Đó chính là sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với Nhân dân

06:06, 23/06/2020

Đạ Huoai là huyện có sự đổi thay căn bản từ cuộc cách mạng "giảm nghèo", không chỉ thể hiện qua diện mạo của huyện cửa ngõ phía Nam tỉnh Lâm Đồng;...

Đạ Huoai là huyện có sự đổi thay căn bản từ cuộc cách mạng “giảm nghèo”, không chỉ thể hiện qua diện mạo của huyện cửa ngõ phía Nam tỉnh Lâm Đồng; mà đến tận các vùng nông thôn xa xôi với các con số đầy ấn tượng. Để có được kết quả đó, theo đồng chí Nguyễn Quý Mỵ - Bí thư Huyện ủy Đạ Huoai, địa phương đã thực hiện những giải pháp thiết thực để hỗ trợ người dân giảm nghèo hiệu quả, đó chính là sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với Nhân dân...
 
Lãnh đạo UBND xã Đoàn Kết (trái) khảo sát hệ thống nước tưới tự động trong vườn hộ gia đình ông K’Cúc ở Thôn 2, xã Đoàn Kết
Lãnh đạo UBND xã Đoàn Kết (trái) khảo sát hệ thống nước tưới tự động trong vườn hộ gia đình ông K’Cúc ở Thôn 2, xã Đoàn Kết
 
Huyện Đạ Huoai trước kia có 3 xã nghèo thuộc diện 30a là Phước Lộc, Đạ Ploa và xã Đoàn Kết, với tổng số hộ nghèo tại các xã này lên đến 1.307 hộ, chiếm tỷ lệ 73,5% tổng số hộ dân; trong đó hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số là 931 hộ, chiếm tỷ lệ 79,5%. Giảm nghèo nhanh và phải bền vững là mục tiêu huyện Đạ Huoai đặt ra và tổ chức thực hiện một cách đồng bộ, kịp thời, hiệu quả đến tận cơ sở cùng với sự đồng thuận vào cuộc tích cực của người dân thông qua các chương trình, dự án, chính sách đầu tư và hỗ trợ chuyển đổi giống cây trồng có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, ca cao, cao su… 
 
Giai đoạn 2000-2005, bình quân mỗi năm các xã Phước Lộc, Đạ Ploa và Đoàn Kết có gần 245 hộ thoát nghèo, đạt tỷ lệ giảm nghèo bình quân 13,27%/năm. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện Đạ Huoai còn dưới 0,9%, giảm 4,3% so với năm 2015; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn dưới 2,7%; thu nhập bình quân đầu người đạt 43,5 triệu đồng/năm; trong đó, thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn đạt 43,6 triệu đồng/năm; giá trị sản xuất bình quân trên một đơn vị diện tích đạt 83 triệu đồng/ha/năm - tăng 47,5 triệu đồng so với năm 2015. Nhiều nơi, có sự thay đổi một cách toàn diện và sâu sắc, đặc biệt như ở xã Phước Lộc, năm 2003, có gần 100% hộ nghèo, thì nay đa số có mức sống khá và giàu. Chỉ số trung bình của toàn huyện là 70% số hộ có mức sống khá và giàu, 30% có mức sống trung bình và nghèo (89 hộ nghèo).
 
Như nhiều hộ gia đình khác, gia đình ông Nguyễn Văn Châu (ở thôn Phước Trung, xã Phước Lộc) định cư ở Đạ Huoai tròn 20 năm. Nhưng, 10 năm đầu đói khổ, vất vả vì thất bại liên tục với các loại cây trồng như cà phê, tiêu, điều, nhãn, cam, quýt, bưởi… Chỉ đến khi cây sầu riêng trụ được cũng là lúc cuộc sống gia đình ông bớt khó khăn và sung túc dần lên. 5 năm trở lại đây, giá sầu riêng ổn định ở mức cao cùng với việc UBND huyện Đạ Huoai đăng ký thành công thương hiệu tập thể “Sầu riêng Đạ Huoai” và đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận ngày 20/6/2016, tạo bước đột phá mới cho cây sầu riêng và làm thay đổi mạnh mẽ đời sống người dân tại các xã nghèo của huyện. Những ngày này, vùng đất Hà Lâm, Phước Lộc, Đạ Ploa, Đạ Oai... tràn ngập sầu siêng, dù không được mùa và giá không cao bằng năm trước, nhưng dường như không hề bị ảnh hưởng bởi sự đứt đoạn giao thương do COVID-19.
 
Không chỉ thoát nghèo từ sầu riêng, trong giai đoạn 2016-2020, với nhiều giải pháp đồng bộ, Đạ Huoai đã thực hiện lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập và giải quyết các thiếu hụt về dịch vụ xã hội. Từ cuộc “cách mạng” giảm nghèo, nhiều mô hình kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát huy tốt như trồng chè dưới tán điều, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi… như hộ ông Hải, ông Phố (Đạ Ploa), ông K’Cúc (Đoàn Kết)…; xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chè, sầu riêng, điều… Cùng với giảm nghèo, các vấn đề quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, xây dựng đời sống văn hóa mới cũng được chú trọng, như thu gom rác thải tập trung, tang ma, cưới hỏi…
 
Đặc biệt, trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, với các chính sách về hỗ trợ phát triển sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt, các chương trình khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật, phát triển nghề tiểu thủ công nghiệp, giao khoán quản lý bảo vệ rừng… được ưu tiên đầu tư, thực hiện. Cụ thể, như việc sắp xếp dân cư buôn B’trôh tại Tổ dân phố 8, thị trấn Đạ M’ri, hoặc kế hoạch bố trí tái định cư cho một số hộ dân thường xuyên bị ngập lụt tại Thôn 8, xã Mađaguôi; hỗ trợ giống bắp, lúa và chè để bà con luân canh, xen vụ; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề tiểu thủ công nghiệp và đưa nguyên liệu cho bà con dân tộc thiểu số đan gia công, tăng thu nhập; hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn của NHCSXH để phát triển sản xuất, cải thiện đời sống…
 
Đồng chí Nguyễn Quý Mỵ - Bí thư Huyện ủy Đạ Huoai đúc kết những kinh nghiệm tâm đắc: Muốn xóa nghèo phải đóng vai như bác sĩ, coi hộ nghèo như bệnh nhân, bắt mạch, kê đơn và điều chỉnh sao cho họ khỏi bệnh. Do đó, phải đến từng nhà, tìm hiểu hoàn cảnh, năng lực rồi giúp đỡ, hỗ trợ; nhưng phải giám sát tốt… Như vậy, những chính sách hỗ trợ người dân mới phát huy hiệu quả, họ vươn lên thoát nghèo tốt. Đó chính là sự gắn bó máu thịt, sự kết giao giữa Đảng, chính quyền và Nhân dân trong xóa đói giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới; đồng thời, phát huy được tính hiệu quả, hiệu lực trong chỉ đạo, quản lý điều hành của Đảng bộ và chính quyền… 
 
LÊ HOA