An toàn, chất lượng học bán trú

07:12, 02/12/2022
Bảo đảm an toàn về sức khỏe, đồng thời nâng cao chất lượng bữa ăn, giấc ngủ của học sinh tiểu học là bài toán không dễ ở mọi cơ sở giáo dục. Bất chợt đâu đó xảy ra vụ ngộ độc tập thể trong bữa ăn của học sinh khiến phụ huynh lại càng lo lắng. 
 
Bữa ăn tại Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, Đà Lạt
Bữa ăn tại Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, Đà Lạt
 
VẪN CÒN NHỮNG BẤT CẬP 
 
Đầu năm học 2022 - 2023, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Lâm Đồng Trần Đức Lợi ký Công văn 1938 về việc “đảm bảo chất lượng tổ chức dạy học 2 buổi/ngày tại các cơ sở giáo dục tiểu học”; trong đó việc tổ chức bán trú “nhằm đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của Nhân dân, từ đó tạo điều kiện tốt nhất để đảm bảo sức khỏe, sự phát triển thể lực, tầm vóc, trí tuệ, giáo dục kĩ năng sống và có thời gian cho học sinh nghỉ ngơi, vui chơi tại trường, góp phần giáo dục toàn diện học sinh”. Ông Lợi đề nghị “các cơ sở giáo dục có tổ chức bán trú phải xây dựng kế hoạch với nội dung, hình thức phù hợp điều kiện thực tế, trên cơ sở thống nhất, tự nguyện của học sinh, cha mẹ học sinh, thông qua hoạt động bán trú góp phần rèn luyện học sinh về kĩ năng sống, đạo đức, tính kỷ luật, tự phục vụ, trách nhiệm, chia sẻ, yêu thương; việc tổ chức ăn trưa bán trú phải bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, bảo đảm dinh dưỡng, sức khỏe cho học sinh”.
 
Khó khăn đối với tổ chức dạy học 2 buổi/ngày và bán trú tại một số cơ sở giáo dục tiểu học tồn tại nhiều năm nay và vẫn là bài toán chưa có đáp án, nhất là ở Đà Lạt và một số đô thị, đó là không đủ diện tích đất để xây dựng thêm các phòng học, phòng chức năng, bếp ăn, chỗ nghỉ cho học sinh nhằm đảm bảo lộ trình 100% học sinh được học 2 buổi/ngày và tổ chức bán trú. Dẫn chứng như Trường Tiểu học Phan Như Thạch, Đà Lạt mặc dù đưa vào bán trú từ năm học 2022 - 2023 này nhưng còn bất cập như phòng ngủ cô và trò phải kê bàn sau giờ học để sử dụng, phòng ăn tổ chức ngoài sân trường. Ghi nhận sự cố gắng của cô và trò nhưng thực sự là vất vả. Một số cha mẹ học sinh chia sẻ với chúng tôi rằng, hết buổi học đành phải đến trường đón con về và chiều lại chở con tới học buổi 2 để đảm bảo sức khỏe cho con. Một số trường học còn thiếu các phòng học bộ môn, phòng giáo dục thể chất, giáo dục nghệ thuật, nhà đa năng, hệ thống sân chơi, bãi tập theo quy định của Thông tư 13/2020 của Bộ GDĐT. Một số phòng học xây dựng lâu năm diện tích phòng học không hợp lý nên tổ chức các hoạt động dạy học hạn chế. Một số trường ở thành phố có sĩ số học sinh/lớp vượt quá quy định đã ảnh hưởng rất nhiều đến triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, đặc biệt là lớp 1. Vấn đề trường học ở Đà Lạt quá tải tồn tại đã lâu, nhưng đến nay này vẫn chưa khắc phục được, thậm chí càng quá tải ở một số trường học. 
 
ĐIỂN HÌNH VỀ CHẤT LƯỢNG BÁN TRÚ 
 
Tăng cường cơ sở vật chất đáp ứng thực hiện Chương trình GDPT và chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng đẩy mạnh phân cấp quản lý, tăng cường quyền tự chủ của nhà trường trong việc thực hiện kế hoạch giáo dục đi đôi với việc nâng cao năng lực quản trị nhà trường, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục là những nhiệm vụ và cũng là giải pháp trọng tâm. Tại Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, Đà Lạt, với kinh nghiệm 30 năm của trường thực nghiệm, nhiều năm nay tổ chức 2 buổi/ngày và bán trú, đây là cơ sở giáo dục tiểu học hiện triển khai rất hiệu quả, có chất lượng. Chúng tôi đến trường này nhiều lần bởi đây là địa điểm tổ chức các hội nghị chuyên đề, tập huấn của ngành Giáo dục tiểu học toàn tỉnh. Dẫn chúng tôi tham quan nhà bếp, phòng ăn và phòng ngủ của học sinh..., Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Văn Nam cho biết: Hiện nhà trường có tổng số 1.400 học sinh trong đó bán trú 1.265 em, đạt tỷ lệ 94%. Tại 3 khu vực phòng ngủ đều có giường và đủ ánh sáng và thoáng khí; gần 500 m2 phục vụ chế biến thực phẩm và đặt bàn ăn cho học sinh đều trong nhà xây kiên cố, thông thoáng, khoa học và an toàn... Hàng ngày, 35 giáo viên chủ nhiệm dẫn học sinh đến phòng ăn, ký xác nhận với nhà bếp (gồm 10 người đảm nhận), xúc cơm, lấy thức ăn cho học sinh, các em tự lấy ghế cho mình ngồi trật tự theo từng lớp... Tổng số người phục vụ và điều hành bữa ăn học sinh bán trú 60 người. Hiện Trường Tiểu học Lê Quý Đôn có tổng diện tích trên 9.600 m 2, 35 phòng học chủ nhiệm, 6 phòng học bộ môn tiếng Anh, tiếng Pháp, Âm nhạc... Bài học thành công theo thầy giáo Nguyễn Văn Nam là nhà trường cần tham mưu cho cơ quan chức năng đảm bảo định biên đủ giáo viên theo quy định, đồng thời thường xuyên nâng cao năng lực về chuyên môn của đội ngũ bằng nhiều hình thức hoạt động. Cùng với đó cán bộ, giáo viên, nhân viên nêu cao trách nhiệm và tình thương đối với học sinh, chủ động, sáng tạo lồng ghép các chương trình giáo dục và nhà trường biết phát huy hiệu quả cơ sở vật chất...
 
Kết thúc bài viết này cần thiết nêu lại vấn đề an toàn thực phẩm của học sinh nói chung. Cùng Luật An toàn thực phẩm, các Nghị định của Chính phủ, Bộ GDĐT và Bộ Y tế ban hành nhiều văn bản chỉ đạo như các Thông tư liên tịch 8/2008 và 13/2016... Mới nhất, ngày 21/11/2022, Bộ GDĐT ban hành Công văn 6141 về tăng cường chỉ đạo công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục gửi đến UBND các tỉnh, thành phố. Với Lâm Đồng, Sở GDĐT ban hành Công văn 1687 ngày 12/8/2022 về việc phối hợp tổ chức tập huấn an toàn thực phẩm năm 2022 gửi các Phòng GDĐT; Sở Y tế ban hành Công văn 3159 ngày 23/11/2022 về tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm tại các cơ sở trường học có tổ chức bếp ăn tập thể gửi Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, Phòng Y tế và Trung tâm Y tế các huyện, thành phố. 
 
MINH ĐẠO