Lê Ngọc Bảo Trang - "ngọc sáng" trường huyện

08:01, 08/01/2015

Từng đậu thủ khoa hai trường đại học danh tiếng trong kỳ thi tuyển sinh năm 2013, cô học trò trường huyện Bảo Lâm năm nào - Lê Ngọc Bảo Trang tiếp tục ghi tên mình vào "bảng vàng" thành tích, đại diện Việt Nam tham dự cuộc thi "Phiên tòa giả định" toàn khu vực châu Á vào tháng 3 tới đây.

Từng đậu thủ khoa hai trường đại học danh tiếng trong kỳ thi tuyển sinh năm 2013, cô học trò trường huyện Bảo Lâm năm nào - Lê Ngọc Bảo Trang tiếp tục ghi tên mình vào “bảng vàng” thành tích, đại diện Việt Nam tham dự cuộc thi “Phiên tòa giả định” toàn khu vực châu Á vào tháng 3 tới đây.
 
Đội vô địch đại diện VN tranh tài tại Hongkong
Đội vô địch đại diện VN tranh tài tại Hongkong
 
Tình cờ lang thang trên Facebook, một dòng coment viết vội của cô giáo trường huyện Bảo Lâm - Lâm Đồng: Chúc mừng em nhé Bảo Trang. Cô rất tự hào về em, hãy tự tin trong cuộc thi toàn châu Á. Từ “thông điệp” ấy, tôi tò mò tìm hiểu điều cô giáo tự hào về học trò của mình, đặc biệt lời nhắn gửi chiến thắng trong sân chơi châu lục, mới hay đó chính là Lê Ngọc Bảo Trang - sinh viên năm 2, Khoa Luật quốc tế, Trường Đại học Luật Tp.Hồ Chí Minh và cộng sự vừa giành giải Nhất trong trận chung kết cuộc thi “Phiên tòa giả định về Luật Nhân đạo quốc tế”. 
 
Từ tân thủ khoa kép
 
Trong gần hai năm học đại học, ngoài việc học trên trường, cô sinh viên Lê Ngọc Bảo Trang luôn tất bật với các hoạt động xã hội, tham gia các Câu lạc bộ Kỹ năng sống, thành viên tổ chức các cuộc thi thơ văn. Chưa hết, Bảo Trang còn nhận dịch thuê, dày kèm, làm trợ giảng cho Trung tâm Ngoại ngữ Apolo với khoản thù lao 28 ngàn đồng/tiết. Đặc biệt, khi có trung tâm khác mời dạy với mức thù lao 35 ngàn đồng/tiết, Bảo Trang đã từ chối với lý do ở lại Apolo để được dạy các em học sinh tự kỷ, học sinh nghèo. Bận rộn là thế, nhưng kết quả học tập cuối năm Bảo Trang đứng đầu lớp luật, giành giải Nhất cuộc thi tiếng Anh do trường tổ chức.

Cái tên Lê Ngọc Bảo Trang gợi cho tôi nhớ về một bài viết đăng trên Báo Lâm Đồng khi em đậu thủ khoa cùng lúc hai trường đại học danh tiếng tại Tp. Hồ Chí Minh. Một cô bé sinh ra vào năm huyện Bảo Lâm chính thức được thành lập (1994), lớn lên trên nương rẫy xã vùng sâu Lộc Ngãi. Bảo Trang đã bước vào hành trình học tập “ngày hai buổi đến trường” trên con đường bụi đỏ, bùn đất với biết bao lần “áo trắng sân trường” lấm lem mà vẫn kiên trì đeo đuổi con đường học vấn. Nhiều thầy cô bảo rằng, việc thi đậu đại học đối với Bảo Trang không bất ngờ vì trong suốt 12 năm học em đều nằm trong tốp dẫn đầu của trường. Còn những năm học cấp 3 tại Trường PTTH Bảo Lâm, Bảo Trang luôn là học sinh giỏi toàn diện. Thế nhưng, khi hay tin Bảo Trang lập “kỳ tích” đậu thủ khoa Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh và Trường Đại học Khoa học xã hội - Nhân văn (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) ngành Luật quốc tế, các thầy cô thực sự bất ngờ, hãnh diện và tự hào về em lắm. Cô giáo dạy Anh văn, Châu Ngọc Đan Quế từng nhận xét: Bảo Trang có năng lực và học lực tốt lại ham học hỏi nên học đều ở các môn, đặc biệt, học rất giỏi môn tiếng Anh với chất giọng chuẩn. Còn cô Thanh Thủy - giáo viên dạy Văn nói về học trò của mình: Khi hay tin em đoạt giải cuộc thi, đại diện Việt Nam dự thi quốc tế, tôi rất vui và tự hào về em nên trong các giờ văn trên lớp, tôi hay lấy Bảo Trang ra làm gương cho học trò. Bảo Trang còn là người trầm tĩnh, ít nói và có cá tính, không ngần ngại khi đặt nhiều vấn đề thắc mắc trước thầy cô. Đối với gia đình, Bảo Trang là người chị gương mẫu của hai em và chưa hề để ba mẹ phiền lòng trong học hành cũng như sinh hoạt. Em sống có mục đích, biết nắm bắt cơ hội và luôn nỗ lực hết mình, vì vậy tôi rất tin tưởng vào em.  
 

