Thử sức sáng tạo ở Cannes

02:06, 15/06/2011

Hai chàng trai trẻ của Đà Lạt: Võ Quốc Ấn và Nguyễn Hoàng Minh Khang đều “tay ngang” với làm phim quảng cáo, nhưng đã chiến thắng trong cuộc thi Vietnam Young Lions 2011 để đến với Cannes Lions 2011 tại Pháp.

Hành trình của hai chàng trai Đà Lạt đại diện cho Việt Nam tham gia Liên hoan quảng cáo quốc tế danh tiếng thế giới - Cannes Lions 2011, ở hạng mục phim quảng cáo, nơi gặp gỡ các chuyên gia sáng tạo hàng đầu thế giới trong ngành công nghiệp truyền thông, diễn ra từ ngày 19 - 25/6 tại Cannes (Pháp).
 
Hai bạn trẻ Đà Lạt (Nguyễn Hoàng Minh Khang và Võ Quốc Ấn -bên phải) nhận giải Nhất lĩnh vực phim quảng cáo tại cuộc thi Sư tử trẻ Việt Nam  (Vietnam Young Lions 2011).
Hai bạn trẻ Đà Lạt (Nguyễn Hoàng Minh Khang và Võ Quốc Ấn -bên phải) nhận giải Nhất lĩnh vực phim quảng cáo tại cuộc thi Sư tử trẻ Việt Nam (Vietnam Young Lions 2011).

* Gặp “Sư tử trẻ”

Sức mạnh sáng tạo đã tạo ra sự khác biệt lớn. Hai chàng trai trẻ của Đà Lạt: Võ Quốc Ấn vừa tốt nghiệp Trường Sân khấu điện ảnh Tp.HCM và Nguyễn Hoàng Minh Khang, sinh viên Đại học Đà Lạt đều “tay ngang” không có kinh nghiệm làm phim quảng cáo, nhưng đã chiến thắng trong cuộc thi Vietnam Young Lions 2011 (Sư tử trẻ Việt Nam), mở đường cho hành trình đến với Cannes Lions 2011.

Cuộc thi Sư tử trẻ Việt Nam năm 2011 lần 3, nhằm tạo sân chơi và cơ hội cho các bạn trẻ đam mê sáng tạo trên toàn quốc do Công ty Hoa Mặt Trời (Sunflower), đại diện chính thức tại Việt Nam của Liên hoan Quốc tế Sáng tạo - Cannes Lions tổ chức, với mục đích tìm kiếm tài năng mới cho ngành quảng cáo sáng tạo tại Việt Nam.

Tôi gặp Ấn ở một đám cưới và anh bạn trẻ bận rộn cùng bố là nhà báo Võ Trần Phú đã nghỉ hưu làm dịch vụ quay phim ghi lại những khoảnh khắc hạnh phúc của lứa đôi. Nghe đồng nghiệp khoe rằng cậu con trai sắp sửa đi xuất ngoại lần đầu tiên đến Pháp để làm phim, tôi không thể tin ngay được. Để xác tín cho việc này, một cuộc trò chuyện chớp nhoáng trước khi Ấn đi Tp.HCM để lo các thủ tục visa và anh bạn trẻ rất nhiệt tình, đầy đam mê về làm phim quảng cáo.

+Bạn đến với cuộc thi như thế nào?

Rất tình cờ! Tháng 10 năm ngoái, đang ở Đà Lạt , tôi nghe bạn bè mách có cuộc thi Liên hoan quảng cáo Việt Nam (Vietnam Advertising Festival 2010), nên vào mạng tìm hiểu. Cuộc thi yêu cầu mỗi đội có 2 người - 1 đạo diễn phim và 1 họa sĩ, kèm các tiêu chí bắt buộc như: Dưới 28 tuổi (sinh từ ngày 13/11/1982 trở đi) và có 7 kỹ năng cơ bản: Dựng phim, quay phim, viết kịch bản, nghe và nói tiếng Anh lưu loát, kỹ năng thuyết trình, thiết kế đồ họa, kỹ năng làm việc nhóm. Tôi lên mạng tìm kiếm đồng đội, mục đích là tìm một họa sĩ và rất ưng ý khi xem các bức tranh do bạn Khang vẽ từng đạt giải nhất về thiết kế truyện tranh thiếu nhi Việt Nam bằng đồ họa. Cả hai kết thành một đội lấy tên là Yamakasi.

