Nghề của "4N"

08:05, 28/05/2015

Nghiệp vụ, Ngoại hình, Ngoại ngữ, Ngoại giao là 4 yếu tố căn bản mà rất nhiều công việc hiện nay đòi hỏi ở người lao động, đặc biệt là đối với nhân viên lễ tân - nghề mà thanh niên tại thành phố du lịch Đà Lạt hiện có nhiều cơ hội để nhập cuộc.

Nghiệp vụ, Ngoại hình, Ngoại ngữ, Ngoại giao là 4 yếu tố căn bản mà rất nhiều công việc hiện nay đòi hỏi ở người lao động, đặc biệt là đối với nhân viên lễ tân - nghề mà thanh niên tại thành phố du lịch Đà Lạt hiện có nhiều cơ hội để nhập cuộc.
 
Những bài học nhập môn
 
Ngày đầu làm lễ tân của một khách sạn hoạt động theo kiểu gia đình trên đường Phan Bội Châu (Đà Lạt), Hoàng Thương khá bỡ ngỡ với cách soạn thảo hợp đồng với phía công ty du lịch, việc xuất hóa đơn, cách đặt phòng… Đặc biệt, một yếu tố quan trọng mà Thương rèn luyện là luôn mỉm cười với khách dù bản thân đang ở trong tâm trạng nào. Điều này trước đây Thương cảm thấy khá khó khăn vì bản thân rất khó kiềm chế cảm xúc. Dù vậy, khi đã “vào guồng”, cô bạn 22 tuổi này bắt đầu nhẫn nại và tự nhận thấy mình thay đổi nhiều để phù hợp với công việc. Đó là những bài học đầu tiên của những người trẻ như Thương khi bước vào môi trường hoạt động du lịch.
 
Đối với Thùy Trâm - nhân viên Khách sạn Sài Gòn - Đà Lạt, vốn là một sinh viên Du lịch chính quy thì nghiệp vụ lễ tân đã được hướng dẫn thông qua các quy trình chuẩn, khi nhân viên áp dụng chặt chẽ sẽ góp phần vào hoạt động nhịp nhàng của khách sạn. Điều quan trọng nhất là thái độ, cách ứng xử với khách và giải quyết phàn nàn của khách sao cho linh hoạt và hợp lý nhất. 
 
Nhân viên lễ tân Khách sạn Palace trao đổi với khách
Nhân viên lễ tân Khách sạn Dalat Palace trao đổi với khách

Với hơn 600 cơ sở lưu trú, Đà Lạt có nhu cầu khá lớn về nhân lực lễ tân. Tuổi trẻ vốn giàu năng lượng, nhanh nhập cuộc, dễ dàng tiếp thu những yếu tố văn hóa đa dạng; bởi vậy, dễ hiểu khi nhân viên lễ tân hầu hết đều đang ở độ tuổi thanh niên. Hiện nay, để tìm kiếm một “chân” lễ tân ở các cơ sở lưu trú, nhà nghỉ không quá khó, nhất là vào mùa du lịch cao điểm. Điều đặc biệt của công việc này là “đầu vào” khá rộng mở. Khi đã được đào tạo căn bản về nghiệp vụ lễ tân, bạn trẻ vào nghề với nhiều lợi thế nhưng một số “dân ngoại đạo” vẫn rất có duyên với công việc này. Đức Trường - hiện là Trưởng bộ phận Lễ tân, Khách sạn Dalat Palace vốn học Marketing. Tốt nghiệp ra trường, mối duyên với khách sạn 5 sao sang trọng bậc nhất Đà Lạt này khiến chàng trai trẻ lúc ấy cảm thấy khá thú vị và dấn thân. Từ những bài học đầu đời, cọ sát qua nhiều tình huống, nhất là tìm hiểu về tập quán, văn hóa của khách nước ngoài, Trường tích lũy cho mình một “túi” kinh nghiệm kha khá. Đặc biệt, với môi trường chuyên nghiệp và đón khách từ 5 châu như Palace, ngoại ngữ là yếu tố vô cùng quan trọng, nếu chỉ rành rõi ngoại ngữ trên văn bản mà kém lưu loát khi giao tiếp cũng là khiếm khuyết. Với quá trình khổ luyện, Trường từng giành giải nhất cuộc thi Nghiệp vụ Lễ tân tỉnh Lâm Đồng và giải 3 ở vòng toàn quốc. 
 
Góp sức cho nguồn nhân lực du lịch
 
Lễ tân chính là “bộ mặt”, là “lời chào”, là nơi tập trung mọi hoạt động của khách sạn; nhân viên lễ tân như một người đại diện của khách sạn để khách đặt phòng, hỏi thông tin hay nêu những phàn nàn về chất lượng dịch vụ… Chính vì thế, sự chuyên nghiệp và mềm mỏng luôn được đặt lên hàng đầu đối với nhân viên lễ tân. Anh Lê Hồng Thanh, từng công tác tại khá nhiều khách sạn cao cấp ở Đà Lạt, hiện là Tổng Giám đốc Khách sạn Mường Thanh Sông Lam (Nghệ An) nhận xét rằng Đà Lạt có trình độ phát triển ở tầm cao và có hẳn công nghệ phục vụ, quy trình chăm sóc khách phát triển hơn nhiều địa phương khác. Chính vì vậy, bồi dưỡng cho đội ngũ lễ tân nói riêng và các bộ phận khác trong guồng máy hoạt động của khách sạn nói chung góp phần tạo nên chất lượng cho du lịch Đà Lạt.
 
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đà Lạt cho biết, hiện Đà Lạt có 6 trường đào tạo nghiệp vụ du lịch nói chung, đào tạo nghiệp vụ lễ tân nói riêng mà các bạn trẻ có thể theo học gồm: Trường Đại học Đà Lạt, Trường Đại học Yersin, Trường Cao đẳng Nghề Du lịch Đà Lạt, Trường  Cao đẳng Nghề Đà Lạt, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Lâm Đồng, Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt. Đồng thời, những khóa đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn thường xuyên được cơ quan chức năng phối hợp tổ chức. Với  số lượng các địa chỉ đào tạo ấy, các bạn trẻ có nhiều lựa chọn để cập nhật kiến thức, kỹ năng nghề khi hoạt động trong môi trường du lịch. 
 
Bàn về “4N” đối với nhân viên lễ tân, yếu tố ngoại hình được xem là không kém phần quan trọng, ngoại hình như nét duyên để tạo thiện cảm ban đầu khi tiếp xúc, đối với du lịch Đà Lạt, vẻ đẹp ấy là nét nhẹ nhàng đặc trưng của cư dân phố núi. Ông Mark và bà Joan đến từ Mỹ trong đợt lưu trú tại Dalat Palace nhận xét rằng nhân viên lễ tân ở đây khá thân thiện và toát lên sự nhẹ nhàng nhưng rất tự tin, ngoại ngữ lưu loát, đạt mức chuẩn so với nhân viên lễ tân tại nhiều khách sạn cao cấp khác ở Việt Nam và các nước Đông Nam Á mà ông bà đã có dịp tiếp xúc.
 
Nghề lễ tân chú trọng đến “4N” và thích hợp với tuổi trẻ, vị trí này có mức lương không quá cao nhưng tương đối ổn định và đầu ra đang tương đối rộng mở. Một mùa tuyển sinh đang đến gần, công việc của một lễ tân với nghiệp vụ chắc, ngoại hình ổn, ngoại ngữ trôi chảy, giao tiếp khéo léo có lẽ sẽ là đích nhắm của không ít thanh niên.
 
Hải Yến