Sống để yêu thương

10:09, 03/09/2015

Đúng như tên gọi, những bạn trẻ trong Nhóm tình nguyện Sống để yêu thương (huyện Đạ Tẻh) luôn dành những tình cảm, sự yêu thương của mình hướng đến những mảnh đời bất hạnh, kém may mắn. Những hoàn cảnh khó khăn mà nhóm hướng đến là những học sinh nghèo, những trẻ mồ côi hiếu học với mong muốn con đường đến trường của các em không phải bỏ dở giữa chừng.

Đúng như tên gọi, những bạn trẻ trong Nhóm tình nguyện Sống để yêu thương (huyện Đạ Tẻh) luôn dành những tình cảm, sự yêu thương của mình hướng đến những mảnh đời bất hạnh, kém may mắn. Những hoàn cảnh khó khăn mà nhóm hướng đến là những học sinh nghèo, những trẻ mồ côi hiếu học với mong muốn con đường đến trường của các em không phải bỏ dở giữa chừng.
 
Thành viên trong Nhóm Sống để yêu thương giúp đỡ một gia đình tại thôn Lộc Hòa (xã Đạ Lây)
Thành viên trong Nhóm Sống để yêu thương giúp đỡ một gia đình tại thôn Lộc Hòa (xã Đạ Lây)
Thường xuyên trên trang facebook của Nhóm hoặc facebook cá nhân của những thành viên trong Nhóm đều có dòng chia sẻ về những mảnh đời bất hạnh, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Đó là những em học sinh chuẩn bị vào lớp một nhưng do nhà nghèo, bố mẹ đau ốm nên không có quần áo, sách vở để đến trường. Đó là em học sinh đang còn trong độ tuổi “lo chưa tới” nhưng đã biết phụ giúp mẹ lo việc đồng áng vì bố mất sớm. Hoặc gần đây nhất, ngày 28/8, trên facebook của Nhóm Sống để yêu thương đã chia sẻ trường hợp của em Thảo Vân (10 tuổi, ngụ tại thôn Trung Hiệp, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng) bị bệnh Lupus ban đỏ phải nằm điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng I. Hoàn cảnh gia đình em Thảo Vân hiện gặp rất nhiều khó khăn và bệnh tình của em ngày càng trở nặng khi bệnh đã gây biến chứng vào thận, phổi và gây thiếu máu. Dẫu vậy, “em muốn về nhà, em muốn đi học!” - ước mơ được em Thảo Vân thốt lên đầy khó nhọc khi đang nằm điều trị tại bệnh viện khiến ai cũng thấy nhói lòng. Trước ước mơ của con gái, anh Nguyễn Thành Chung (bố của em Thảo Vân) nói trong nước mắt: “Tôi chưa một lần nghĩ đến chuyện bỏ cuộc. Dù có khó khăn hơn nữa thì còn nước vẫn còn tát chú ạ!”. Những hoàn cảnh đó chỉ là số ít trong rất nhiều trường hợp mà Nhóm Sống để yêu thương đã tìm đến để động viên, giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần. Sự giúp đỡ có thể chỉ là một bộ sách cũ, một bộ quần áo, một bàn học mới hay số tiền nhỏ mà anh em trong Nhóm và cộng đồng mạng đóng góp, nhưng chứa đựng trong đó là sự sẻ chia và lòng yêu thương. 
 
Nhóm tình nguyện Sống để yêu thương được thành lập cách đây hơn 2 năm. Ban đầu, Nhóm chỉ có vài anh em chơi chung với nhau và có cùng ý muốn giúp những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Lâu dần, Nhóm thu hút ngày càng đông tình nguyện viên và được Hội Chữ thập đỏ huyện Đạ Tẻh ra quyết định thành lập vào tháng 6/2013. Anh Nguyễn Trí Tuệ (29 tuổi), Trưởng Nhóm Sống để yêu thương, chia sẻ: “Ngày còn đi học, cũng vì gia đình khó khăn mà mình không được học đến nơi đến chốn. Đó là điều mình trăn trở khi mỗi lần thấy các em nhỏ nhà nghèo, không có điều kiện đến trường. Khi đem điều này chia sẻ với mấy người bạn thân thiết, thì anh em đã ủng hộ và cùng bắt tay vào công việc cho đến nay”. Hiện tại, Nhóm tình nguyện Sống để yêu thương có hơn 20 thành viên hoạt động thường xuyên. Mỗi người một công việc nhưng họ đều có điểm chung là từng trải qua những khó khăn trong cuộc sống nên dễ dàng đồng cảm, chia sẻ những nhọc nhằn cùng các em. Khi đón nhận một hoàn cảnh khó khăn, Nhóm thường tìm hiểu để nắm rõ mọi thông tin liên quan, sau đó, truyền miệng và chia sẻ trên mạng xã hội để tìm kiếm sự giúp đỡ. Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà các em được hỗ trợ khác nhau, như: Tặng góc học tập (gồm bàn ghế, cặp, sách vở), hay hỗ trợ tiền học phí, tiền ăn bán trú… Ngoài ra, Nhóm cũng thường xuyên tổ chức các sân chơi và tặng quà cho trẻ em vùng sâu, xa hay hưởng ứng các hoạt động Tết vì người nghèo hoặc ủng hộ cho nạn nhân chất độc da cam. Qua 2 năm chính thức hoạt động, Nhóm đã quyên góp, ủng hộ cho hàng chục hoàn cảnh khó khăn với số tiền khoảng 150 triệu đồng. 
 
Mỗi phần quà mà Nhóm hỗ trợ chứa đựng rất nhiều tình cảm của những tấm lòng nhân ái. Vì vậy, mỗi thành viên trong Nhóm đều ý thức trao tặng làm sao cho có hiệu quả, đúng người và đúng hoàn cảnh với tâm niệm “đến với những hoàn cảnh khó khăn là đến cùng yêu thương, đến với họ như đến với những người thân trong gia đình”. Có lẽ vì điều này mà hoạt động của Nhóm ngày càng được nhiều người biết đến và ủng hộ.
 
Mỗi ngày qua đi, những dòng tin nhắn về những trường hợp cần được giúp đỡ vẫn tiếp tục đưa về với Nhóm Sống để yêu thương. Sự tin tưởng, sự kỳ vọng vào sự giúp đỡ của Nhóm đối với những hoàn cảnh bất hạnh như tiếp thêm sức mạnh và động lực để Nhóm tiếp tục bước tới. Tuy nhiên, kỳ vọng giúp đỡ thì nhiều nhưng đôi khi Nhóm cũng cảm thấy bất lực khi sự giúp đỡ của mình chưa đủ sức, chưa thể làm đến nơi đến chốn, chưa làm vơi đi những khó khăn, éo le trong cuộc sống. Dẫu vậy, với những tấm lòng luôn sẵn sàng sẻ chia, tin chắc rằng những việc làm của Nhóm sẽ tạo nên được sức mạnh. Đó là sức mạnh của sự cộng hưởng sẻ chia để ngày càng có nhiều hoàn cảnh bất hạnh được dang tay giúp đỡ, để những giấc mơ được đến trường, giấc mơ thoát khỏi bế tắc trong cuộc sống sẽ được tiếp thêm nghị lực vươn lên.
 
HỮU SANG