Nhà nông trẻ làm giàu trên đất nghèo

10:08, 27/08/2015

Nhiều thanh niên nông thôn hiện nay, sau khi học xong phổ thông thường ly nông, ly hương tìm đến các thành phố lớn để lập thân lập nghiệp. Còn Phạm Văn Hoạt sau khi học xong trung cấp thú y lại chẳng ngần ngại quay về quê nghèo Đam Rông để gắn bó với ruộng vườn phát triển kinh tế gia đình. 

Nhiều thanh niên nông thôn hiện nay, sau khi học xong phổ thông thường ly nông, ly hương tìm đến các thành phố lớn để lập thân lập nghiệp. Còn Phạm Văn Hoạt sau khi học xong trung cấp thú y lại chẳng ngần ngại quay về quê nghèo Đam Rông để gắn bó với ruộng vườn phát triển kinh tế gia đình. Từ hai bàn tay trắng, đến nay anh đã có một mô hình kinh tế V.A.C (vườn ao chuồng) khép kín, cho thu nhập gần 1 tỷ đồng mỗi năm.
 
Nhà nông trẻ Phạm Văn Hoạt đang chăm sóc cây cà phê trong mô hình kinh tế V.A.C của mình
Nhà nông trẻ Phạm Văn Hoạt đang chăm sóc cây cà phê trong mô hình kinh tế V.A.C của mình

Sau khi trở về quê hương, Phạm Văn Hoạt đã xin gia đình một khu đất đồi bạc màu, cằn cỗi ở thôn Đắk Măng, xã Đạ R’sal, huyện Đam Rông để làm nông nghiệp. Trên diện tích 2,3ha đất đồi dốc cằn cỗi, sỏi đá ấy, anh đã tập trung vào trồng và chăm sóc cây cà phê. Vì là đồi cao, đất dốc nên anh gặp rất nhiều khó khăn trong việc chăm sóc cà phê, tốn công sức và tương đối vất vả nhưng hiệu quả lại thấp, lợi nhuận hàng năm chỉ đủ tái đầu tư chăm sóc cây cà phê cho năm tiếp theo. Do đó, anh đã tìm hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao thu nhập cho gia đình. Sau một thời gian tìm tòi, học hỏi cộng với vốn kiến thức đã học được ở trường, năm 2012 nhà nông khoác áo đoàn, Phạm Văn Hoạt đã quyết định bắt tay vào xây dựng mô hình trang trại V.A.C khép kín. Thế nhưng “vạn sự khởi đầu nan”, để thực hiện được mô hình này cần phải có vốn, diện tích mặt bằng, kiến thức kinh nghiệm. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, dám nghĩ, dám làm, anh đã vay mượn, tích góp  tiền bạc, mua mặt bằng, thường xuyên tìm hiểu kiến thức qua tài liệu, sách, báo cũng như tham gia các lớp tập huấn để thực hiện ý tưởng của mình. 
 
Hiện nay, trại của anh có hơn 6ha cà phê cùng 400 gốc cây ăn trái trồng xen và 2.000m2 ao nuôi cá. Còn diện tích chuồng trại là trên 200m2 nuôi hơn 100 con heo thịt, 2 con heo đực giống và 3 heo nái để nhân giống tự phục vụ cho chăn nuôi của gia đình. Ngoài ra, anh còn có đàn gà thả vườn và đàn vịt gần 200 con. Nhờ hiệu quả từ mô hình, trong 3 năm trở lại đây đã giúp gia đình anh thu nhập bình quân ổn định với mức khoảng 1 tỷ đồng mỗi năm, trừ tất cả chi phí gia đình anh còn lãi 500 triệu đồng/năm. “Đến nay tôi có thể khẳng định hướng đi của mình là đúng đắn. Chính nhờ mô hình kinh tế V.A.C mà gia đình tôi nâng cao đời sống. Lợi ích của V.A.C là tạo nên một vòng tròn khép kín. Vườn cung cấp một phần thức ăn cho chăn nuôi. Chuồng cung cấp phân bón cho cây cà phê. Ao cung cấp nước tưới và bùn làm tăng chất lượng đất cho cây cà phê,... đồng thời cung cấp nguồn thức ăn cải thiện trong gia đình. Và tất cả đều đem lại thu nhập ổn định”.
 
Hiện nay anh còn đang tiếp tục mở rộng quy mô trang trại, trồng thử nghiệm một số giống cây con mới để nhân rộng trong mô hình của mình. Mới đây gia đình anh đã đầu tư trồng thêm 200 gốc cây tiêu, hiện đang phát triển tốt và có khả năng cho hiệu quả kinh tế cao. Gia đình anh Phạm Văn Hoạt cũng đã tiên phong xây dựng hầm ủ khí bioga tại địa phương để tận dụng được chất thải từ chăn nuôi, làm khí đốt, sau đó làm phân bón cho vườn cây và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
 
Không chỉ phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình, nhà nông trẻ này còn chia sẻ kinh nghiệm sản xuất và giúp đỡ mọi người xung quanh, đặc biệt là đoàn viên thanh niên người đồng bào dân tộc tại địa phương. Hiện, Hoạt đang tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 4 thanh niên và giúp cho 10 lao động mùa vụ tại địa phương có việc làm ổn định với mức lương trên dưới 4 triệu đồng/tháng. Ngoài làm ăn kinh tế giỏi, anh còn nhiệt tình năng nổ trong các hoạt động phong trào Đoàn cũng như các công tác xã hội khác tại địa phương.
 
Bước đầu thành công từ mô hình kinh tế V.A.C của đoàn viên Phạm Văn Hoạt, đã được Ban Thường vụ Huyện Đoàn Đam Rông chọn là mô hình phát triển kinh tế thanh niên tiêu biểu trên địa bàn huyện và cần được nhân rộng. Anh Ndu Ha Biên - Bí thư Huyện Đoàn Đam Rông ghi nhận: “Mô hình kinh tế V.A.C của anh Hoạt là một mô hình kinh tế tiêu biểu tại địa phương”.
 
DUY NGUYỄN