Hoạt động Đoàn cần "chủ động, sáng tạo và chuyên nghiệp"

08:03, 19/03/2015

Từ thực tiễn hiện nay, vấn đề làm sao để công tác Đoàn và phong trào thanh niên thực sự có "lửa", tạo được sức hút đối với đoàn viên thanh niên (ĐVTN) là nội dung quan trọng để hoạt động đoàn có chiều sâu, đạt hiệu quả.

Từ thực tiễn hiện nay, vấn đề làm sao để công tác Đoàn và phong trào thanh niên thực sự có “lửa”, tạo được sức hút đối với đoàn viên thanh niên (ĐVTN) là nội dung quan trọng để hoạt động đoàn có chiều sâu, đạt hiệu quả. Nhân Tháng Thanh niên, chúng tôi đã có cuộc trao đổi khá cởi mở với anh Phan Đức Thái, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Lâm Đồng xung quanh những nội dung này…
 
Xây dựng phong trào từ cơ sở
 
Phóng viên (PV): Thưa anh, trong thời gian qua, các công trình “Thắp sáng đường quê” đã thực sự có sức lan tỏa tại các địa bàn trong tỉnh. Qua các công trình do tổ chức Đoàn khởi xướng này, dấu ấn thanh niên thực sự đã đem lại rất nhiều thiện cảm và sự ghi nhận…
 
Anh Phan Đức Thái
Anh Phan Đức Thái
Anh Phan Đức Thái: Phải nói rằng, “Thắp sáng đường quê” đã khơi dậy tinh thần trẻ, tỏa ra năng lượng từ sức trẻ đến nhiều vùng sâu, vùng xa trong thời gian gần đây. Từ cuối năm 2013, công tác chuẩn bị đã được thực hiện kĩ lưỡng để triển khai vào đầu năm 2014. Từ sự tham mưu của Tỉnh Đoàn, được sự chỉ đạo tích cực của UBND tỉnh và sự phối hợp của Sở Công thương, chương trình bắt đầu được thực hiện thí điểm tại 14 xã của 8 huyện. Tại Phi Liêng (Đam Rông), Quốc Oai và Hà Đông (Đạ Tẻh), Đông Thanh (Lâm Hà), Đa Nhim (Lạc Dương)… nay đã “bừng sáng” ánh điện - hiệu quả từ chương trình “Thắp sáng đường quê”. Để có được điều đó, Tỉnh Đoàn, Công ty Điện lực, Công ty dây cáp điện Cadivi, Công ty Bóng đèn Điện Quang… đã hợp lực triển khai. Sau bước đầu đó, chương trình đã được nhân rộng với sự vào cuộc tích cực của các tổ chức cơ sở Đoàn, các tổ chức thể hiện rõ nét vai trò của mình qua việc: tham mưu với chính quyền địa phương các đoạn đường cần thắp sáng, tham gia kêu gọi tài trợ (từ các mạnh thường quân, các doanh nghiệp, các đơn vị đóng tại địa phương…), là lực lượng chủ đạo trong quá trình thi công… 
 
PV: Là một cán bộ Đoàn trưởng thành từ cơ sở, vậy anh đánh giá như thế nào về vai trò và thực lực của tổ chức Đoàn tại cơ sở, mà cụ thể là tại các địa phương hiện nay?
 
Anh Phan Đức Thái: (Cười - PV), Vâng, tôi trưởng thành từ công tác Đoàn tại đoàn Trường THPT Bảo Lâm, tôi vốn là một giáo viên kiêm Phó Bí thư Đoàn trường. Đó là thời gian tôi rất hăng say các hoạt động xã hội. Sau khi thi Huấn luyện viên cấp 1 Quốc gia, tôi may mắn đỗ thủ khoa và sau đó chuyển về hoạt động Đoàn chuyên trách tại Tỉnh Đoàn.
 
Nhìn lại những phong trào lớn hiện nay, chúng ta có thể thấy dấu ấn đậm nét từ cơ sở. Ngay như “Mùa hè xanh” đã bắt nguồn từ “Chiến dịch ánh sáng văn hóa hè” do sinh viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM thực hiện với sự thôi thúc cần thực hiện việc xóa mù chữ tại các huyện ngoại thành TPHCM. 
 
Hiện nay, theo tôi, không có khoảng cách lớn giữa hoạt động Đoàn tại nông thôn và thành thị bởi Internet đã phủ sóng rộng, điện thoại thông minh và sóng 3G đã kết nối mọi người, mọi nơi gần lại. Như vậy, nguồn lực gần như nhau, còn lại là vấn đề con người. “Cán bộ nào, phong trào nấy”, bản thân cán bộ Đoàn phải sáng tạo và dấn thân thì nội dung hoạt động mới “sáng” lên được. Chúng ta nên thể hiện vai trò của cán bộ Đoàn, triển khai công tác Đoàn một cách tốt nhất trong điều kiện có thể.
 
