Ði qua miền nhớ

07:11, 17/11/2022
Đà Lạt những ngày đầu tháng 11, nắng thi thoảng ghé qua rồi lại núp sau những áng mây dày cộm. Mây là đà giăng núi, trong không gian lưng chừng ấy, tôi cùng đồng nghiệp có dịp trở lại Trường Đại học Đà Lạt. Sau khi ra trường gần 15 năm, dịp trở lại trường lần này để lại cho tôi nhiều cảm xúc khó tả. Ngày trở về trường sau những tháng, năm xa cách, miền ký ức trong tôi đã chạm đến những ân tình với bao yêu thương, trân quý đến ngậm ngùi... 
 
Trường Đại học Đà Lạt.
Trường Đại học Đà Lạt
 
Năm 2004, khi nhận được giấy báo trúng tuyển vào Trường Đại học Đà Lạt, tâm trạng tôi chồng chất, ngổn ngang. Vui có, buồn có, hồi hộp đầy rẫy mà lo âu cũng ngập tràn. Tôi không biết nên vui hay buồn nhiều hơn khi cầm giấy trúng tuyển của Trường Đại học Đà Lạt. Vui vì những nỗ lực, phấn đấu dặm dài của tôi đã được đền đáp. Buồn vì yêu ngôi trường này, vì yêu thành phố này mà tôi đã đi chệch định hướng gia đình. Bởi vậy, khi tin tôi đỗ đại học, có người lại nhắc khéo: “Nghe tin em đỗ đại học, nửa tin nửa ngờ, tên lại trùng tên".
 
 Ngày ấy, nhà tôi nghèo lắm, vì là đứa con trai độc nhất của gia đình nên ba mẹ và các chị muốn đứa con trai, đứa em trai của mình có con chữ lận lưng. Vì cái nghèo, cái khốn khó, cái chật vật của gia đình mà ba, mẹ muốn tôi học ở xứ Huế, xứ Quảng cho gần gia đình. Vì nghèo nên ba với mẹ cứ thủ thỉ: “Con nên học ngành Sư phạm cho ba mẹ đỡ tốn tiền"... Vậy mà... 
 
Quảng Trị 15 năm về trước - nơi tôi sinh ra là miền quê còn nhiều khó khăn. Những người đỗ vào đại học là niềm vui, niềm tự hào cho cả gia đình. Vậy mà tôi chưa cảm nhận được niềm vui đó một cách trọn vẹn mặc dù vẫn biết rằng cả gia đình đã kỳ vọng, cố gắng và nỗ lực cho tôi quá nhiều. Có người nói rằng: "Học mà không biết học để làm gì thì tốt nhất là không nên học”. Với tôi, điều này chỉ đúng một nửa. Một nửa đúng là vì ngày ấy ở miền quê Quảng Trị thiếu đi người định hướng cho lớp trẻ như chúng tôi, thiếu đi những ngày hội hướng nghiệp và thiếu lắm sự lan tỏa của công nghệ thông tin để phủ lấy cái nét chân quê, mộc mạc sau lũy tre làng. Còn một nửa chưa lý giải được đó chính là trái tim đã cất lời khi chọn phố núi, chọn Trường Đại học Đà Lạt để "trao thân, gửi phận". Biết làm sao được khi tình cảm đã thắng lý trí. Biết làm sao được khi trong trái tim tôi đã dành cho Đà Lạt, dành cho ngôi trường mang tên DLU một thứ tình cảm rất đổi nồng nàn. 
 
Những ngày đầu đến với Khoa Ngữ văn - Đại học Đà Lạt là cả một trời kỷ niệm. Vui có, buồn có. Tâm trạng ấy cứ đan xen, chồng chéo lên nhau, đôi lúc muốn định nghĩa, định hình nhưng có những lúc nó cứ lơ lửng không thể gọi thành tên. Cái hụt hẫng đầu tiên đó chính là xa gia đình, xa người thân, một cuộc sống “ở riêng” đúng nghĩa và tự lập để vào Đà Lạt học tập với mong muốn cái nghèo không teo con chữ. Điều tiếp theo là không biết học đại học là học cái gì. Nó ngu ngơ đến nổi bản thân tôi đi học nửa tháng mà không biết ghi nội dung gì vào cuốn vở của mình ngoài cái tiêu đề lẻ loi và trống vắng đến lạ lùng. 
 
Đó là những hội trường, những giảng đường rộng thênh thang mang tên Thống Nhất, A8, A27... Đó là những buổi học chung với các môn đại cương, số lượng sinh viên lên đến ba, bốn trăm người. Đó là những con đường ngoằn ngoèo luôn xứng danh "vừa đi đã mỏi", đó là những buổi tan trường lấm lem những kỷ niệm dưới cái lạnh của mùa Noel. Là những ngày chờ đợi ai đó để mà thương, mà quý, để rồi ngại ngùng khi gặp ánh mắt của họ và đó cũng là lúc ta thật sự bối rối vì “nhặt hoa rơi mà không nói nên câu... Nhớ nhau vì đâu...”. 
 
Đến với thành phố hoa, đến với Trường Đại học Đà Lạt, mỗi con phố, mỗi giảng đường, mỗi môn học đều để lại trong tôi bao thương nhớ bâng khuâng. Đó là sự ngỡ ngàng khi lần đầu biết đến khái niệm học theo tín chỉ, đó là sự mơ hồ của bộ môn Triết học do thầy Dung và thầy Quyền giảng dạy, là sự tương đối của môn Logic học, là sự đa dạng trong ngôn ngữ của môn Ngôn ngữ học do thầy Biên phụ trách. Đó là cái nhẹ nhàng rất tâm lý của nhà giáo Hoàng Đức Lâm (nay đã mất), cái chỉn chu, "khắc nghiệt" nhưng rất đổi ân tình đến từ môn Hán học của thầy Châu, cái niềm nở nhưng cũng rất mô phạm đến từ cô giáo Bảo Giang, sự nhiệt huyết trĩu nặng yêu thương của thầy Phạm Hậu Thành... 
 
Còn nhiều và nhiều lắm những kỷ niệm đến từ Đại học Đà Lạt mà ở đây tôi và bạn khó lòng kể hết. Gần 15 năm ra trường - thời gian có thể làm nhàu nhĩ đi nhiều thứ nhưng không phải là tất cả. Miền ký ức về thầy cô, bạn bè và trường lớp có lẽ là chất xúc tác để ta nhớ, ta trở về và trân quý những ân tình.
 
THÀNH NAM