Cháy hết mình cho đam mê

09:12, 14/12/2017

Dù nhiều người can ngăn không nên tham gia thi hát khi đã ở tuổi 30, nhưng với Đam San thì "cháy hết mình cho đam mê chưa bao giờ là muộn".

Dù nhiều người can ngăn không nên tham gia thi hát khi đã ở tuổi 30, nhưng với Đam San thì “cháy hết mình cho đam mê chưa bao giờ là muộn”.
 
Đam San biểu diễn tại Cuộc thi Solo cùng Bolero (ảnh do nhân vật cung cấp)
Đam San biểu diễn tại Cuộc thi Solo cùng Bolero (ảnh do nhân vật cung cấp)
Đam San “Bolero”
 
Vượt qua nhiều lời can ngăn, Trần Thị Đam San (30 tuổi) đến từ Lâm Đồng đã có mặt trong 25.000 thí sinh cả nước tham gia chương trình Solo cùng Bolero 2017. Bằng tài năng của mình, Đam San lần lượt đã vượt qua nhiều vòng thi và lọt vào top 16 thí sinh có mặt ở vòng chung kết diễn ra vào ngày 11/12. Truyền thông đã đặt cho cô gái gốc Quảng Bình này nhiều mỹ từ như: Gương mặt trẻ hứa hẹn, Đam San Bolero, Hoa hậu Bolero... nhưng ít ai biết đến cái “duyên” của Đam San khi đến với âm nhạc.
 
“Hồi nhỏ, ăn còn chẳng đủ no nên ba mẹ chỉ yêu cầu con cái chăm học, hết giờ học thì tranh thủ làm việc nhà chứ đâu có nghĩ gì đến chuyện hát hò hay phát triển năng khiếu bao giờ. Cho đến tận lúc bước chân vào đại học cả gia đình cũng không ai nghĩ rằng mình biết hát” - Đam San chia sẻ. 
 
Chẳng biết có phải vì cái tên Đam San hay không mà giữa bao vùng đất, người con gái năm ấy lại chọn Tây Nguyên để đi tới. Ngày ấy, Đam San vào Đà Lạt xin làm lễ tân khách sạn. Nhưng sự thiếu thốn về bằng cấp gây rất nhiều khó khăn cho Đam San. Bởi vậy, Đam San quyết tâm thi vào ngành Công nghệ Thông tin Đại học Đà Lạt. Tiếng hát Đam San cũng được phát hiện trong một lần tình cờ cất lên bài hát “Cây đàn sinh viên” trong màn chào hỏi giữa giảng viên và sinh viên ngày đầu đến lớp. Cũng từ đó Đam San luôn có mặt trong tất cả các hoạt động văn nghệ nào của lớp, của khoa, trường.
 
Duyên nghiệp ca hát
 
4 năm sinh viên cũng là thời điểm mà Đam San gắn bó với nhiều công việc làm thêm để nuôi giấc mơ giảng đường mà phần lớn phục vụ đám cưới. “Mỗi lần đi bưng bê đám cưới, nhìn các anh chị hát đám cưới mình thích lắm. Sau nhiều lần làm quen, mình xin hát thử trước giờ lễ, dần dà cũng quen và bắt đầu hát cho các đám cưới. Sau này, mình còn hát thêm ở các phòng trà. Năm 2011, mình tham gia cuộc thi giọng hát hay TP Đà Lạt và đạt giải ba với ca khúc “Hà Nội ngày trở về”. Cũng nhờ vậy mình có mặt trong các chương trình do Trung tâm văn hóa tổ chức” - Đam San nhớ lại những ngày mới bước vào nghề ca hát. 
 
Sau khi tốt nghiệp đại học năm 2009, có được công việc ổn định, Đam San đã không còn đi hát đám cưới và cũng thưa dần việc đi hát ở các phòng trà. Sau này bận lo việc gia đình thì Đam San ngưng hẳn việc đi hát. Song tình yêu dành cho bolero trong chị không nguôi ngoai bởi mỗi câu ca, tiếng hát như giúp chị chia sẻ được nỗi lòng của mình. Vì vậy, chị tiếp tục hát bolero và mạnh dạn đến với cuộc thi hát lần này. Đam San chia sẻ: “Được trở lại, được đứng trên sân khấu để hát là duyên nghiệp ca hát”. Trước đây, Đam San thích dòng nhạc trữ tình và cũng có thể hát nhạc dân ca như thế mạnh của nhiều người miền Trung khác. Nhưng hiện tại, Đam San lại hướng hết tình yêu cho dòng nhạc Bolero. Bởi với Đam San, đó là dòng nhạc cần sự trải nghiệm. Mình luôn cảm thấy có chút gì đó của cuộc đời mình trong những bài hát của dòng nhạc này, nên mỗi lần cất tiếng hát mình như đang kể chuyện chính mình. 
 
Người thân của Đam San không muốn Đam San đến với nghiệp ca hát chuyên nghiệp bởi lẽ công việc đang ổn định không nên thay đổi, nghiệp ca hát lắm gian truân, đi thi không đoạt giải thì buồn, còn đoạt giải thì có ngã rẽ mới ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại... đã khiến Đam San trăn trở, nghĩ suy. Thế nhưng, niềm đam mê đã chiến thắng và đã thôi thúc Đam San đến với cuộc thi, tỏa sáng với âm nhạc. Nếu như người ta biết tới Đam San trong Sử thi Tây Nguyên với khao khát ước mơ vĩ đại là bắt Nữ thần Mặt Trời, thì cô gái Đam San ở Lâm Đồng lại được nhắc nhớ với đam mê cháy bỏng với âm nhạc, với ánh đèn sân khấu.
 
NGỌC NGÀ