(LĐ online) - Có một cuộc đấu tranh kiên cường và khó khăn khác của lực lượng cách mạng miền Nam sau khi Hiệp định Paris được ký kết, đó là quá trình Hiệp thương chính trị của Ban Liên hiệp Quân sự 4 bên. Dù không tiếng súng nhưng Hiệp thương chính trị là cuộc đấu tranh đầy cam go, góp phần vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của quân và dân ta...
![]() |
Phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Sân bay Phan Thiết |
Hiệp định Paris là kết quả của quá trình đấu tranh quyết liệt và phức tạp trên cả ba mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao; được ví là đỉnh cao của nghệ thuật “vừa đánh, vừa đàm”… Tuy nhiên, sau Hiệp định Paris, câu chuyện ngừng bắn chỉ thực hiện trên giấy và có một cuộc đấu tranh kiên cường và khó khăn khác của lực lượng cách mạng miền Nam trước Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đó là quá trình Hiệp thương chính trị của Ban Liên hiệp Quân sự 4 bên tham gia ký kết Hiệp định Paris, gồm: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa).
![]() |
Ông Vũ Kim Cương và Nhà báo Lê Hoa - Tác giả bài viết |
• GẶP NHÂN CHỨNG THAM GIA QUÁ TRÌNH HIỆP THƯƠNG CHÍNH TRỊ 4 BÊN
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Vũ Kim Cương (78 tuổi) - Bí danh Vũ Cương, nguyên Sĩ quan an ninh, Đại tá - Trưởng Phòng Hậu cần Công an tỉnh Lâm Đồng. Ông Vũ Cương là nhân chứng tham gia quá trình Hiệp thương chính trị 4 bên ở khu IV Phan Thiết sau Hiệp định Paris.
Mặc dù các hoạt động Hiệp thương trên toàn miền Nam đều không thành công, nhưng các thông tin từ ông Cương cung cấp và tư liệu mà chúng tôi thu thập, đối chiếu và sắp xếp… sẽ giúp quý độc giả có thêm một góc nhìn khác về những cuộc đấu tranh cam go dù không một tiếng súng, góp phần vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của quân và dân ta...
Ông Cương tham gia lực lượng Hiệp thương sau Hiệp định Paris với vai trò Đội trưởng Đội bảo vệ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ở Khu vực IV Phan Thiết. Đội bảo vệ trong các cuộc Hiệp thương không đơn thuần là lực lượng vũ trang bảo vệ mà còn là một bộ phận quan trọng của quá trình đàm phán, thực hiện các nhiệm vụ chính là đảm bảo an toàn tuyệt đối cho phái đoàn.
![]() |
Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (phải) gặp Phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Sân bay Phan Thiết |
Đội bảo vệ chịu trách nhiệm thiết lập các lớp bảo vệ nghiêm ngặt (vòng ngoài và vòng trong) xung quanh khu vực diễn ra hiệp thương và trực tiếp bảo vệ các thành viên trong phái đoàn của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, nhằm găn chặn các hành động xâm nhập, tấn công; cũng như kiểm soát an ninh khu vực. Đội bảo vệ có trách nhiệm duy trì trật tự và kỷ luật, thực hiện kiểm soát người ra vào; phối hợp với các bộ phận liên quan để thiết lập và thực thi các quy tắc an ninh trong suốt quá trình hiệp thương và giải quyết các tình huống gây rối (nếu có).
Bên cạnh đó, Đội bảo vệ cũng tham gia vào việc đảm bảo hệ thống thông tin liên lạc giữa phái đoàn và các đơn vị cấp trên được thông suốt và an toàn; hỗ trợ phái đoàn trong việc di chuyển, bảo vệ nơi ăn ở và các hoạt động hậu cần khác liên quan đến quá trình hiệp thương. Sự hiện diện của đội bảo vệ cũng thể hiện vị thế của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, góp phần vào sự nghiêm túc của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong quá trình đàm phán…
![]() |
Ông Vũ Kim Cương đọc lại bản thảo bài viết của phóng viên tại nhà riêng |
Cuộc trò chuyện giữa hai thế hệ như lật giở từng trang sách lịch sử. Xen lẫn các chi tiết về cuộc chiến và lằn ranh sinh tử, hay những kỷ vật thời chiến tranh; là câu chuyện của những người lính trẻ đang độ đôi mươi cách đây hơn 50 năm, về lý tưởng, về tình yêu, về gia đình, về cả những cơn sốt rét ác tính bởi đàn muỗi rừng bu đen trên cánh tay, hay đôi chân đỏ nhoe máu vì vắt cắn…; là hình ảnh, chân dung các sĩ quan quân đội giản dị và chân tình...
Hiệp định Paris quy định về việc chấm dứt sự can thiệp trực tiếp của Hoa Kỳ vào Việt Nam, mở ra một giai đoạn mới cho cả 3 bên, là lực lượng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa. Trong đó, đại diện 2 bên miền Nam Việt Nam là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa tiến hành các cuộc đàm phán để giải quyết các vấn đề chính trị nội bộ, bao gồm: Thực hiện hòa giải và hòa hợp dân tộc; xóa bỏ thù hằn, cấm mọi hành động trả thù và phân biệt đối xử; thực hiện các quyền tự do dân chủ của Nhân dân; thành lập Hội đồng Hòa giải và Hòa hợp dân tộc; tổ chức tổng tuyển cử tự do và dân chủ để quyết định tương lai chính trị của miền Nam Việt Nam…
![]() |
Ông Vũ Kim Cương (thứ 2 trong hàng) tại Sân bay Phan Thiết trong hàng ngũ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tham gia Ban Liên hiệp Quân sự 4 bên |
• KIÊN ĐỊNH MỤC TIÊU THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC VÀ XÂY DỰNG HÒA BÌNH
Nhưng, thực tế trên chiến trường, ngừng bắn chỉ là danh nghĩa, những xung đột và căng thẳng vẫn tiếp diễn ở nhiều khu vực, khiến tình hình vô cùng khó khăn và căng thẳng… Các cuộc giao tranh giữa lực lượng Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam) và Việt Nam Cộng hòa vẫn tiếp diễn ở nhiều nơi, đặc biệt là ở vùng nông thôn và các khu vực tranh chấp.