Chúng tôi đã thực hiện và gởi dự thi 5 tác phẩm ở thể loại phim quảng cáo, may mắn đã vượt qua vòng sơ khảo. Niềm vui cũng là thử thách thực sự khi Ban tổ chức tài trợ hoàn toàn cho đội xuống Tp.Hồ Chí Minh để vào chung kết cuộc thi Sư tử trẻ Việt Nam lần 3. Cuộc thi này có 3 thể loại chính: Phim quảng cáo (TV/Film), quảng cáo báo chí (Print) và chiến lược truyền thông (media). Đội làm phim quảng cáo được phát đề thi có chủ đề về bạo lực học đường, cấp camera và 1 triệu đồng, kèm theo 1 vệ sĩ giám sát quá trình làm việc của đội trong vòng 48 giờ. Đây là thể loại khó nhất và được mong chờ nhất tại cuộc thi này.

* Chủ nhân Clip số 1 chống nạn bạo lực học đường ở Việt Nam

+Câu chuyện về bạo lực học đường được kể theo cách của Yamakasi?

Rất nặng não! Phải mất 1 ngày để suy nghĩ ý tưởng. Có lúc chúng tôi tranh cãi về nội dung và cách thức thể hiện câu chuyện. Khó khăn nhất vì mỗi đội chỉ có 48 giờ để lên ý tưởng và làm phim với thời lượng không quá 1 phút. Ý tưởng câu chuyện phim: Một nữ sinh phổ thông đang ngồi bên bàn học trong căn phòng của mình. Cô cầm bút chì vẽ lại những hình ảnh mà cô yêu thích, vẻ mặt bé gái đang cười. Rồi trong đầu cô xuất hiện hình ảnh bạn bè nữ xúm lại đánh cô lúc tan trường. Cảnh giằng co xé áo, thương tích, cô nằm sóng soài trên mặt đất. Vẻ mặt những cô bạn gái ngày xưa dễ thương, rồi những gương mặt giận dữ. Hình ảnh ba mẹ quay lưng lại, nước mắt chảy dài trên má cô gái, bước chân của người bố đẩy cửa vào phòng con. Cô gái đã tự tử nằm sóng soài trên nền nhà bên cạnh lọ thuốc vương vãi. Kết thúc câu chuyện là Slogan: “Keep your kids save IN & OUT” (Hãy giữ an toàn cho con bạn cả trong gia đình và ngoài xã hội).

+Mô típ câu chuyện này thì nhiều lắm, vậy đâu là sáng tạo trong những thước phim của bạn?

Phim quảng cáo phải: Ngắn - ấn tượng - súc tích, quan trọng là Slogan đưa ra được thông điệp đi vào lòng người. Bạn Khang, họa sĩ cả đêm thức trắng tại khách sạn để vẽ 700 bức phác thảo, ký họa kể câu chuyện bằng hình ảnh. Bọn em còn vào Trường Sân khấu điện ảnh chọn một vài sinh viên nữ nhờ diễn để quay hình. Kết quả là phim hoàn thành 59 giây, kỹ thuật làm phim chuyển động chậm, cách thể hiện nội dung câu chuyện qua thủ pháp song hành: quá khứ - hiện tại đan xen, hình ảnh con người thật và hình ảnh trên những bức vẽ của Khang tạo nên nỗi ám ảnh về bạo lực học đường. Theo Ban giám khảo đánh giá: Bằng cách ghép hình ảnh tĩnh thành một bộ phim ghi lại quá trình biến đổi cảm xúc của một bạn gái trẻ -nạn nhân của bạo lực trong nhà trường, cách thể hiện vấn đề đơn giản nhưng mạnh mẽ. Phim được trao giải nhất đáp ứng các tiêu chí: Nêu bật nội dung câu chuyện, có chứng kiến của phụ huynh, hậu quả để lại (cái chết) và thông điệp có tính xã hội, thức tỉnh con người. Phim phản ánh đúng hiện thực của đời sống, nhiều vụ học sinh đánh nhau quay Clip tung lên mạng, mà hiện tượng phổ biến là con gái đánh nhau.

