Lãng đãng cùng Đà Lạt mộng mơ

05:11, 03/11/2022
Đà Lạt hiện hữu trong lòng du khách với rất nhiều sắc màu lung linh kỳ ảo. Rừng thông, núi đồi, thung lũng, suối, hồ, thác nước... vừa thực vừa mộng. Như nhiều nhạc sĩ khác, Từ Huy cũng xao xuyến trong lòng khi dừng chân ở thành phố cao nguyên này.
 
Nhạc sĩ Từ Huy trong một lần đến Đà Lạt
Nhạc sĩ Từ Huy trong một lần đến Đà Lạt
 
Nhạc sĩ Từ Huy trưởng thành từ một họa sĩ. Anh đã từng học ở Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn, Cao đẳng Mỹ thuật Huế và có nhiều bài thơ in trên các tạp chí Đối diện, Văn... trước năm 1975 ở Sài Gòn. Về sau, Nhà xuất bản Trẻ có xuất bản một tập thơ của anh, lấy tên “Hình như là hình như” với những câu thơ “ Đôi khi nghĩ lại đời mình/ Thấy hình như chỉ là hình như thôi...” và “ Hình như những đĩa dầu hao/ Nên không còn sáng những thao thức dài”...
 
Nhạc sĩ Từ Huy là một nghệ sĩ đa tài. Anh rất có năng khiếu về hội họa và từng làm họa sĩ trình bày cho Báo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh. Một thời gian, anh là Thư ký Tòa soạn Tạp chí “Thế giới Âm nhạc” của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
 
Một lần tại quán cà phê Phố Hoa ở Đà Lạt, vô tình tôi hỏi anh một câu quen thuộc: Anh đến với âm nhạc hay âm nhạc đến với anh từ lúc nào? Anh cười hồn nhiên rồi nói: “Thời sinh viên, mình làm thơ, yêu nhạc, rồi hí hoáy viết, âm nhạc đến với mình lúc nào không biết. Viết nhạc rất amateur thôi mà”. Anh khiêm tốn bảo vậy, nhưng ca khúc của anh lúc nào cũng dễ đi vào lòng người.
 
Nhạc sĩ Từ Huy vốn là người làm thơ, nhưng khi chuyển sang viết ca khúc, anh vẫn có một vị trí đặc biệt trong lòng công chúng, như: Những lời em hát, Mùa xuân tình yêu, Chiều thứ Bảy, Lời yêu thương, Một thoáng quê hương, Mong đợi ngậm ngùi, Ngày em đến...
 
Nhạc sĩ Từ Huy tên đầy đủ là Tạ Từ Huy, sinh ngày 15 tháng 10 năm 1948 tại Điện Bàn, Quảng Nam, là thế hệ nhạc sĩ lớn lên sau năm 1975. Anh là một trong 5 nhạc sĩ trong “Nhóm những người bạn” với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
 
Với Đà Lạt, anh gắn bó rất thân thiết. Năm nào anh cũng lên chơi, có khi một năm cả chục lần. Anh thích một mình đi lang thang lặng lẽ qua từng góc phố, rừng thông... như một chàng lãng tử. Từ xa, bạn bè có thể nhận ra anh với mái tóc dài phủ quá vai, cặp kính trắng tròn. 
 
Đến Đà Lạt nhiều lần, anh nhận ra một thành phố thật quyến rũ. Có lẽ lâu lắm rồi, sau “Ai lên xứ hoa Đào” của Hoàng Nguyên, thì Đà Lạt mới có một bài hát “Đà Lạt mộng mơ” mang nhịp điệu tươi tắn trẻ trung như thế! 
 
Là một nhạc sĩ, họa sĩ, nhà thơ, Từ Huy rất chú trọng đến màu sắc trong ca từ. Ngay từ câu đầu tiên, anh đã phác họa hình ảnh cô gái Đà Lạt gắn liền với những cây trái đặc sản quê hương thật ấn tượng “Ai cho em đôi má hồng đào và đôi môi dâu tươi thắm ngọt ngào”. 
 
Đoạn 1 của bài hát gồm hai câu. Mỗi câu gồm hai tiết, tiết sau mô phỏng tiết trước. Đây là thủ pháp không lạ trong âm nhạc, nhưng ở đây cái lạ lại chính là cái nốt lấy đà tài tình giữa tiết thứ nhất và tiết thứ hai. “Ai cho em đôi má hồng đào và đôi môi dâu tươi thắm ngọt ngào”. 
 
Đoạn hai cũng rất cân đối với đoạn một. Nhạc sĩ Từ Huy phát triển vừa bay bổng, vừa chặt chẽ càng chứng tỏ tay nghề của tác giả. Khi cảm xúc bị dồn nén, tác giả đã phóng bút thành Đà Lạt ơi, Đà Lạt ơi... rất khoáng đạt. Nhưng sau đó, anh lại rất tỉnh táo triển khai tiếp âm hình của đoạn 1 khi anh viết: “Ta nhớ hoài chiều hồ Xuân Hương”, tương đương với “Ai cho em đôi má hồng đào”. Với âm hình đó, anh kéo cho đến hết bài và phần vĩ thanh vang vọng với mấy câu “Đà Lạt ơi...”. Đây là một cách viết rất chuyên nghiệp, vừa tập trung chủ đề cao, không lãng phí nốt nhạc và người nghe thuộc rất nhanh.
 
