Nữ kỹ sư say mê nghiên cứu cây trồng

08:01, 11/01/2018

Hơn 6 năm làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông lâm nghiệp (NCTNNLN) Lâm Đồng, chị Trần Thị Hệ (31 tuổi) đã tham gia nhiều đề tài nghiên cứu có hiệu quả cũng như đề xuất nhiều sáng kiến mang lại lợi ích cho đơn vị.

Hơn 6 năm làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông lâm nghiệp (NCTNNLN) Lâm Đồng, chị Trần Thị Hệ (31 tuổi) đã tham gia nhiều đề tài nghiên cứu có hiệu quả cũng như đề xuất nhiều sáng kiến mang lại lợi ích cho đơn vị.
 
Chị Trần Thị Hệ nghiên cứu tại Phòng nuôi cấy Trung tâm NCTNNLN Lâm Đồng. Ảnh: Đ.A
Chị Trần Thị Hệ nghiên cứu tại Phòng nuôi cấy Trung tâm NCTNNLN Lâm Đồng. Ảnh: Đ.A
Học ngành Công nghệ sinh học (ĐH Đà Lạt) nên khi ra trường và về Trung tâm NCTNNLN Lâm Đồng làm việc được xem là đúng sở trường đối với chị Hệ. Môi trường làm việc phù hợp cộng với sự giúp đỡ, tạo điều kiện của lãnh đạo Trung tâm nên chị đã có cơ hội tham gia thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu, trong đó, các đề tài chủ yếu liên quan đến các loại cây trồng. Khi mới về Trung tâm NCTNNLN Lâm Đồng vào năm 2011, chị Hệ làm việc tại bộ phận nghiên cứu cây trồng. Lúc này, Hệ cùng nhiều anh chị em khác làm việc tại phòng sản xuất giống cây hồng môn đã nghiên cứu, lai tạo được nhiều giống hồng môn để cho người dân tại Bảo Lộc, Di Linh, Đà Lạt sản xuất. Sau đó, Hệ tiếp tục tham gia Đề tài thử nghiệm phân bón cho cây cà phê chè của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên và là người thực hiện chính đề tài tại khu vực Lâm Đồng. Đề tài được triển khai từ năm 2011 đến năm 2015 thì kết thúc và chuyển giao cho người dân với mục tiêu chính là không để dư lượng phân bón trong đất nhiều. Trong suốt quá trình làm đề tài, mỗi tháng Hệ đều có mặt tại Trạm Sản xuất và thực nghiệm Đơn Dương (trực thuộc Trung tâm NCTNNLN Lâm Đồng) để theo dõi vườn thực nghiệm tại đây. “Dù chỉ làm đề tài về phân bón nhưng gần như mình phải chịu trách nhiệm cho cả vườn về tình hình dịch bệnh và các vấn đề phát sinh khác nên có khi phải ở lại cả tháng trời. Khi đề tài kết thúc, Trung tâm đã tổ chức tập huấn, chuyển giao cho 50 hộ dân tại xã Nam Ban, huyện Lâm Hà. Theo ghi nhận từ người dân được chuyển giao, khi triển khai đề tài này dù mất nhiều công bón phân hơn nhưng lượng phân bón giảm được từ 20 - 40% và dù năng suất không tăng nhưng cây cà phê phát triển bền vững” - chị Hệ chia sẻ.
 
Từ tháng 8/2015, chị Hệ chuyển về làm việc tại Phòng Khoa học và Chuyển giao công nghệ tại Trung tâm. Tại đây, chị chủ yếu làm công tác quản lý các đề tài nghiên cứu, tư vấn cho các bộ phận khác trong công tác nghiên cứu. Thế nhưng, theo gợi ý của lãnh đạo Trung tâm, sắp đến, chị sẽ tiếp tục nghiên cứu một số đề tài liên quan đến các loại sâm Hàn Quốc, sâm Ngọc Linh. Chia sẻ về công tác nghiên cứu tại Trung tâm, chị Hệ cho biết: Có những đề tài có độ chênh rất lớn giữa nghiên cứu với khi áp dụng vào thực tế. Do đó, ngoài việc bám sát đề tài thì khi thực nghiệm vào thực tế mình cũng phải xuống tận nơi để hướng dẫn cho người dân theo phương án mưa dầm thấm lâu để đảm bảo đề tài phát huy được hiệu quả”.    
  
Ngoài công tác nghiên cứu khoa học, chị Hệ còn được anh chị em trong Trung tâm tín nhiệm bầu giữ vai trò Trưởng ban Nữ công của Công đoàn. Hiện, Công đoàn cơ sở Trung tâm NCTNNLN Lâm Đồng có 34 đoàn viên chia làm 3 tổ công đoàn; trong đó, có 19 đoàn viên là nữ. Do đã tham gia công tác nữ công từ nhiệm kỳ trước nên đến nhiệm kỳ này, chị Hệ đã khá quen công việc và luôn là thủ lĩnh khởi xướng các hoạt động công đoàn, nhất là các hoạt động liên quan đến chị em phụ nữ. Ngoài các hoạt động thường kỳ như thi cắm hoa, nấu ăn, biểu diễn thời trang vào các dịp lễ thì Công đoàn Trung tâm còn triển khai nhiều hoạt động thiết thực có ý nghĩa, như hàng tháng phối hợp với Phòng Khoa học và Chuyển giao công nghệ tổ chức các buổi sinh hoạt học thuật cho những cán bộ trẻ. Tại các buổi sinh hoạt này, những cán bộ trẻ sẽ trình bày các đề tài có tính mới, tính ứng dụng cao trong nước và trên thế giới, sau đó sẽ được những cán bộ kỳ cựu, có kinh nghiệm góp ý. Qua các buổi sinh hoạt học thuật này, những cán bộ trẻ cũng tìm kiếm và đề xuất những đề tài mới để Hội đồng khoa học của Trung tâm góp ý và xét duyệt nếu đề tài đạt yêu cầu. Ngoài ra, Công đoàn Trung tâm còn tạo điều kiện về thời gian, phòng ốc và mời giáo viên về dạy tiếng Anh cho cán bộ trong Trung tâm. Đây cũng là cách để giúp cán bộ nâng cao trình độ, tiếp cận được những tài liệu khoa học bằng tiếng Anh. Chị Hệ cho biết: “Công việc chính của Trung tâm là nghiên cứu khoa học nên lãnh đạo luôn tạo điều kiện để anh chị em có môi trường làm việc thoải mái, tạo điều kiện để có nhiều đề tài nghiên cứu. Bình quân mỗi năm, Trung tâm có hơn 10 đề tài, dự án nghiên cứu các cấp. Riêng năm 2017, cán bộ trong Trung tâm đã thực hiện 10 đề tài, dự án. Một số đề tài nổi bật như: Mở rộng mô hình nuôi tằm con tập trung tại Bảo Lộc; Nghiên cứu các phương pháp canh tác, bón phân cho cây chè theo tiêu chuẩn VietGAP tại Lâm Đồng và Gia Lai...”.  
 
Môi trường làm việc tốt đã tạo động lực cho cán bộ Trung tâm NCTNNLN Lâm Đồng tiếp tục cống hiến để ngày càng có nhiều đề tài được chuyển giao hiệu quả vào thực tế.
 
ĐÔNG ANH