Tp Đà Lạt: Nhiều trường học thiếu sân chơi cho học sinh

05:05, 20/05/2020

Diện tích nhỏ hẹp, số lượng học sinh đông, nhiều trường học trên địa bàn TP Đà Lạt hiện đang rơi vào cảnh không đủ sân chơi, bãi tập cho học sinh...

Diện tích nhỏ hẹp, số lượng học sinh đông, nhiều trường học trên địa bàn TP Đà Lạt hiện đang rơi vào cảnh không đủ sân chơi, bãi tập cho học sinh. Do vậy, công tác dạy và học cũng như các sinh hoạt, vận động của thầy và trò trong nhiều nhà trường bị hạn chế.
 
Nhiều trường học tại TP Đà Lạt hiện đang thiếu trầm trọng khuôn viên, sân chơi dành cho học sinh.
Nhiều trường học tại TP Đà Lạt hiện đang thiếu trầm trọng khuôn viên, sân chơi dành cho học sinh.
 
Khuôn viên, sân chơi chật hẹp
 
Chúng tôi đến Trường THCS -THPT Chi Lăng (Phường 9, TP Đà Lạt) vào những ngày giữa tháng 5, khi học sinh toàn trường đi học trở lại sau kỳ nghỉ dài bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19. Thầy Đào Quang Hưng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học 2019 - 2020, Trường THCS-THPT Chi Lăng có 1.744 học sinh, trong đó học sinh khối THCS là 977 em, phân chia thành 24 lớp; khối học sinh THPT có 767 em, phân chia thành 21 lớp. Trường có 45 lớp với khoảng 30 phòng học, trung bình mỗi lớp học có 39 học sinh/phòng 42 m 2. Trường chật, sân chơi, bãi tập cho học sinh không bảo đảm đang là thực trạng tồn tại nhiều năm qua ở ngôi trường này. 
 
Dẫn chúng tôi đi thăm khuôn viên trường, thầy Hưng chia sẻ, trường Chi Lăng chỉ có diện tích khuôn viên khoảng 3.500 m 2, trong đó tính cả phần diện tích dành cho cây xanh, sân chơi, bãi tập chỉ hơn 1.000 m 2. Diện tích nhỏ hẹp, nhà trường lại tiếp nhận một số lượng lớn học sinh trên địa bàn Phường 9, 10, 11, 12 mỗi năm. Hơn nữa, năm học vừa qua, nhà trường được đầu tư xây mới một dãy phòng học thực hành lại càng khiến cho phần sân chơi cho học sinh vốn không thể mở rộng thêm, nay lại càng chật chội. 
 
“Không có sân chơi, giờ ra chơi đa số các em học sinh ngồi giải lao ngay tại bàn học. Một số ít học sinh tận dụng các dãy hành lang để chơi đùa, chạy nhảy. Khó khăn nhất là các giáo viên giảng dạy bộ môn giáo dục thể chất, các thầy cô thậm chí phải cắt bớt trò chơi vận động mạnh như: Bóng chuyền, bóng đá, bóng rổ, điền kinh thay thế bằng các môn cờ, đòi hỏi ít vận động hơn. Đặc biệt, việc tổ chức những giờ ngoại khóa để giảm bớt áp lực học tập, nhà trường cũng không thể thực hiện được vì sân chơi quá chật hẹp” - thầy Hưng nói. 
 
Còn tại Trường Tiểu học Đa Thiện ở Phường 8, một trong số ít ngôi trường có khuôn viên, sân chơi rộng lớn, đáp ứng được nhu cầu vận động của học sinh. Cô Mai Thị Thủy - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, toàn trường hiện có 831 em học sinh, phân chia thành 19 lớp với 27 phòng học, phòng chức năng. Tuy các lớp vẫn duy trì sĩ số trung bình trên 40 học sinh/lớp, nhưng với phòng học rộng rãi, bàn ghế được đầu tư, bố trí đồng bộ nên hoạt động dạy và học của thầy và trò nhà trường vẫn luôn được đảm bảo. 
 
Đặc biệt, với khuôn viên nhà trường rộng 7.761 m2, trung bình mỗi em học sinh có khuôn viên sinh hoạt rộng tới hơn 9,2 m 2. Bên cạnh đó, nhà trường hiện có tới 3 sân chơi cho học sinh, gồm: 1 sân chơi chính, 1 sân bóng đá, 1 sân chơi phụ với tổng diện tích trên 4.000 m 2
 
Theo cô Thủy, so với các trường học khác trên địa bàn TP Đà Lạt, Trường Tiểu học Đa Thiện có thuận lợi là diện tích khuôn viên lớn, đặc biệt là không gian vui chơi cho học sinh. “Việc nhà trường có nhiều sân chơi không chỉ giúp các em học sinh phát triển thể chất mà còn là nơi để học sinh giao lưu, chia sẻ với nhau về mọi vấn đề trong cuộc sống. Thiếu sân chơi sẽ không đáp ứng yêu cầu chuyển đổi trạng thái từ hoạt động trí óc sang hoạt động thể chất làm cơ bắp của các em phát triển. Hoạt động vui chơi là để cho mỗi em có cơ hội được thể hiện năng lực riêng của mình” - cô Thủy cho hay. 
 
