Đôi điều suy nghĩ về chữ ''hiếu'' thời nay

03:11, 22/11/2022
(LĐ online) - Vừa qua, các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về 2 vụ án rúng động cả nước. Vụ thứ nhất xảy ra ở thành phố Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) là con đẻ lấy súng bắn cha ruột trọng thương. Vụ thứ hai xảy ra ở tỉnh Hưng Yên, 3 con gái cùng đổ xăng đốt mẹ đẻ. Cả hai vụ án này đều đã nói lên việc “hiếu hghĩa” trong xã hội ta ngày nay đã và đang có nhiều vấn đề cần phải suy nghĩ.
 
Trong xã hội ta, từ ngàn đời nay “hiếu thảo” với cha mẹ vẫn được xác định là cái gốc để làm người lương thiện. Muốn đánh giá nhân cách của mỗi con người, điều trước tiên là phải nhìn vào sự hiếu hạnh của họ đối với cha mẹ mình. Vì nếu một người mà ngay cả những bậc đã sinh ra, nuôi dưỡng và thương yêu mình, nhưng vẫn không chịu báo đáp, kính trọng thì dù họ có tài giỏi đến đâu, giàu có đến mấy thì cũng đều là những người con không ra gì. Muốn trở thành người tử tế, thì điều đầu tiên cần làm chính là làm tròn chữ “hiếu” với cha mẹ mình. Khi mình trưởng thành, dù có nhà cao cửa rộng, được mọi người ngoài xã hội trọng vọng, sẵn sàng giúp đỡ người nọ người kia… nhưng lại bỏ bê không phụng dưỡng, hiếu nghĩa với bậc sinh thành thì sớm muộn tất cả mọi thứ đó, công đức đó chỉ là sự phù du và giả dối. 
 
Chúng ta không thể tự nhiên sinh ra, lớn lên và trưởng thành, phần lớn đều nhờ vào công ơn nuôi dưỡng và dạy dỗ của cha mẹ. Trong thực tế, không phải cha mẹ nào cũng như nhau, có người giàu sang, phú quý, nhưng cũng có người nghèo túng, mang thân phận thấp kém. Tuy nhiên, dù ở giai tầng nào của xã hội thì người cha, người mẹ nào cũng đều hết sức yêu thương, chiều chuộng con cái, họ đều tận tâm, nỗ lực tìm mọi cách để đem lại những điều tốt đẹp nhất cho con mình. Vì thế, đừng vì sự nghèo nàn của cha mẹ mà quay lưng với họ, và cũng đừng vì cha mẹ giàu có mà đua đòi, phá phách. Tất cả những điều đó đều làm cho những đấng sinh thành sẽ rất đau buồn và day dứt khôn nguôi.
 
Chúng ta cần phải bao dung và hiếu nghĩa với cha mẹ. Bởi lẽ, đối với họ thì chỉ có chúng ta là điểm tựa cuối cùng, nên bất luận cha mẹ là người như thế nào thì con cái đều phải yêu kính họ. Càng vào tuổi xế chiều, cha mẹ ta cũng tựa như chiếc lá vàng trên cành cây, chỉ một làn gió nhẹ cũng có thể lìa cành, ra đi bất cứ lúc nào, nên họ lại càng hay trông ngóng được gặp con cái. Trong xã hội hiện nay, nhiều người con trở nên bất hiếu với cha mẹ mà không biết. Bất hiếu không chỉ là đánh đập, quát mắng hay bỏ bê cha mẹ, mà ngay cả những điều nhỏ nhặt nhất con cái đều không có sự bao dung đối với họ, điều đó thể hiện ở chỗ có những người con hiếm khi để ý xem cha mẹ đang mong muốn gì, mà cứ suốt ngày kêu bận, than mệt, không được nhờ vả gì từ cha mẹ… khiến cho cha mẹ cảm thấy xa cách và phiền muộn. Tất cả đó đều là sự bất hiếu. 
 
“Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ.
Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha”.
Lời dạy bất hủ này của người xưa không hề sai một tý nào.
 
Càng lớn, chúng ta càng thấm thía một cách sâu sắc rằng, chỉ có cha mẹ mới yêu thương ta một cách vô điều kiện, chỉ có nơi nào có cha mẹ thì đó mới được gọi là nhà một cách hoàn hảo. Năm tháng trôi qua, vạn vật rồi sẽ đổi thay, duy chỉ có tình yêu của cha mẹ đối với con cái luôn là vĩnh cửu. Đời người là vô thường, chỉ ngắn ngủi như một cái chớp mắt, và rồi cũng sẽ có ngày cha mẹ rời xa chúng ta. Vì thế khi họ còn ở bên ta, thì ta cần báo đáp công ơn sinh thành dưỡng dục ta nên người. Lòng hiếu thảo với cha mẹ chính là cái gốc để làm người tử tế. Chính cách thức đối xử với cha mẹ sẽ phản ánh bản chất thật của một người con. Người xưa có câu: “Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể. Con nuôi cha mẹ, kể tháng kể ngày”, chỉ đến khi ta đã già, thì lúc đó ta mới có thể hiểu được rằng: mọi việc làm trên đời này đều có nhân quả. Đừng để đến khi nhắm mắt, xuôi tay, ngẫm nghĩ về quá khứ mà phải ngậm ngùi, ân hận.
 
Vì vậy, muốn thành người có ích cho xã hội, đừng bao giờ đánh rơi chữ “hiếu”. Ơn nghĩa sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ cao như trời biển, ta có trả cả đời cũng không bao giờ hết. Đừng lãng phí hay chậm trễ giây phút nào lạnh nhạt với cha mẹ mình. Hãy sớm yêu thương cha mẹ bằng tất cả tấm lòng để không bao giờ phải hối tiếc. Báo hiếu đâu cần làm những việc gì lớn lao, mà quan trọng là làm cho cha mẹ hiểu được tình cảm con cái dành cho họ. Cha mẹ đã suốt đời vì con, làm tất cả vì con nhưng đâu cần nhận lại bất cứ một cái gì, họ chỉ cần con cái quan tâm đến mình thôi là họ đã cảm thấy thỏa mãn lắm rồi.
 
Vì vậy, dù cha mẹ có thế nào đi chăng nữa thì cũng là người đã cho ta có mặt trên cõi đời này, đã chăm sóc và thương ta vô điều kiện, cho dù tình yêu thương đó không được thể hiện bằng lời. Đã là con của cha mẹ thì “hiếu nghĩa” phải được đặt lên hàng đầu. Hãy sống là tấm gương trong sáng cho các con. Đừng nghĩ “hiếu nghĩa” là một điều gì đó cao xa, nó ở ngay trong suy nghĩ và trong từng hành động nhỏ mà chúng ta đối xử với cha mẹ. Tại sao chúng ta có thể sợ làm mất lòng cho bạn bè, đồng nghiệp, sợ họ hiểu lầm, thường xuyên ăn nhậu với họ để tạo được mối quan hệ tốt… nhưng chúng ta sẵn sàng nổi nóng với cha mẹ mình mà không cần xin lỗi, chúng ra rất hiếm khi quan tâm đến họ. Đã bao rồi bạn chưa gặp và trò chuyện với cha mẹ mình? Cũng đã bao lâu rồi bạn chưa ăn bữa cơm với cha mẹ, cùng tâm sự và nói với họ những lời yêu thương. 
 
Trong cuộc đời này, dù bạn là ai và là người như thế nào thì cha mẹ sẽ vẫn là người luôn chở che và yêu thương bạn vô điều kiện. Chân lý đơn giản này, không phải đứa con nào cũng hiểu. Do đó, nếu bạn còn cha mẹ thì không nên chần chừ, hãy thể hiện lòng “hiếu nghĩa” với họ trước khi quá muộn.
 
KIM NGỌC