Những bài học từ ''Trò chuyện với môn sinh''

02:12, 31/12/2022
(LĐ online) - Võ Sư Nguyễn Văn Dũng là người sáng lập Nghĩa Dũng Karate-Do. Trong giới võ thuật Thầy là một trong những người viết nhiều sách nhất. Từ những cuốn sách chuyên môn đã trở thành tài liệu tham khảo, giáo trình kinh điển, gối đầu giường của bao thế hệ võ sinh như: “Karate - kỹ thuật căn bản” (Nhà xuất bản (Nxb.) Thể dục Thể thao, 1986); “Karate - những bài quyền từ đai trắng đến đai đen” (Nxb. Thuận Hoá, Huế - 1991), “Karate - tự vệ chiến đấu” (Nxb. Thể dục Thể thao, 1991); “Karate – bài quyền cao đẳng” (Sở Văn hóa TT-Huế, 1993); “Karate - song đấu tự do” (Nxb. Thuận Hoá, Huế - 1996); “Karate - bài quyền đặc dị” (Nxb. Thuận Hóa, 2007)…; đến những tác phẩm ký, tuỳ bút của Thầy khi đi thăm những đạo đường của học trò trên khắp thế giới; những danh lam thắng cảnh đi qua đều được Thầy chiêm nghiệm và để lại những tuyệt bút như “Linh Sơn mây trắng” (Nxb. Thuận Hóa, 2006), “Đi tìm ngọn núi thiêng” (Nxb. Thuận Hóa, 2012), “Lời tự tình của một dòng sông” (Nxb. Thuận Hóa, 2013), “Tâm thức núi” (Nxb. Thuận Hóa, 2015)… và đặc biệt bộ sách: “Trò chuyện với môn sinh”, từ năm 2014 đến nay Thầy đã cho xuất bản 4 tập, với những câu chuyện đúc kết cả một đời của một đại võ sư gắn bó tâm huyết với sự nghiệp giáo dục - cả văn hoá và võ thuật. 
 
 
Khi đọc tập 4 “Trò chuyện với môn sinh” (Nxb. Thuận Hoá, 2021), người đọc sẽ cảm nhận được một cuộc sống tươi đẹp có biết bao bài học “với mình”, “với người”, “với gia đình”, với “trường học”, với “xã hội”, và với “thế giới quanh ta”… thậm chí có những bài học thật giản dị thường ngày. Như bài học về đối nhân xử thế, niềm vui khi chúng ta “cúi xuống nhặt cái rác trên đường, nhường ai đó một bước chân, và luôn với nụ cười thân thiện trên môi”. Bài học về lòng biết ơn “với mảnh đất mình sinh ra, biết ơn công sinh thành dưỡng dục của bố mẹ, ơn thầy ơn bạn…”. Bài học về sự học, một đời vẫn “học ăn học nói”. Bài học về sự nhìn lại mình: “Theo tôi, ai không thấy được mình thì không thấy được người, không thấy được đời, không thấy chi cả”. Bài học về sự đúng hẹn, về chữ tín. Bài học về “hầu hạ bạn”, lời trò chuyện tâm tình: “Ngoài cha mẹ, vợ con, bạn bè là thứ tài sản vô giá phải được trân trọng, tôn trọng, ân cần, chăm chút, và giữ gìn. Đó là kinh nghiệm của thầy, là tư tưởng của thầy, cũng là nét văn hoá của Nghĩa Dũng Karate. Qua đó Thầy rất mong các thế hệ môn sinh tiếp nhận và vận dụng trong cuộc sống. “Nói vận dụng bởi còn tuỳ lúc, tuỳ nơi, tuỳ người; đặc biệt khi chưa thấy mình đủ cao thì không được cúi”. Người đọc còn nhận được bài học về sự khiêm tốn; bài học về học vấn, về làm thầy. 
 
