
Quyết tâm “Giữ vững khí tiết cách mạng”, chịu bao đau đớn về thể xác trước những đòn tra tấn dã man của quân địch, gần 1.000 chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh Lâm Đồng đã nêu cao dũng khí của người chiến sỹ cách mạng để tuyệt đối giữ bí mật, bảo vệ và giữ vững nền độc lập - tự do của Tổ quốc hôm nay.
Quyết tâm “Giữ vững khí tiết cách mạng”, chịu bao đau đớn về thể xác trước những đòn tra tấn dã man của quân địch, gần 1.000 chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh Lâm Đồng đã nêu cao dũng khí của người chiến sỹ cách mạng để tuyệt đối giữ bí mật, bảo vệ và giữ vững nền độc lập - tự do của Tổ quốc hôm nay.
![]() |
Tù binh bị thương và đau ốm trong ngày trao trả tù binh tại Thạch Hãn (3/1973). Ảnh tư liệu |
Dưới sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và Bác Hồ kính yêu, nhân dân cả nước nói chung và nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng nói riêng đã kiên cường chiến đấu và chiến thắng hai cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giành độc lập, tự do cho dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng đi lên theo con đường chủ nghĩa xã hội. Đã có biết bao của cải, vật chất, mồ hôi, nước mắt và cả xương máu của cả một dân tộc anh hùng đổ xuống trên mảnh đất hình chữ S và quê hương Lâm Đồng thân yêu, trong đó có các thế hệ chiến sỹ cách mạng không những bị địch bắt tù đày mà còn bị chúng tra tấn dã man; đã có nhiều chiến sỹ đã hy sinh xương máu của mình để đổi lấy tự do, ấm no, hạnh phúc. Kẻ thù đã tra tấn dã man, dùng nhiều cực hình độc ác, tàn bạo để hành hạ thể xác những chiến sỹ quả cảm của chúng ta. Nhiều hình thức tra tấn mà chỉ nhắc đến thôi đã thấy rùng mình như: dùng chày vồ đập nát vụn mắt cá chân, dùng dùi đục đục từng miếng xương bánh chè, dùng ván gỗ chắc nịch và đinh vít ép vỡ lồng ngực, tẩm dầu đốt cháy dương vật, bẻ răng luộc người trong chảo nước sôi, nướng người trên lửa than rực hồng… nhưng phần lớn kẻ địch đều thất bại và không khai thác được gì ở tinh thần “dạ sắt gan vàng” của các chiến sỹ cách mạng yêu nước, thương dân, thương đồng chí, đồng đội của mình. Các chiến sỹ đã giữ vững lòng kiên trung, bất khuất, biến nhà tù thành trường học, thành nơi đấu tranh quyết liệt với kẻ thù để bảo vệ lý tưởng cách mạng, khiến cho kẻ thù phải khiếp sợ.
