lược phản động, giữa hòa bình và chiến tranh.
 
Những thắng lợi quân sự của ta trong năm 1971, 1972 trên khắp các chiến trường miền Nam Việt Nam và chiến trường nước bạn Lào, Cam-pu-chia,... đã khiến bọn Mỹ - ngụy thiệt hại nặng nề, từng bước làm phá sản chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, tạo thế thuận lợi cho ta trên bàn đàm phán. Đặc biệt, cuộc đụng đầu lịch sử 12 ngày đêm tháng Chạp năm 1972 đập tan cuộc tập kích đường không chiến lược bằng pháo đài bay B-52 với quy mô lớn của đế quốc Mỹ trên bầu trời thủ đô Hà Nội, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, tuyên bố chấm dứt ném bom bắn phá miền Bắc và chấp nhận phải ký “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” vào ngày 27/1/1973. 
 
Hiệp định Paris năm 1973 đã đáp ứng được những yêu cầu cơ bản, có tính nguyên tắc của Việt Nam nêu lên trong đàm phán, tạo ra bước ngoặt lớn cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc. Đây là thắng lợi quan trọng, to lớn về nhiều mặt của nhân dân Việt Nam; tạo nên một bước tiến lớn trên con đường xây dựng nền ngoại giao độc lập, tự chủ và đoàn kết quốc tế - nền ngoại giao Thời đại Hồ Chí Minh. 
 
Hiệp định Paris là kết quả cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh; phản ánh trí tuệ của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam, trên cơ sở cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta; thể hiện tinh thần quyết chiến quyết thắng, ý chí đấu tranh quật cường, bền bỉ, nhằm bảo vệ lý tưởng độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Đó là thắng lợi tổng hợp của cuộc chiến tranh trên các mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao; của sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh dân tộc với sức mạnh quốc tế; kết hợp ngoại giao nhà nước với ngoại giao nhân dân; là cơ sở pháp lý không cho phép Mỹ tiếp tục dính líu và can thiệp trở lại. 
Với thắng lợi của Hiệp định Paris, nhân dân Việt Nam đã thực hiện được mục tiêu “đánh cho Mỹ cút”, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện mục tiêu “đánh cho ngụy nhào”; tiến tới hoàn thành mục tiêu cuối cùng là giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào năm 1975.
 
Việc ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam không chỉ có ý nghĩa lịch sử đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta mà còn có ý nghĩa quốc tế to lớn. Đó là thắng lợi của CNXH, của các nước không liên kết và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, từ đó hình thành “mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam chống Mỹ xâm lược”; đồng thời, góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng đất nước của nhân dân Lào (tháng 2/1973) và Campuchia (tháng 4/1975). Từ đó, mở ra một cục diện mới ở Đông Nam Á: Mỹ rút lui về quân sự khỏi Đông Dương và Đông Nam Á; mở ra xu thế thiết lập một khu vực hòa bình, trung lập hữu nghị, ổn định.
 
Hội nghị Paris và Hiệp định Paris đã để lại nhiều bài học lớn, trong đó bài học về ý chí bảo vệ độc lập chủ quyền dân tộc và tinh thần đoàn kết quốc tế đến nay vẫn còn nguyên giá trị thời sự. Những giá trị của Hiệp định Paris vẫn mãi mãi là mốc son của nền ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh; là trang sử vàng chói lọi, thể hiện cao độ bản lĩnh, khí phách, trí tuệ của con người và nền văn hóa Việt Nam được kết tinh từ lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, mà thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau tiếp tục noi theo.
 
KHÁNH LINH