Trong những cuộc “trò chuyện với môn sinh” của Thầy, người đọc có thể thấy được rất nhiều hình ảnh, nhiều tầng lớp người trong xã hội, nhất là những thế hệ môn sinh, từ những võ sinh nhập môn tuổi nhi đồng đến những “lão võ sinh” Karate-Do nhập môn ở tuổi 67. 
 
Đặc biệt rất nhiều lần, trực tiếp cũng như gián tiếp qua những bài viết của Thầy, và giờ qua sách này, điều hàng đầu Thầy luôn nhắc nhở các võ sinh là sự đúng giờ. Cách giảng giải về sự đúng giờ của Thầy cũng thật đặc biệt: “Trước hết, đúng giờ nghĩa là không muộn. Hẹn 8 giờ mà 8 giờ 10’ mới đến, thế nghĩa là muộn, thế nghĩa là không đúng giờ. Không đúng giờ còn có nghĩa là sớm, là trước giờ. Hẹn 9 giờ nhưng mới 7 giờ 30’ đã có mặt, thế nghĩa là sớm trước hẹn, thế cũng có nghĩa là không đúng giờ. Trường hợp đầu gây trở ngại cho công việc. Trường hợp sau gây khó khăn cho người tiếp mình. Nhưng dù trường hợp nào thì đó cũng là một thói xấu cần phải sửa, đặc biệt trong thời đại giao lưu hội nhập. 
 
Với xã hội văn minh hiện đại, không đúng giờ vừa thể hiện tính cách lạc hậu và tuỳ tiện; vừa thể hiện nhân cách không biết tôn trọng và tự trọng; lại vừa vừa tự giới thiệu là một đầu óc tầm thường. Nói cách khác, với xã hội văn minh hiện đại, người không đúng giờ là loại người chẳng ra gì”.
 
Cùng với câu chuyện đúng giờ là câu chuyện về “Không xả rác”. Thầy từng dạy: “khi ta cúi xuống nhặt cọng rác trên đường ấy là lúc ta tẩy rửa thói vô cảm, vô tâm, vô trách nhiệm trong đầu. Bởi thế, không xả rác và nhặt rác là một nét đẹp văn hoá của môn sinh Nghĩa Dũng Karate-Do...”. Và, câu chuyện đó đã trở thành tầm văn hoá. “Đó là cung cách của người có văn hoá: Có rác thì tìm thùng rác để bỏ vào, không có thùng rác thì bỏ vào túi ni lông; với các loại rác nhỏ như vỏ kẹo, nắp viết, nắp chai... thì bỏ vào túi quần, đợi khi nào có thùng rác hẳn bỏ vào. Người có văn hoá thấy rác trên đường thì nhặt đem bỏ vào thùng rác(...) Rõ ràng, chỉ những người vô học, vô văn hoá, vô cảm, vô tâm, vô trách nhiệm mới xả rác bừa bãi. Cho nên để trở thành người có học, có văn hoá, có tâm hồn cao đẹp thì phải tập cho được thói quen không xả rác”.
 
 
Một trong những giá trị của Nghĩa Dũng Karate-Do mà tôi – người viết bài này - học được từ lời “trò chuyện với môn sinh” của Thầy là tinh thần, hay “nguyên tắc hoa anh đào” – cùng nở cùng tàn; cùng đi, cùng chiến đấu, cùng trở về hoặc cùng chết, chứ không làm gì có chuyện bỏ bạn giữa đường...
 
Giữa minh triết cuộc đời và những tục luỵ, trân trọng những ước mơ của Thầy: “mơ làm sao góp phần nhỏ giúp lớp trẻ thoát khỏi vòng xoáy vô cảm, vô tâm, vô trách nhiệm, thích bạo lực và ước mơ – nếu có quyền ước mơ nữa, mơ là người ai cũng có tình yêu và lòng bao dung, để nhân loại được sống trong hoà bình và an lạc”.
 
