Nhà báo cách mạng Hồ Chí Minh

HẢI YẾN 06:54, 21/06/2025

Nền báo chí cách mạng Việt Nam kỷ niệm mốc son 100 năm với nhiều dấu ấn. Trong hành trình ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy vĩ đại đã khai sinh, dìu dắt nền báo chí cách mạng, để lại các quan điểm làm báo và trở thành những bài học lớn cho thế hệ các nhà báo, phóng viên thêm sáng tâm, vững bút, giỏi nghề, góp phần xây dựng nền báo chí ngày nay thêm chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: Sơn Hải
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: Sơn Hải

LÀM BÁO LÀ LÀM CÁCH MẠNG

Kể từ bài báo đầu tiên "Quyền của các dân tộc thuộc địa" đăng trên Báo Nhân đạo ngày 18/6/1919 đến tác phẩm cuối cùng "Thư trả lời tổng thống Mỹ" đăng trên Báo Nhân dân ngày 25/8/1969, trong 50 năm viết báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại hơn 2.000 bài báo. Có thể nói, làm báo đã đồng hành cùng quá trình hoạt động cách mạng sôi nổi, bền bỉ, vẻ vang của Bác. Người luôn coi trọng vai trò của báo chí, sử dụng báo chí như một vũ khí sắc bén trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Sinh thời, Bác nhận mình là người có duyên nợ với báo chí.

Người đã học làm báo ngay trong thực tiễn đấu tranh cách mạng. “Lúc ở Pari, tuy biết nhiều tội ác của thực dân Pháp, nhưng không biết làm thế nào để nêu lên được. Một đồng chí công nhân ở toà báo Đời sống thợ thuyền cho Bác biết báo ấy có mục "tin tức vắn", mỗi tin chỉ năm ba dòng thôi và bảo Bác có tin tức gì thì cứ viết, đồng chí ấy sẽ sửa lại cho. Từ đó, ngoài những giờ lao động, Bác bắt đầu viết những tin rất ngắn”, mối duyên với báo chí đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh kể lại tại Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam (ngày 16/4/1959).

Nguyễn Ái Quốc rất tâm đắc những tư tưởng của Lê nin về báo chí: “Trong thời đại ngày nay, không có tờ báo chính trị thì không thể có phong trào gọi là chính trị”.

Bởi vậy, tính từ năm 1922 đến khi về nước (1/1941), Người đã sáng lập và trực tiếp tổ chức nội dung, trình bày, phát hành 8 tờ báo cách mạng là: Le Paria, Thanh niên, Công nông, Lính kách mệnh, Thân ái (đổi tên từ tờ Đồng thanh), Đỏ, Việt Nam Độc lập, Cứu quốc. Trong đó, với vai trò lịch sử, ngày 21/6/1925, tuần Báo Thanh niên, cơ quan ngôn luận của Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra số đầu tiên ở Quảng Châu (Trung Quốc). Tờ báo góp phần chuẩn bị về tư tưởng chính trị và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là tờ báo bí mật đầu tiên của người cách mạng Việt Nam bằng chữ quốc ngữ. Báo Thanh niên ra đời đã mở ra một dòng báo chí mới ở nước ta: Báo chí cách mạng Việt Nam.

Sáu mươi năm sau, tháng 2/1985, Ban Bí thư Trung ương Ðảng ra Quyết định số 52 ngày 5/2/1985 lấy ngày ra số đầu của Báo Thanh niên làm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925).

NHỮNG BÀI HỌC LÀM BÁO

Với sự quan tâm đặc biệt dành cho hoạt động báo chí, Bác đã chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng và dìu dắt những người làm báo.

Từ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, giữa muôn vàn khó khăn, ngày 4/4/1949, giữa núi rừng ATK Việt Bắc, Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng ra đời, do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, đặt tên và chỉ thị cho Tổng bộ Việt Minh tổ chức thực hiện. Đây là cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên của báo chí cách mạng Việt Nam. Ngày 6/7/1949, Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng làm Lễ bế mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư biểu dương và nhắc tới 4 điểm chính về nhiệm vụ, tôn chỉ, mục đích, đối tượng của mỗi tờ báo, mục tiêu của báo chí. Người nhấn mạnh: Muốn viết báo thì cần: “1 - Gần gũi quần chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực. 2 - Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài, để xem báo nước ngoài và học kinh nghiệm của người. 3 - Khi viết xong một bài báo, tự mình phải xem lại ba, bốn lần, sửa chữa lại cẩn thận. Tốt hơn là đưa nhờ một vài người ít văn hóa xem và hỏi họ những câu nào, chữ nào họ không hiểu thì sửa lại cho dễ hiểu. 4 - Luôn cố gắng học hỏi, luôn cầu tiến bộ…”.

Suốt chiều dài hoạt động và viết báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu những quan điểm về làm báo, làm tuyên truyền rõ ràng, cụ thể và trọng tâm đến những người làm báo, cơ quan báo chí.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Báo chí của ta thì cần phải phục vụ Nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới. Chính vì thế cho nên tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành...) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ...”.