“Một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân”
 
PV: Như anh đã nói, hoạt động Đoàn cần có sự dấn thân. Nhưng thực tế hiện nay, để tập hợp được ĐVTN và tạo được những “cú hích” thực sự trong công tác Đoàn không phải là điều đơn giản. Nếu như phong trào Đoàn tại trường học tương đối dễ dàng hơn khi đoàn viên tương đối trẻ, nhiệt huyết và hăng hái với phong trào thì tại không ít cơ quan, đoàn viên lại bận rộn với việc chuyên môn, bận rộn việc gia đình, “máu” Đoàn đã chững lại?!
 
Anh Phan Đức Thái: Chính vì vậy, người cán bộ Đoàn càng cần nghiên cứu cách thức hoạt động, tổ chức sinh hoạt phù hợp. Đâu phải cứ tổ chức hoạt động ngoại khóa là mọi người lại cùng ôm đàn guitar và hát. Chúng ta nên thiết kế những chương trình gần gũi với tính chất công việc và đặc điểm của đoàn viên. Bởi vậy, cần nghiên cứu những mô hình hay để vận dụng. Chẳng hạn như gần đây, trong các đợt tuyển quân, chúng ta đã dựng “Cầu Vinh quang” để các thanh niên lên đường nhập ngũ cùng bước lên. Đó là một cách thức để tạo dấu ấn đối với thanh niên lên đường thực hiện nghĩa vụ với đất nước. Bản thân thanh niên ấy sẽ nhớ phút giây lên đường và đầy cảm xúc tự hào trong chặng đường mới.
 
“Đầu vào” của cán bộ Đoàn là yếu tố quan trọng bởi cần lựa chọn những nhân tố có tố chất, đam mê với công tác, bản thân cán bộ Đoàn phải có những điểm nổi trội mà một thanh niên bình thường không có hoặc ít có.
 
Để thực hiện tốt công tác, tất nhiên cán bộ Đoàn không chỉ tinh tế, nhạy bén mà rất cần sự quan tâm của cấp ủy. Cấp ủy cần quan tâm, tạo điều kiện cho cán bộ Đoàn thể hiện mình. Đặc biệt là tạo điều kiện cho những tìm tòi, khám phá, trải nghiệm mới!
 
PV: Như anh đã trao đổi, chúng ta cần tìm tòi vận dụng những cách thức mới trong hoạt động. Anh có thể nói rõ hơn về điều này? Những thuận lợi và khó khăn khi triển khai cái mới?
 
Anh Phan Đức Thái: Cái mới bao giờ cũng đem đến những yếu tố lạ, thu hút; nếu phù hợp sẽ đem lại nhiều hiệu quả. Để có cái mới, chúng ta phải mạnh dạn suy nghĩ, tìm tòi và áp dụng. Hiển nhiên cái mới chưa chắc luôn luôn đúng nhưng nếu không dám thực hiện thì hiển nhiên cái mới sẽ không được ươm mầm; nếu sai, chúng ta sẽ không ngại sửa chữa.
 
Tôi rất tâm đắc với quan điểm “Think Different” (suy nghĩ khác biệt) của Steve Jobs - người sáng lập Tập đoàn Apple. Khi chúng ta có những điểm mới, không sáo mòn, sẽ khơi nguồn cho sáng tạo.
 
Khi đọc báo cáo hoạt động của Trung ương Đoàn, các Tỉnh Đoàn bạn, tôi rất quan tâm nghiên cứu những sáng tạo trong hoạt động của đơn vị bạn với suy nghĩ: chúng ta có thể vận dụng những điểm nào từ những mô hình ấy?
 
Hoạt động “chủ động, sáng tạo và chuyên nghiệp”:
 
PV: “Học kỳ quân đội” trong những năm qua do Tỉnh Đoàn chủ trì tổ chức đã thổi một luồng sinh khí mới trong công tác rèn luyện thanh thiếu niên và rất được các bậc phụ huynh đồng tình. Theo anh, thành công đó bắt nguồn từ đâu? 
 
Anh Phan Đức Thái: “Học kỳ quân đội” đã được thực hiện tại một số nước trên thế giới. Chúng ta triển khai “Học kỳ quân đội” phù hợp với thực tiễn, với điều kiện của chúng ta và đã rèn luyện tính kỷ luật, sự nền nếp; giáo dục kỹ năng sống, tình cảm gắn bó, yêu thương gia đình của các em. 
 