Qua “Trò chuyện với môn sinh” người đọc còn nhận được quan điểm của Thầy về “vũ và văn”, về tinh thần Karateka. Đại dịch Covid-19 để lại bao đau thương, đảo lộn cả thế giới, nhưng với tinh thần Nghĩa Dũng Karate-Do theo như lời dạy của Thầy, thay vì “buồn quá không biết làm gì, hết ăn đến ngủ hết ngủ đến ăn, lên phây đấu láo bạn bè... chán ơi là chán...” thì “buổi sáng, buổi chiều thay vì đến trường, nay em dành để tập trung đọc sách, học tiếng Anh; ôn luyện kỹ thuật căn bản, đi quyền và rèn mấy chiêu tự vệ chiến đấu”. Có như thế, mới là “Hoạn nạn là vực thẳm của kẻ yếu đuối nhưng là nấc thang của bậc anh tài”.
 
Không chỉ có những bài học với mình, với người mà còn có những bài học về gia đình. Từ những câu chuyện thường ngày, tưởng rất nhỏ nhặt, giản dị, nhưng Thầy đã đúc rút thành những triết lý thấm sâu. Thầy nhấn mạnh đến sự quan tâm, đến tình yêu thương giữa các thành viên trong gia đình. Kể cả trong đời sống vợ chồng, “những ai cho rằng chỉ mình là đúng, và họ không chấp nhận ai kia khác họ, thường là đi đến kết thúc đứt gánh giữa đường. Nhưng những ai cho rằng con người là sự khác biệt – thiên hướng, tính cách, sở thích..., và họ chấp nhận sự khác biệt, chấp nhận sự khác biệt của nhau, cả đôi khi còn phải chịu đựng nhau, thì rồi ra họ sống được bên nhau cho đến trọn đời”.
 
Với Ba - Mẹ, Thầy là một tấm gương hiếu thảo và để cho người đọc bài học nhiều ý nghĩa. Chuyện về “Ba tôi” thật cảm động, dù mồ côi Ba từ sớm, nhưng những câu chuyện, những hình ảnh thân thương trong những lời kể của Mẹ đã để lại trong Thầy những dấu ấn sâu sắc. Lời kết của câu chuyện chính là một bài học lớn cho tôi và cho người đọc: “Tôi không có duyên đến với Chúa, không có duyên đến với Phật, nên ba mẹ trở thành chỗ dựa tinh thần vững chắc cho tôi trên bước đường đời. Vâng, chính nhờ thế mà trên bước đường đời, tôi luôn thấy như có ba có mẹ bên mình”. 
 
Và, về gia đình, Thầy đặc biệt nhấn mạnh đến Tủ sách gia đình: “Sách cung cấp cho ta kho tri thức vô tận. Sách dạy cho ta tư tưởng. Sách dạy cho ta cách sống. Sách dạy cho ta yêu thương và độ lượng. Sách giúp ta nâng cao chất lượng cuộc sống. Sách là nấc thang đưa ta đến thành công... Tóm lại, sách là người thầy vĩ đại, sách cho ta đôi cánh bay đến những chân trời”. Lời dạy không mới nhưng luôn có giá trị cho đến muôn đời. Để những gia đình tạo nên những truyền thống văn hoá, gia đình là hạt nhân, từ gia đình mới ra xã hội...
 
Thế đấy, từ những câu chuyện thường ngày, những suy ngẫm “với mình”, “với người”, “với gia đình”, “với trường học”, “với xã hội” và “thế giới quanh ta”, Thầy “trò chuyện với môn sinh” những câu chuyện giản dị nhưng để lại những bài học ý nghĩa. Ở tuổi 80, qua những lịch duyệt cuộc đời, những trải nghiệm phong phú, thì những lời trò chuyện của Thầy càng có ý nghĩa, càng trân quý đối với các thế hệ môn sinh. 
 
NGUYỄN CẢNH CHƯƠNG