Tại Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam (1962), Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu: “...Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”.

Trong những lời căn dặn của Bác, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cao tính chân thực của báo chí và tính trung thực của nhà báo, Bác xem đây là một tiêu chuẩn đạo đức vô cùng quan trọng trong hoạt động nghề nghiệp. Bác cho rằng: “Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn” và “chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết”. Đồng thời, Người cũng đòi hỏi các nhà báo trong mọi trường hợp khen cũng như chê đều với động cơ trong sáng, khách quan, không thể viết báo vì mục đích vụ lợi, cá nhân, ích kỷ. Người cho rằng “một tờ báo mà không được đại đa số quần chúng ham muốn thì không xứng đáng là một tờ báo”.

Bác nhấn mạnh về việc giữ gìn sự trong sáng và vẻ đẹp của tiếng Việt: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”.

Viết trên nhiều tờ báo với nhiều nội dung, Bác đã dùng cách nói, cách viết giản dị, cụ thể, thiết thực và phê phán thói “ba hoa”, kiểu “thường nói một chiều và đôi khi thổi phồng các thành tích, mà ít hoặc không nói đúng mức đến khó khăn và khuyết điểm của ta”. Người dạy: “Nêu cái hay, cái tốt, thì phải có chừng mực, chớ phóng đại”.

Bác căn dặn người làm báo: “Làm báo phải hết sức cẩn thận về hình thức, về nội dung, về cách viết… Muốn tiến bộ, muốn viết hay thì phải cố gắng học hỏi, ra công rèn luyện. Kinh nghiệm của tôi là thế này: Mỗi khi viết một bài báo thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc?”.

NGƯỜI BẠN LỚN CỦA NHỮNG NHÀ BÁO QUỐC TẾ

Bác đã hoạt động báo chí ở Pháp, Nga Xô viết, Trung Quốc… Vừa viết báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đồng thời là nhân vật mà các nhà báo quốc tế có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc, tìm hiểu, viết bài.

Năm 1923, Osip Emilyevich Mandelstam  - nhà thơ, nhà báo Nga, đã được Nguyễn Ái Quốc dành cho cuộc phỏng vấn  tại Matxcơva, khi Người đến thăm Quốc tế Cộng sản. Bài viết của ông về cuộc tiếp xúc này được đăng trên Tạp chí Ngọn lửa nhỏ (tháng 12/1923). “Cả con người Nguyễn Ái Quốc toát lên một vẻ lịch thiệp và tế nhị thiên phú”, tác giả viết.

Wilfred Graham Burchett, nhà báo Australia nổi tiếng thế giới từ những năm 1940 - 1950, đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp ngay giữa núi rừng Việt Bắc tháng 3/1954, ít lâu trước khi chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử thắng lợi. Sau cuộc gặp gỡ này, Burchett viết: “Cảm giác đầu tiên của tôi là sự thân mật, ấm áp và giản dị. Hồ Chủ tịch có khả năng khiến người ta thấy nhẹ nhõm ngay từ khoảnh khắc đầu tiên và trình bày những vấn đề phức tạp nhất chỉ trong vài từ và cử chỉ rõ ràng…”.

Còn đối với nữ nhà báo Cuba nổi tiếng Marta Rojas, người trực tiếp được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, trong một cuộc phỏng vấn chỉ 2 tháng trước khi Người qua đời, ấn tượng đầu tiên trong lần đầu gặp Bác, đó là một con người vĩ đại song hết sức giản dị và lịch thiệp. Bà kể: Hôm ấy, Người đi một đôi dép quai hậu không tất… Tôi đến với mục đích để phỏng vấn Bác, nhưng rốt cục Bác lại là người chủ động "phỏng vấn" tôi trước. Người nói: "Nào chúng ta hãy cùng nhau trò chuyện". Bà đặc biệt ấn tượng với câu nói của Bác: "… Tôi dành cả cuộc đời mình cho Nhân dân tôi".

Từ phong cách, sự nghiệp cách mạng, cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều nhà báo quốc tế đã tìm hiểu, tập hợp tài liệu và dành nhiều tình cảm thực hiện các bài báo, cuốn sách về Người. “Nhân dân luôn là đích tuyệt đối của quá trình hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh. Người đã cống hiến trọn đời mình cho độc lập, tự do, hạnh phúc của dân tộc Việt Nam và ước muốn mang lại sự công bằng, bác ái, thịnh vượng cho mọi tầng lớp Nhân dân trên thế giới dù đánh giá theo bất cứ tiêu chuẩn nào, Hồ Chí Minh cũng là một trong những nhân vật chói sáng nhất trong thời đại chúng ta”, nhà báo, Chủ tịch Ủy ban đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam (IVSC) bang Tây Bengal Geetesh Sharma đã khẳng định như vậy trong cuộc hội thảo với chủ đề “Hình tượng Hồ Chí Minh của Nhân dân và Ấn Độ”.