Bảo Trang đứng trong phần luận tội, biện hộ
Bảo Trang đứng trong phần luận tội, biện hộ

Đến sân chơi quốc tế
 
Trở lại cuộc thi “Phiên tòa giả định Luật Nhân đạo quốc tế”, đây là một cuộc thi lớn mà sinh viên Luật nào có hoài bão đều mong muốn được tham gia. Cuộc thi đòi hỏi ở sinh viên kỹ năng nghiên cứu sâu về luật, khả năng phân tích, lập luận chặt chẽ, phải tiếp xúc với luật thông qua một ngôn ngữ khác chuyên ngành luật. Vì vậy, phải tranh tụng tại phiên tòa bằng ngôn ngữ tiếng Anh trước đối thủ và các vị giám khảo. Bảo Trang cho hay: “Các thành viên trong đội đều lần đầu tiên tiếp xúc với tiếng Anh chuyên ngành luật, nhất là những nguyên tắc cơ bản của Luật Nhân đạo quốc tế vì bộ môn luật này không nằm trong chương trình học”. Cả đội vừa chạy đua với các môn học ở trường, vừa tự mình nghiên cứu, trau dồi kiến thức, ngôn ngữ luật, phân tích án. Không ít lần vấp phải các vấn đề khó hiểu, phức tạp khiến cả đội cảm thấy nản lòng. Khó khăn nữa là khi viết bài biện hộ và bản luận tội - đây là kiểu văn bản coi trọng cả tính hình thức lẫn nội dung, trong khi các thành viên chưa từng viết loại văn bản này bao giờ. Kế đến phần trình bày chỉ trong vòng 20 phút và phải dự trù tất cả các câu hỏi mà giám khảo có thể bắt bẻ nên phải nắm chắc tất cả những điều đưa ra cả về Luật, Công ước, nguyên tắc, lẫn các sự kiện của vụ việc... Vậy mà Bảo Trang là người trình bày bài biện hộ, luận tội nhỏ tuổi nhất cuộc thi nên phải chuẩn bị tốt mọi thứ, thậm chí ngay đêm trước khi thi Bảo Trang đã thay đổi toàn bộ lý lẽ và chiến thuật thi đấu. Bảo Trang chia sẻ: Quyết định đó quả là một đêm đáng nhớ. Còn khi đứng trong phiên tòa em cảm tưởng mình đang tranh tụng tại phiên tòa thật để bào chữa cho nạn nhân với ý nghĩ họ không có tội nên em đã “cãi” rất tự tin, hùng hồn. Thật bất ngờ em nhận được rất nhiều lời khen từ ban giám khảo”. 
 
Kết quả, đội của Bảo Trang đã xuất sắc vượt qua 8 đội dự thi, đến từ 7 trường đại học đào tạo ngành Luật để giành giải Nhất, đại diện Việt Nam tham gia cuộc thi “Phiên tòa giả định Luật Nhân đạo quốc tế” toàn châu Á. Cảm giác khi đoạt giải, và dự định trong tương lai? Bảo Trang bộc bạch: Em nghĩ về khoảng thời gian khó khăn mà mình trải qua và mỉm cười nghĩ về gia đình, thầy cô, bạn bè - những người luôn quan tâm đến em, rồi tưởng tượng niềm vui sướng tràn đầy trong mắt ba mẹ... Còn các cuộc thi sắp tới, em sẽ tiếp tục nghiên cứu, phân tích án mới, nỗ lực hết sức với khả năng của mình để cùng đội tham gia cuộc thi về Luật tại Hàn Quốc tới đây, nhất là “Phiên tòa giả định về Luật Nhân đạo quốc tế” toàn châu Á tại Hong Kong vào tháng 3 và cuộc thi về Luật tại Nhật Bản vào mùa hè năm nay. Bảo Trang cho hay, em tham gia các cuộc thi nhằm học hỏi kinh nghiệm, giao lưu kết bạn, nhận biết vị trí của mình ở đâu trước bạn bè quốc tế, qua đó, tạo động lực, cố gắng phấn đấu hơn trong học tập và đề ra những kế hoạch lớn cho tương lai. 
 
KHẢI NHIÊN