Ông chủ nhiệm trẻ

09:05, 14/05/2015

Chàng trai ấy bắt đầu cuộc sống tự lập của mình ngay trên đất quê, nơi mình sinh ra như rất nhiều người khác. Nhưng với nhiều người ở đất nghèo Nam Hà (Lâm Hà), Nguyễn Hữu Phương cứ như một "cơn gió lạ", ào cuốn đến thổi đi những khó khăn, làm những điều ít người dám làm. 

Chàng trai ấy bắt đầu cuộc sống tự lập của mình ngay trên đất quê, nơi mình sinh ra như rất nhiều người khác. Nhưng với nhiều người ở đất nghèo Nam Hà (Lâm Hà), Nguyễn Hữu Phương cứ như một “cơn gió lạ”, ào cuốn đến thổi đi những khó khăn, làm những điều ít người dám làm. Thất bại không ít, nhưng với Phương, chuyện làm giàu trên đất quê chưa bao giờ khó, chỉ cần không được mất đi thứ quý giá nhất, đó là niềm tin.
 
Gần tám năm trước, Phương lập gia đình, “ra ở riêng” với vốn liếng là 7 sào cà phê Robusta được cha mẹ chia phần. Chẳng “yên phận” như nhiều người, anh mang chồn hương về nuôi để sản xuất cà phê chồn, rồi rao bán sản phẩm của mình trên raovat.com. Thời điểm ấy, anh đã “nổi tiếng” cả vùng bởi “máu” phiêu lưu trong việc sản xuất nông nghiệp; bên cạnh cà phê chồn, Phương còn dựng trại nuôi hàng trăm con gà siêu trứng, hàng trăm con thỏ thịt và thỏ giống. Mọi thứ đến với Phương dễ dàng, thu nhập không hẳn đã như “đại gia”, nhưng việc chi tiêu, sinh hoạt cho gia đình nhỏ của mình, chưa bao giờ khiến chàng trai sinh năm 1985 ở vùng quê nghèo ấy phải nặng lòng suy nghĩ. 
 
Chăn nuôi thỏ đã đem lại thu nhập khá ổn định cho gia đình Nguyễn Hữu Phương
Chăn nuôi thỏ đã đem lại thu nhập khá ổn định cho gia đình Nguyễn Hữu Phương

Với khao khát của một người trẻ, được làm giàu chính đáng từ mồ hôi, công sức của mình ngay chính trên mảnh đất mình sinh ra, Phương cùng bạn bè cùng chí hướng thành lập “CLB chăn nuôi trẻ” tại khu vực cụm xã Nam Ban, do chính anh làm chủ nhiệm. Gặp lại Phương khi anh đang tu sửa chuồng trại sau đợt xuất hàng trăm kg thỏ thịt, anh nói: “Thất bại cũng nhiều anh ạ, giờ đã “đầm” hơn, tập trung và chắc chắn hơn trước mỗi dự án”. Năm 2010, trang trại của Phương chết gần 1.000 con thỏ, mất trên 300 triệu đồng; trước đó, dự án cà phê chồn của anh cũng bấp bênh vì đầu ra không ổn định bởi thị trường “bát nháo” các loại cà phê nhái hương vị nổi tiếng này. Phương bắt đầu lại từ đầu, từng bước một, chậm mà chắc. Sau những lần thất bại và cả những thành công của Phương, tôi vẫn hỏi lại anh câu hỏi cũ, làm giàu trên đất quê có khó không? Vẫn như mọi lần, Phương trả lời theo tư duy của người trẻ: “Không anh à”. Nhưng lần này, anh chắc chắn hơn, “Chỉ cần tập trung và kỹ lưỡng hơn!”. 
 
“Ở mỗi vùng quê, thanh niên bây giờ ít gắn bó với đất, lớn lên cứ thích đi xa, về những “vùng đất hứa”, bươn chải kiếm sống, thất bại, cùng cực lắm mới quay về. Những người ở lại lại ít tâm huyết với chăn nuôi. Em muốn là người thay đổi điều ấy, nên đã rủ những người bạn có cùng chí hướng thành lập CLB, để giúp đỡ, chia sẻ với nhau, không chỉ giới hạn là những thành viên trong nhóm”, Phương trải lòng. CLB chăn nuôi trẻ do Phương sáng lập hiện có 7 thành viên. Những chàng nông dân trẻ, thế hệ 8X ấy nuôi đủ thứ con, từ dế đến tằm, từ heo đến gà, từ cá đến chồn… Mỗi tháng một lần vào ngày 20, họ họp nhóm để trao đổi kinh nghiệm, bí quyết “bắt bệnh” từng con vật. Nhóm có 7 người, thì đã có 5 người sắm máy tính, kết nối internet để tiện trao đổi, học hỏi, tìm tòi nghiên cứu. Tôi đùa: “Cũng hiện đại nhỉ, hội nhập đấy!”. Phương cười trả lời: “Bọn em là nông dân, nhưng cũng là người trẻ mà”. Tiêu chí của CLB chăn nuôi trẻ do Phương sáng lập có một điều lệ khá độc đáo, khi gia nhập, thành viên bắt buộc phải là người trẻ (đương nhiên) và kinh tế phải không phụ thuộc gia đình. Lý giải về điều này, Phương cho biết: “Để như một lời nhắc nhở cho các thành viên là phải tự đi lên bằng đôi chân của chính mình”. Trong CLB, ngoài Phương còn có thêm một thành viên khác đã được nhận giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn trao tặng. Điều đáng trân trọng và cả khâm phục, khi biết rằng Phương và các thành viên trong nhóm đều dở dang trong việc học hành vì nhiều lý do khác nhau.
 
Trang trại 7 sào của Phương giờ đã được anh “quy hoạch” một cách bài bản. Ở đó, có một ao nuôi cá, gần 3 sào hoa, còn lại anh nuôi thỏ, heo, gà, tằm… tùy theo thời vụ và giá cả. Anh nói: “Sắp tới bọn em sẽ có thêm nhiều dự án mới, nhưng cứ phải có “nền vững” đã, anh ạ”. Tôi tin vào những gì “ông” chủ nhiệm trẻ ấy nói, cũng như rất nhiều người khác đã tin và tìm đến Phương để trao đổi học hỏi kinh nghiệm. Có lẽ, với Nguyễn Hữu Phương, việc làm giàu trên mảnh đất nơi mình sinh ra đã là một phần của trách nhiệm.
 
LINH ĐAN