Sau thời gian rèn luyện trong môi trường đó, các em có sự tiến bộ rất nhiều mà chính bản thân mỗi em cảm nhận cũng như sự đánh giá từ phía gia đình, xã hội, điều đó đem lại sự thành công.
 
PV: Để “thổi hồn” cho phong trào thanh niên và công tác Đoàn theo anh điều gì là quan trọng nhất?
 
Anh Phan Đức Thái: Theo tôi, cần nhất là sự chủ động, sáng tạo và chuyên nghiệp trong hoạt động.
 
Khi chủ động, mỗi tổ chức cơ sở Đoàn sẽ xây dựng chương trình hoạt động phù hợp, có chiều sâu, tránh rơi vào tình trạng đối phó. Muốn vậy, hãy “cháy” cùng phong trào.
 
Nói về yếu tố sáng tạo, đó chính là thiết kế những nội dung mới và sáng tạo ngay trong những hoạt động truyền thống. Chúng ta hãy tạo ra các cao trào. Ví dụ như Ngày thứ Bảy tình nguyện, Ngày Chủ nhật xanh, nếu thực hiện thường xuyên, tạo thành một dấu ấn đặc trưng thì sẽ tạo được sức mạnh và sức bền. Tại các cơ quan có thể thành lập đội hình Thanh niên Tình nguyện để có lực lượng xung kích trong các hoạt động tại đơn vị. Nếu học sinh, sinh viên có “Mùa hè xanh” thì lực lượng đoàn viên thanh niên là người lao động, cán bộ công chức có “Kỳ nghỉ hồng”. Vậy thiết kế “Kỳ nghỉ hồng” thật hăng hái theo chủ đề phù hợp với tính chất chuyên môn thì chính mỗi ĐVTN sẽ cuốn cùng phong trào và góp sức cho phong trào.
 
Về yếu tố chuyên nghiệp, đó chính là sự “đều tay” trong hoạt động, có kế hoạch, chủ đề, chủ điểm sinh hoạt, có tổng kết, có nhân rộng. Chúng ta hãy thực hiện đều trước, rồi sẽ có những yếu tố hay, nhân tố đẹp...
 
PV: Vâng, đó là những mong muốn đối với hoạt động của các tổ chức cơ sở Đoàn. Còn với bản thân cán bộ Đoàn chuyên trách như anh, có những mô hình nào mà anh ấp ủ và khát khao thực hiện?
 
Anh Phan Đức Thái: Tôi rất tâm đắc với nội dung cuộc vận động “Xây dựng giá trị mẫu hình thanh niên VN thời kỳ mới” do Trung ương Đoàn triển khai với mục tiêu xây dựng hình mẫu thanh niên trong thời kỳ mới có “Tâm trong, trí sáng, hoài bão lớn”. Khi thanh niên có nhân cách, bản lĩnh, tấm lòng, trí tuệ, có khát vọng thì sẽ thực hiện được những những dự định, mong muốn, xây dựng sự nghiệp cũng như cuộc sống, góp sức cho phong trào và sự phát triển nói chung.
 
Tôi rất mong tổ chức Đoàn sẽ có nhiều tác động tích cực giúp thanh niên khởi nghiệp thông qua Quỹ Khởi nghiệp cấp tỉnh. Hiện Trung ương Đoàn đã xây dựng quỹ này nhưng để có thêm nhiều ĐVTN được thụ hưởng thì rất cần mở rộng tới các tỉnh. Hiện tỉnh Bình Phước có Công ty cao su Thanh niên trực thuộc Tỉnh Đoàn, và từ quá trình hoạt động đã tạo kinh phí hỗ trợ cho cán bộ Đoàn, hiện tại địa phương này đã có nguồn kinh phí hỗ trợ đến tận cán bộ Đoàn cấp xã.
 
Với điều kiện, lợi thế của tỉnh Lâm Đồng về nông nghiệp công nghệ cao, cộng với những thanh niên hoạt động thành công và có khả năng hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, tôi mong sao sẽ có những công trình để tập hợp ĐVTN, ví dụ như thành lập Làng Thanh niên Công nghệ cao chẳng hạn. Ở đó, sẽ có những dự án thực hiện tốt, là mô hình cho thanh niên học tập, tham quan, du lịch… Từ đó, nhân rộng những điển hình làm kinh tế…
 
PV: Có lẽ sẽ có nhiều ĐVTN chia sẻ với anh về những mong muốn trên. Xin chân thành cảm ơn nội dung trả lời của anh!
 
HẢI YẾN (thực hiện)