Cứ mỗi lần đi qua hồ Xuân Hương, lên Thung lũng Tình Yêu, ghé quán cà phê trên đường Nguyễn Chí Thanh, tôi lại nhớ anh. Tôi chưa bao giờ quên hình ảnh anh ngồi trông ra phố chợ thấy hàng cây mai anh đào nở rộ cuối đông, chăm chú nhìn những tà áo học sinh tung bay trong chiều lộng gió của các nữ sinh Đà Lạt mà anh từng gặp. Sự hồn nhiên trong trắng ấy giúp cho anh thả hồn trong từng ca từ dễ thương anh viết về các em. Tôi nhớ những ngày anh tham gia trại sáng tác âm nhạc ở Đà Lạt và những đêm cùng nhạc sĩ Mạnh Đạt cầm đàn guitar hát trong căn phòng yên tĩnh, bên ngoài sương mù dày đặc. Những lần như thế, tôi lại càng nhớ anh - một nhạc sĩ tài hoa mà đoản mệnh.
 
Khi còn sống, nhạc sĩ Từ Huy từng lên tiếng phản đối việc sáng tác chạy theo thị trường, theo đơn đặt hàng của các cơ quan, đơn vị. Anh cho đó là việc không nên làm, vì sáng tác như thế không phải từ sự rung động thực sự của con tim. Thế rồi, anh cũng nhận viết ca khúc theo đơn đặt hàng và anh lý giải “Viết theo đơn đặt hàng để sống và sống để tiếp tục sáng tác những gì là của mình, riêng mình” nhưng với yêu cầu nghiêm ngặt là phải xác định mình viết cái gì, viết cho ai, phục vụ vì cái gì. Nhưng quan trọng hơn cả là phải rung động thực sự, yêu thực sự bằng ngôn ngữ của âm nhạc.
 
Những người yêu âm nhạc từng biết đến những ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Từ Huy: Quê hương tuổi thơ tôi, Đà Lạt mộng mơ, Ngày em đến, Một thoáng quê hương, Hãy đàn lên, Ngày Tết quê em, Mùa xuân tình têu, Mong đợi ngậm ngùi, Tết Tết Tết Tết đến rồi...
 
Trong một bài viết đăng trên Tạp chí Đẹp, nhạc sĩ Từ Huy cho biết: “Tôi có nhiều kỷ niệm về việc viết ca khúc đặt hàng. Năm 1989, cuộc thi Hoa hậu Áo dài Việt Nam lần đầu tiên tổ chức, tôi được mời sáng tác bài hát cho cuộc thi, vậy là “Một thoáng quê hương” ra đời. Cũng khoảng đầu những năm 1990, nhạc sĩ Bảo Phúc từ Đà Lạt về nhờ tôi viết một ca khúc để đoàn nhạc Lâm Đồng tham dự Liên hoan Nhạc nhẹ toàn quốc. Chỉ mấy ngày sau, tôi đưa cho anh bài “Đà Lạt mộng mơ””.
 
Ngày 6 tháng 9 năm 2006, tôi và nhạc sĩ Dương Toàn Thiên gặp nhạc sĩ Từ Huy lần cuối cùng tại Khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng. Hôm sau, anh được chuyển viện về Bệnh viện Chợ Rẫy cho đến khi trái tim anh ngừng đập vào lúc 9 giờ 40 phút ngày 10 tháng 9 năm 2006.
 
Một buổi chiều buồn. Tôi và nhạc sĩ Dương Toàn Thiên ra ngoài hành lang, ai cũng lặng lẽ. Tất cả như bị dồn nén. Ngày nào còn đó, bây giờ nằm đây. Sống chết thoảng như gió qua mành. Còn đâu bóng dáng của một chàng trai xứ Quảng với mái tóc dài phủ vai, mắt kiếng trắng to, khuôn mặt bầu bĩnh hiền hậu, nụ cười luôn nở trên môi… lững thững qua cầu ông Đạo, ngồi ngắm các cô em nữ sinh chạy xe qua phố dưới hàng phượng tím rợp trời; còn đâu những đêm ngồi đánh đàn guitar say mê trong từng giai điệu ngọt ngào say đắm, lãng mạn... có khi hồ hởi, có khi dịu dàng, có khi mơn man tình tứ: “ Ai cho em đôi má hồng đào/ Và đôi môi dâu tươi thắm ngọt ngào/ Để tôi khát khao/ Ai cho em đôi mắt bầu trờ,/ Và tóc mây bay trên vai sườn đồi/ Làm tôi thấy thương hoài/ Ðà Lạt ơi!”. Đêm ấy vĩnh viễn xa rồi, nhạc sĩ Từ Huy ơi!
 
TRẦN NGỌC TRÁC