Người trẻ cần một không gian văn hóa tốt

09:01, 22/01/2015

Lê Hòa, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng, tên thật là Lê Văn Hòa (sinh năm 1986), một nhà thơ trẻ có lối viết lục bát khá nhuyễn và chắc tay. Theo đánh giá của nhà thơ Vương Tùng Cương, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Lê Hòa là một trong những nhà thơ trẻ có nhiều tìm tòi trong việc làm mới thể thơ lục bát, một thể thơ dễ làm nhưng rất khó hay...

Lê Hòa, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng, tên thật là Lê Văn Hòa (sinh năm 1986), một nhà thơ trẻ có lối viết lục bát khá nhuyễn và chắc tay. Theo đánh giá của nhà thơ Vương Tùng Cương, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Lê Hòa là một trong những nhà thơ trẻ có nhiều tìm tòi trong việc làm mới thể thơ lục bát, một thể thơ dễ làm nhưng rất khó hay. Chính cái cách làm mới thể thơ truyền thống đó mà thơ Lê Hòa đã và đang được khẳng định trên thi đàn cũng như neo được trong lòng độc giả. 
 
Thơ Lê Hòa thường được đăng tải trên các báo: Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam), Tuổi trẻ, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Tạp chí Kiến thức ngày nay, Tạp chí Nghệ thuật biểu diễn, Tạp chí Lang Bian và Báo Lâm Đồng... Trong năm 2013, tại cuộc thi thơ “Chào mừng Đà Lạt 120 năm hình thành và phát triển” do Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng và UBND TP Đà Lạt phối hợp tổ chức, bài thơ “Khát vọng bazan” của Lê Hòa đoạt giải C. Năm 2014, tác phẩm “Mơ thu” của Lê Hòa đã giành giải Lục Bát Trăng Bạc của Cuộc thi Thơ Lục Bát “Tổ quốc và Đạo pháp” do Báo Người cao tuổi phối hợp với website: lucbat.com tổ chức dưới sự bảo trợ của Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Chuyên mục Thanh niên của Báo Lâm Đồng đã có cuộc trò chuyện với nhà thơ trẻ triển vọng này.
 
Nhà thơ trẻ Lê Hòa
Nhà thơ trẻ Lê Hòa
 
PV: Chào bạn! Bạn nghĩ sao khi có người cho rằng ở địa phương Lâm Đồng không khí văn nghệ khá trầm lặng và người sáng tác trẻ hiện đang thiếu một sân chơi nghệ thuật đúng nghĩa?
 
Lê Hòa: Trầm lặng thì đúng rồi! Lâm Đồng không thể sôi động như Sài Gòn hay Hà Nội được. Người sáng tác trẻ nào cũng cần một salon nghệ thuật đúng nghĩa giữa những người trong giới. Bởi khi tham gia, ngoài việc được tương tác, tương thức với nhau, người trẻ còn cảm thấy được nâng đỡ, được sẻ chia, được khơi dậy đam mê và có thêm động lực mới để sáng tạo. Đó là một nhu cầu chính đáng. Thêm nữa, được chơi ở một môi trường học thuật lành mạnh sẽ làm phong phú thêm lên những hiểu biết và rồi tự nội sinh kích thích sáng tạo. Trên thực tế, những người trẻ đam mê văn học nghệ thuật ở Lâm Đồng đã từng có một sân chơi như thế, là Câu lạc bộ Sáng tác trẻ, trực thuộc Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng. Nhưng rất tiếc, 3 năm trở lại đây, Câu lạc bộ Sáng tác trẻ đã ngừng hoạt động, vì thiếu con người mới để tập hợp.
 
PV: Nghệ thuật phải độc đáo. Nghệ sĩ phải độc đáo. Nếu không độc đáo không phải là nghệ thuật và cũng không là nghệ sĩ. Bạn thì sao?
 
Lê Hòa: Bản chất nghệ thuật là luôn truy tầm sự thiên hình vạn trạng trong mọi chiều kích của cái đẹp. Người nghệ sĩ phải luôn luôn vận động để sáng tạo những cái mới, cái độc đáo, tránh sự sáo mòn, rập khuôn. Tuy nhiên, sáng tạo không có nghĩa là đập phá, là mở rộng cái tôi cực đoan theo kiểu Chủ nghĩa Đa Đa (một trào lưu nghệ thuật của giới nghệ sĩ phương Tây thế kỷ XIX - PV). Thời gian qua, một số thành viên trong Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng cũng đã có nhiều động thái tích cực trong việc phát hiện, bồi dưỡng những kỹ năng nghề nghiệp cũng như giữ vai trò định hướng, phân luồng thẩm mỹ, tức chỉ cho giới sáng tác trẻ biết cái nào hay, cái nào dở, hoặc quá lố để tránh trong thời buổi có quá nhiều trào lưu nghệ thuật như hiện nay. Cái cần nhất của chúng tôi, những người trẻ, là có một không gian văn hóa tốt và một lớp người đi trước làm công tác hướng đạo, định hướng thẩm mỹ đúng để từ đó nhận ra chân lý sáng tạo thực thụ, tránh bị chệch hướng.
 
PV: Bạn nghĩ gì về lớp nhà thơ trẻ hôm nay, như bạn chẳng hạn?
 
Lê Hòa: Tôi đã nghe nhiều người phàn nàn, nhà thơ trẻ đang làm nhiễu loạn thi đàn. Riêng tôi, tôi tôn trọng mọi sự thể nghiệm. Chẳng thành công nào mà không bắt đầu từ những thất bại. Cũng chẳng cái mới nào ra đời lại không chịu nhiều búa rìu dư luận. Thơ cần đổi mới như chính con người cần đổi mới. Nhưng đổi mới cách nào thì thơ vẫn cứ phải là thơ cái đã. Tôi kỵ nhất việc nhân danh đổi mới thơ để rồi đưa thơ rơi vào tình trạng tắc tị, “hũ nút”. 
 
Một vấn nạn lớn hiện nay, là có quá nhiều người học thơ quá ít, nếu không muốn nói là không học, hoặc không cần học, nhưng lại viết thơ quá nhiều, viết một cách vô tội vạ...   
 
PV: Xưa kia, nhà thơ Xuân Diệu từng viết “Nỗi đời cơ cực đang giơ vuốt/ Cơm áo không đùa với khách thơ”. Và nay điều ấy có thay đổi?
 
Lê Hòa: Đấy vẫn là trở lực và là động lực mà xưa nay những người theo nghiệp bút mực phải gánh chịu và cưu mang. Tuy nhiên, theo cá nhân tôi, mỗi người trẻ phải tự biến nó thành động lực để sáng tạo. Vì quá trình vật lộn với cơm áo cũng chính là hành trình tích lũy kinh nghiệm, vốn sống để qua đó có một cái nhìn minh xác hơn về cuộc đời, về con người. 
 
Sống, trải nghiệm và đam mê nhất định sẽ viết được một cái gì đó. Chứ nhiều lúc sướng quá chưa hẳn đã là điều hay. Bởi trong lịch sử văn học, không ít nhà văn, nhà thơ đã chứng minh được rằng, phần “âm bản” trong đời sống sẽ trở thành phần “dương bản” trong nghệ thuật.
 
PV: Cám ơn bạn vì những câu trả lời chân thành và cởi mở này!
 
TRỊNH CHU (thực hiện)