* Đường đến Cannes

+Chưa hề được đào tạo chính quy về lĩnh vực quảng cáo nhưng các bạn đã chứng tỏ sự sáng tạo và tài năng của mình qua tác phẩm cực kỳ ấn tượng (xem Clip chống nạn bạo lực học đường này trên YouTube). Tham gia sân chơi toàn cầu Cannes Lions 2011 bạn có cảm thấy áp lực không?

Có chứ! Lần đầu tiên “bơi qua biển lớn” mà! Bạn Khang đang ở Mỹ và chúng tôi sẽ gặp nhau ở Cannes để thành một đội cùng thử sức làm phim quảng cáo. Ngay từ đầu đến với cuộc thi trong nước và bây giờ đến Cannes với tôi luôn là một cuộc chơi thử sức sáng tạo. Chúng tôi đã được 4 chuyên gia huấn luyện kỹ năng và cách thức thi, xem các tác phẩm đã dành giải ở các kỳ liên hoan trước rất hứng thú. Liên hoan Cannes Lions 2011 là lần thứ 58, với các hoạt động chính như: gặp gỡ giao lưu trong lĩnh vực quảng cáo báo chí (Print), huấn luyện về chiến lược truyền thông (media), quảng cáo trên radio và media, thi các phim quảng cáo và hội thảo dành riêng cho phim quảng cáo.

+Nhiều người tiếp cận về quảng cáo theo quan niệm Tiền - lợi nhuận, còn bạn thì sao?

Lúc đầu tôi cũng nghĩ như thế! Tôi từng làm dịch vụ này theo kiểu nội dung do các doanh nghiệp, nhà hàng, phòng mạch cung cấp, còn mình làm người thi công - ghi hình và dàn dựng phim quảng cáo theo nội dung ý tưởng của họ. Cho nên chỉ cần “Thay da đổi thịt” là làm nên nhiều quảng cáo, không phải công phu mệt óc. Nhưng đến với cuộc thi làm phim quảng cáo  tôi đã thay đổi cách nghĩ rõ ràng: Quảng cáo là sáng tạo! Không phải đặc quyền của doanh nghiệp dùng quảng cáo để sinh lợi bằng vật chất rất dễ thấy, quảng cáo mang tính chất xã hội cao, diễn ra hàng ngày, ảnh hưởng đến nhiều người, được cả xã hội quan tâm và thông điệp, hình ảnh đi vào lòng người, gây ảnh hưởng đến nhiều thế hệ. Vì vậy, thông điệp quảng cáo phải có sự gắn kết giữa lợi ích cộng đồng - lợi ích doanh nghiệp, đòi hỏi có sự sáng tạo để gây ấn tượng, dễ đi vào lòng người, khó quên. Mục đích của Cannes Lions là quảng cáo mang thông điệp quốc tế về các vấn đề bảo vệ lợi ích cộng đồng; quảng cáo không phải hướng đến mục tiêu kinh tế mà đích đến nhấn mạnh tính sáng tạo vì cộng đồng.

Hai bạn trẻ Đà Lạt (Nguyễn Hoàng Minh Khang và Võ Quốc Ấn -bên phải) nhận giải Nhất lĩnh vực phim quảng cáo tại cuộc thi Sư tử trẻ Việt Nam  (Vietnam Young Lions 2011).
DIỆU HIỀN