Ươm mầm các dự án khởi nghiệp cho sinh viên

HỒNG THẮM 06:10, 26/06/2025

Nhiều năm trở lại đây, Trường Cao đẳng Đà Lạt đã chú trọng quá trình đào tạo tại trường, hỗ trợ và khuyến khích học sinh - sinh viên được đào tạo các lý thuyết ứng dụng, thực tập và thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, ý tưởng khởi nghiệp...

Dự án Strawberry Mạnh Kha - Dâu tây vì sức khoẻ của sinh viên
Trường Cao đẳng Đà Lạt
Dự án Strawberry Mạnh Kha - Dâu tây vì sức khoẻ của sinh viên Trường Cao đẳng Đà Lạt

Mới đây, Dự án Strawberry Mạnh Kha - dâu tây vì sức khoẻ thuộc lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, du lịch của sinh viên Nguyễn Duy Khang - Lớp Cao đẳng Thương mại Điện tử khóa 1 - Khoa Kinh tế, Trường Cao đẳng Đà Lạt đã xuất sắc vượt qua hơn 600 dự án toàn quốc để lọt vào vòng chung kết Cuộc thi Học sinh - Sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp lần thứ VII (SV.STARTUP). Đây là những ấp ủ của cậu sinh viên trẻ về việc tìm một hướng đi bền vững với loại nông sản đặc trưng của Đà Lạt - nơi em sinh ra và lớn lên.

Duy Khang cho biết, gia đình em có truyền thống trồng dâu nên em thấu hiểu sâu sắc nỗi vất vả của người trồng dâu tây Đà Lạt. Chính vì vậy, mục tiêu mà cậu hướng tới đó là nâng tầm giá trị nông sản, mang lại nụ cười cho người nông dân khi có thu nhập ổn định, ổn định đầu ra cho sản phẩm. Mạnh Khang cho biết, dự án có lợi thế cạnh tranh, trong đó có ứng dụng công nghệ bảo quản chitosan giúp tăng thời gian bảo quản dâu tươi, ứng dụng công nghệ IoT để kiểm soát quy trình trồng, hệ thống camera và công nghệ VR360, tạo ra trải nghiệm mới lạ cho khách hàng, sản phẩm có truy xuất nguồn gốc thông qua mã QR. 

Theo Mạnh Khang, những ngày tháng học tại Trường Cao đẳng Đà Lạt đã giúp cậu có điều kiện tiếp xúc với những công nghệ mới, gặp gỡ các doanh nghiệp để từ đó mạnh dạn nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trên vườn dâu của gia đình: “Em thấy rằng đây là sân chơi tiềm năng để các bạn sinh viên có thể rèn luyện các kỹ năng mềm, học tập được nhiều kiến thức trong các lĩnh vực từ các nhóm sinh viên khác và từ thầy cô, chuyên gia. Đồng thời có đầy đủ các phân tích cụ thể về lỗi sai thường gặp, cách hoàn thiện dự án và lắng nghe những kinh nghiệm từ người đi trước có thể giúp các bạn sinh viên có một cái nhìn tổng quát liên quan đến khởi nghiệp; từ đó, có định hướng tốt hơn cho các ý tưởng”, Mạnh Khang chia sẻ.

Ông Trương Duy Việt - Giám đốc Trung tâm Đánh giá kỹ năng và Ứng dụng công nghệ - Trường Cao đẳng Đà Lạt cho biết, từ nhiều năm nay, Ban Giám hiệu nhà trường đã xác định chủ trương gắn liền đào tạo với thực hành, triển khai ứng dụng công nghệ vào thực tiễn sản xuất. Trong quá trình đào tạo tại trường, học sinh - sinh viên được đào tạo các lý thuyết ứng dụng, thực tập và thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, ý tưởng khởi nghiệp… Quá trình này đã góp phần tích cực vào nâng cao chất lượng đào tạo tại nhà trường và đã đạt được một số thành tích ban đầu.

Mỗi năm, trường đều đặn tổ chức các đợt tập huấn về khởi nghiệp cho sinh viên để từ đó tìm kiếm, phát hiện những ý tưởng, đề tài mới của sinh viên và bước đầu hướng dẫn các em xây dựng kế hoạch, lập dự án, định hình các chiến lược kinh doanh, tìm hiểu nhu cầu của thị trường… Những dự án tiêu biểu, có tính khả thi sẽ được "ươm mầm" trong khuôn viên trường và dự thi tại nhiều sân chơi như: các cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh, Startup Kite, CiC, NTTU Start-up Open Day... góp phần khẳng định năng lực cạnh tranh của sinh viên khối giáo dục nghề nghiệp. 

Trước đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã triển khai các đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp nhằm trang bị các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp, giúp học sinh, sinh viên tự tin, chủ động, sáng tạo trong việc khởi nghiệp cũng như tìm việc làm, tự tạo việc làm sau khi tốt nghiệp. Đồng thời, nâng cao năng lực các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về công tác đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện học sinh, sinh viên, và hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp, tự tạo việc làm.

Tuy nhiên, ông Việt cũng chỉ ra thực tế rằng nhiều dự án tuy được đánh giá là tiềm năng nhưng khả năng phát triển trong thực tiễn lại rất ít, nhất là khi các bạn sinh viên làm chủ dự án tốt nghiệp ra trường. Đối mặt với những áp lực và cạnh tranh từ xã hội, nhiều người không còn đủ nhiệt huyết để tiếp tục theo đuổi dự án. Điều này đang đặt ra yêu cầu về những cầu nối thực chất, hiệu quả để đưa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp gần hơn với nguồn vốn đầu tư, cơ hội nâng cao kỹ năng trước khi bước ra thị trường đầy sóng gió hiện nay.