Cuộc sống tươi đẹp hôm nay chúng ta có được phải đánh đổi bằng xương máu của biết bao người. Theo tài liệu của các tổ chức điều tra tội ác của Mỹ - Ngụy ở các nhà tù lớn nhất miền Nam Việt Nam sau Hiệp định Paris 1973, số lượng các tù binh, tù chính trị ở Nhà tù Phú Quốc là 40.000 người, Nhà tù Côn Đảo 10.000 người, Nhà tù Chí Hòa 8.000 người, Nhà tù Tân Hiệp 6.000 - 10.000 người, Nhà tù Thủ Đức 4.000 - 8.000 người… Riêng tại Nhà tù Phú Quốc, hài cốt được tìm thấy có khi có 16 cái đinh đóng trên một người. Có cả những người tù xấu số đã bị ném xuống Vịnh Thái Lan làm mồi cho cá dữ và đáy đại dương. Sử sách kể lại có một máy bay của bọn cai ngục tù Phú Quốc đã chở những người tù bị đau ốm đi chữa bệnh rồi không bao giờ đưa họ trở về nữa… Ký ức kinh hoàng về những năm tháng đau thương ấy vẫn còn mãi trong máu của các bác, các cô chú là CSCMBĐBTĐ hôm nay. Nhiều cựu tù chính trị ấy kể lại với chúng tôi rằng, họ vẫn còn may mắn hơn rất nhiều những anh em, đồng chí khác khi đến bây giờ nhiều hài cốt của các đồng chí anh em vẫn còn nằm đâu đó dưới tán rừng, dưới những con suối lạnh… mà hôm nay, các thế hệ cháu con vẫn còn mãi đi tìm, mong sớm đưa các anh, các chị trở về với quê hương, gia đình và người thân…
Tự hào về quá khứ, trải qua chiến tranh và ngục tù đầy gian khổ và hy sinh nhưng vô cùng vẻ vang, các CSCMBĐBTĐ càng không thể nào quên mà còn quyết tâm giữ vững thành quả cách mạng đó để xây dựng và đổi mới đất nước. Các cô, các chú là CSCMBĐBTĐ đều thể hiện là tấm gương sáng trong cuộc sống đời thường để con cháu noi theo, tham gia tích cực các hoạt động xã hội của địa phương và nhiều người đã vươn lên trở thành người có vị trí quan trọng trong xã hội, thành đạt và được xã hội tuyên dương. Trong số gần 1.000 CSCMBĐBTĐ đang công tác và sinh sống ở hai thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc và một số huyện thì có 5 Mẹ Việt Nam anh hùng, 1 Anh hùng Lực lượng vũ trang. Hiện nay, toàn tỉnh đã có 7/12 huyện đã thành lập Hội CSCMBĐBTĐ gồm Đà Lạt, Bảo Lâm, Cát Tiên, Đạ Tẻh, Di Linh, Đức Trọng… Trong thời gian tới, các huyện còn lại tiếp tục được kiện toàn để đi đến thành lập. Trong đó, riêng Hội CSCMBĐBTĐ thành phố Đà Lạt đã qua 17 năm đi vào hoạt động, tiền thân là Ban liên lạc tù chính trị cách mạng trước đây, đã thu hút đông đảo hội viên tham gia sinh hoạt nhằm hướng đến là nơi tổ chức sinh hoạt giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ; là nơi giao lưu, gặp gỡ, trao đổi, tâm tình, ôn lại lịch sử, tổ chức đưa anh chị em đi thăm lại những nơi đã từng bị giam giữ ngày xưa như các “Địa Ngục trần gian” Côn Đảo, Khám Chí Hòa, các nhà lao Tân Hiệp, Phú Quốc, Thủ Đức, Hỏa Lò, Thanh Liệt, Phú Lơi… giúp đỡ những hoàn cảnh hội viên khó khăn, tăng cường các hoạt động xã hội từ thiện…, phát động nêu gương sáng trong cộng đồng xã hội.
Với mục tiêu “Vì lý tưởng của Đảng - đoàn kết - sức mạnh và nghĩa tình đồng đội”, Hội CSCMBĐBTĐ tỉnh Lâm Đồng chính thức được thành lập theo Quyết định số 771 ngày 11/4/2012 của UBND tỉnh Lâm Đồng. Hội được coi là tổ chức hội có tính chất lịch sử xã hội truyền thống đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và là thành viên của Mặt trận Tổ quốc tỉnh Lâm Đồng. Đây cũng là nguyện vọng chính đáng của hàng ngàn CSCMBĐBTĐ trong tỉnh, nhằm tạo điều kiện sinh hoạt cho hội viên, hướng đến vận động, giáo dục, thuyết phục, động viên, nhắc nhở hội viên giữ vững niềm tin với Đảng, Nhà nước, đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau trong cuộc sống, trở thành những tấm gương tốt cho quần chúng noi theo.
Nguyệt Thu