Thủ khoa Đại học Đà Lạt và ước mơ nghiên cứu hạt nhân

09:09, 09/09/2015

Với 26,25 điểm ở 3 môn thi (Toán 8, Lý 8,5, Hóa 9,75), thí sinh Đỗ Lê Bảo Ngọc trở thành tân sinh viên Trường Đại học Đà Lạt (ĐHĐL) với ước mơ được làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu hạt nhân và là thủ khoa của trường trong đợt xét tuyển đại học vừa qua. 

Với 26,25 điểm ở 3 môn thi (Toán 8, Lý 8,5, Hóa 9,75), thí sinh Đỗ Lê Bảo Ngọc trở thành tân sinh viên Trường Đại học Đà Lạt (ĐHĐL) với ước mơ được làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu hạt nhân và là thủ khoa của trường trong đợt xét tuyển đại học vừa qua. 
 
Lần đầu tiên đến thành phố hoa, thủ khoa Đỗ Lê Bảo Ngọc xem kỹ sơ đồ chỉ dẫn của Trường Đại học Đà Lạt
Lần đầu tiên đến thành phố hoa, thủ khoa Đỗ Lê Bảo Ngọc xem kỹ sơ đồ chỉ dẫn của
Trường Đại học Đà Lạt
 
Đại học Đà Lạt là 1 trong 5 đơn vị được Chính phủ giao nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực năng lượng hạt nhân. Trong nhiều năm qua, trường đã đào tạo được hàng trăm cán bộ có chuyên môn sâu về lĩnh vực hạt nhân cho các cơ sở như Viện Nghiên cứu hạt nhân, Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp, Trung tâm Hạt nhân thành phố Hồ Chí Minh, các bệnh viện có khoa y dược hạt nhân… Trường có thuận lợi là được sử dụng cơ sở thực hành tại Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt. Từ năm học 2012 - 2013, trường bắt đầu đào tạo chuyên ngành Kỹ thuật hạt nhân với số lượng khoảng 40 sinh viên/năm. Đến thời điểm hiện tại, chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật hạt nhân của trường được xem là chương trình đào tạo hoàn chỉnh nhất của Việt Nam về kỹ thuật hạt nhân, được cơ sở nước ngoài thẩm định và được Bộ GDĐT phê duyệt. 

Một mình từ Hà Tĩnh, cậu học trò Đỗ Lê Bảo Ngọc lần đầu tiên đặt chân đến thành phố hoa sau khi có giấy gọi nhập học của Trường ĐHĐL. Và chính trong ngày nhập học này, Ngọc mới biết mình là thủ khoa của trường. Niềm vui đến bất ngờ và như được nhân đôi khi Ngọc trúng tuyển vào đúng ngành học mà mình yêu thích - Kỹ thuật hạt nhân, lại vừa là thí sinh có điểm số cao nhất trường. Say mê hai môn Lý, Hóa từ năm học cấp 2, cậu học trò Đỗ Lê Bảo Ngọc luôn thấy hào hứng trong những tiết thực hành thí nghiệm các môn này. Bởi theo Ngọc, những gì từ hiện tượng cuộc sống hàng ngày đều được giải đáp qua các thí nghiệm đó. 

Lên cấp 3, vẫn với niềm đam mê này, Ngọc bắt đầu tìm hiểu chuyên ngành đào tạo về nghiên cứu hạt nhân ở các trường đại học. Vốn yêu thích Đà Lạt bởi khí hậu mát mẻ, Ngọc quyết định nộp hồ sơ xét tuyển vào Trường ĐHĐL ở ngay nguyện vọng 1 và đây cũng là trường duy nhất em chọn. Với tổng điểm 3 môn xét tuyển ngành Kỹ thuật hạt nhân 26,25 điểm, Ngọc hơi lo lắng khi điểm chuẩn dự kiến ban đầu của trường là 20, nhưng sau tăng lên 24, “em nghĩ mình sẽ đậu thôi chứ không ngờ lại là thủ khoa ngành có điểm xét tuyển cao nhất của trường, vậy là em đã bắt đầu thực hiện được ước mơ nghiên cứu hạt nhân của mình”, Ngọc cười chia sẻ. 
 
Sinh ra ở Đắk Nông, học hết lớp 9 vì điều kiện gia đình nên Ngọc chuyển về Hà Tĩnh ở cùng ông bà và học cấp 3 tại đây. Không học ở trường chuyên, năm nào em cũng là học sinh khá, giỏi và là một trong những học sinh xuất sắc của ngôi trường huyện THPT Kỳ Anh. Ngọc cho biết: “Em không đi học thêm, chỉ chăm chú nghe thầy cô giảng ở lớp, về nhà tự nghiên cứu, tìm hiểu qua sách, báo, ti vi, mạng Internet. Em rất đam mê các môn Lý, Hóa nên luôn cảm thấy dễ tiếp thu các môn học này”. Cha mẹ đều là giáo viên, nhưng Ngọc lại thích học ngành nghiên cứu hạt nhân vì theo em, ngành này có khả năng ứng dụng thực tế rộng rãi, lại thỏa niềm say mê Lý, Hóa. Điều kiện gia đình không khó khăn, nhưng Ngọc dự định sẽ đi làm thêm sau khi ổn định việc học để trau dồi kỹ năng sống, vừa để tự lập một mình ở môi trường mới. Cuộc sống từ đây bắt đầu xa cha mẹ, ông bà, nhưng trong Ngọc là niềm tin về tương lai, trở thành kỹ sư ngành kỹ thuật hạt nhân.
 
TUẤN HƯƠNG