Theo ghi nhận, do tình trạng thiếu đất, không ít ngôi trường ở TP Đà Lạt hiện nay chỉ dành một khoảng nhỏ để làm sân tập môn giáo dục thể chất, sân vui chơi cho học sinh. Cũng không ít trường còn tình trạng “chia năm xẻ bảy” sân trường để làm bãi giữ xe, hàng quán ăn nhanh…
 
Nhiều trường chưa đạt chuẩn
 
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, nhà trường cần có sân chơi, sân tập và cây xanh. Diện tích trồng cây xanh bảo đảm 20-40%, diện tích làm sân chơi, sân tập 40-50% so với tổng diện tích của nhà trường. Tuy nhiên, hiện không ít trường học tại TP Đà Lạt chưa đạt được tiêu chí này, thậm chí một số trường có sân chơi chỉ đạt 10-20% diện tích nhà trường.
 
Ông Trần Đức Minh - Trưởng phòng GD-ĐT TP Đà Lạt cho biết, hiện nhiều trường học trên địa bàn TP Đà Lạt đang thiếu mặt bằng để mở rộng phòng học, xây dựng khuôn viên vui chơi cho học sinh. Điều này đã gây không ít khó khăn cho công tác dạy và học của nhiều trường, khiến ban giám hiệu các trường loay hoay tìm cách khắc phục như: Trường TH Phan Như Thạch, Hùng Vương, Đoàn Kết, Lý Thường Kiệt, Trường THCS Nguyễn Du, Tây Sơn…
 
Theo ông Minh, trong khi việc đầu tư xây dựng mới trường lớp còn chưa đáp ứng đủ nhu cầu phòng ốc học tập thì để có sân chơi đạt chuẩn là rất khó khăn. Do vậy, cần phải có quy hoạch tăng quỹ đất dành cho việc xây dựng mới trường học để giãn số học sinh ở các trường hiện nay, tăng thêm diện tích dành cho sân chơi, bãi tập.
 
Theo quy định, diện tích mặt bằng xây dựng trường được xác định trên cơ sở số lớp, số học sinh và đặc điểm vùng miền với bình quân tối thiểu 10m2 cho một học sinh đối với khu vực nông thôn, miền núi; 6 m2 cho một học sinh đối với khu vực thành phố, thị xã. Đối với trường học 2 buổi trong ngày được tăng thêm diện tích để phục vụ các hoạt động giáo dục toàn diện. 
 
Theo khảo sát thống kê của Phòng GD-ĐT TP Đà Lạt tại 49 trường mầm non, tiểu học, THCS trong hệ thống công lập, số trường học có đủ điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất, trong đó có tiêu chí sân chơi phải đạt 6 m 2/học sinh mới chỉ đạt 80%. Còn nếu xét theo tiêu chí sân chơi đạt 40% đến 50% diện tích thì ở cả ba cấp học, số trường đạt được chỉ đếm trên đầu ngón tay. 
 
Ngay cả trường học được xem có khuôn viên rộng, cơ sở vật chất khang trang như Trường Trung học cơ sở Phan Chu Trinh cũng đang có hơn 2.000 học sinh với 46 lớp học, trung bình mỗi lớp học có từ 44 đến 52 học sinh. Như vậy quy định về số lớp chưa được đảm bảo. Do vậy, để tăng thêm diện tích dành cho làm sân chơi, bãi tập cho học sinh, nhiều đơn vị nhà trường phải thiết kế những khu vực hành lang thành nơi chơi cho trẻ. Các khu vực bồn hoa được cũng được thiết kế san sát nhau để có thêm khoảng không gian cho sân chơi.
 
Theo lãnh đạo của nhiều trường học tại TP Đà Lạt, con số 40-50% diện tích sân chơi, sân tập là cái đích quá xa đối với các trường, nhất là những trường thuộc khối tiểu học, mầm non. Mặc dù, hàng năm TP Đà Lạt đều có kế hoạch bổ sung, xây mới trường lớp nhưng số học sinh trong độ tuổi ra lớp ở một số địa bàn tăng nhanh, gây áp lực căng thẳng về chỗ học vào đầu năm học mới. 
 
Theo thống kê của Phòng GD-ĐT TP Đà Lạt, số trẻ độ tuổi tiểu học ở thành phố hằng năm tăng vào gần 1.000 em. Nếu còn có thể mở rộng diện tích, các trường đều phải ưu tiên tăng phòng học để giãn sĩ số học sinh/lớp và đầu tư bổ sung phòng thí nghiệm, thực hành. Việc tăng quỹ đất cho sân chơi, bãi tập chỉ thực hiện được nếu triển khai việc xây dựng trường ở địa điểm khác.
 
NGÂN GIANG