Cả 2 bên đều cố gắng giành vùng kiểm soát và củng cố vị thế. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa không hề có thiện chí thực hiện các điều khoản về hiệp thương chính trị để giải quyết vấn đề nội bộ miền Nam; mà tìm cách cản trở, trì hoãn, phá hoại các cuộc đàm phán, không chấp nhận thực tế tồn tại 2 chính quyền, 2 quân đội, 2 vùng kiểm soát; thực hiện các hoạt động tuyên truyền chống phá Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
![]() |
Chứng minh thư của ông Vũ Kim Cương trong Ban Liên Hiệp quân sự 4 bên và những kỷ vật là kẹp tài liệu, túi xách đựng tài liệu và chai đựng dầu nhớt |
Trên khắp miền Nam, hoạt động của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam luôn kiên định mục tiêu thống nhất đất nước, giải quyết các cuộc xung đột và xây dựng hòa bình. Tại miền Nam Việt Nam, sau Hiệp định Paris năm 1973, Ban Liên hiệp Quân sự 4 bên được thành lập.
Trong đó, Ban Liên hiệp Quân sự 4 bên ở cấp Trung ương tập trung tại Trại Davis (ở phía Tây Nam sát Sân bay Tân Sơn Nhất, nguyên là một doanh trại không quân của quân đội Hoa Kỳ) và 7 khu vực cấp địa phương trên toàn miền Nam Việt Nam.
Ban Liên hiệp Quân sự 4 bên với nhiệm vụ chính là phối hợp giữa 4 bên tham gia ký kết Hiệp định Paris để thực hiện các điều khoản quân sự của Hiệp định, bao gồm: Giám sát ngừng bắn (đảm bảo lệnh ngừng bắn được tuân thủ nghiêm ngặt trên toàn miền Nam Việt Nam), rút quân (giám sát việc rút quân của Hoa Kỳ và các nước đồng minh khác khỏi miền Nam Việt Nam), trao trả tù binh (tổ chức và giám sát việc trao trả tù binh quân sự và dân sự giữa các bên), tìm kiếm người mất tích (hỗ trợ việc tìm kiếm những người mất tích trong chiến tranh).
![]() |
Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Hiệp thương 4 bên ở khu vực IV Phan Thiết |
Tuy nhiên, chỉ có Khu vực IV (khu vực các tỉnh Tuyên Đức - Đà Lạt, Lâm Đồng - Bảo Lộc và Ninh Thuận - Phan Rang) là Ban Liên hiệp Quân sự khu vực địa phương triển khai được các cuộc gặp gỡ tại Phan Thiết. Hoạt động của Ban Liên hiệp 4 bên nói chung và tại khu vực IV Phan Thiết nói riêng diễn ra trong một bối cảnh phức tạp và đầy khó khăn. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa thường xuyên tìm cách gây trở ngại cho hoạt động của các Ban Liên hiệp. Tuy nhiên, các phái đoàn của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã kiên trì đấu tranh đòi thực hiện các điều khoản của Hiệp định Paris…
Cùng với các hoạt động Hiệp thương tại miền Nam Việt Nam là các cuộc đàm phán chính thức giữa hai bên miền Nam Việt Nam diễn ra tại Hội nghị La Celle-Saint-Cloud (gần Paris) từ tháng 3/1973 đến tháng 4/1974. Tuy nhiên, sau nhiều phiên họp, các bên vẫn không đạt được thỏa thuận thực chất nào về các vấn đề chính trị then chốt… Ban Liên hiệp Quân sự 4 bên Trung ương chấm dứt hoạt động vào ngày 28/3/1973.
![]() |
Ông Nguyễn Trọng Xuyên – Thượng tá, Tư lệnh Quân Khu VI là Trưởng Phái đoàn (đi đầu) và ông Võ Thọ Son là Phó đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong Ban Liên hiệp Quân sự 4 bên |
Phái đoàn do ông Cương bảo vệ cũng rút về căn cứ Trung ương (Trại David)… Sau đó, Ban Liên hiệp Quân sự 2 bên (giữa Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa) tiếp tục hoạt động cho đến ngày 30/4/1975... Ở cấp khu vực như khu vực IV Phan Thiết, các hoạt động cũng diễn ra tương tự trong giai đoạn này…
Mặc dù thời gian hoạt động không dài, Ban Liên hiệp Quân sự 4 bên, 2 bên, bao gồm cả các Ban ở khu vực, đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thực thi những điều khoản ban đầu của Hiệp định Paris. Do bế tắc trong đàm phán và tình hình chiến trường ngày càng căng thẳng, các nỗ lực hiệp thương cuối cùng đã không thành công, dẫn đến việc cuộc chiến tiếp diễn và kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng của lực lượng cách mạng trong mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin