Đà Lạt - nỗi nhớ khôn nguôi

06:11, 10/11/2022
Tôi gắn bó với Đà Lạt suốt quãng đời sinh viên, từ 1996 - 2000. Ngày ấy, tôi rời Phú Yên đầy nắng gió, gói hành trang là những ước mơ xanh hướng về Đà Lạt. Cha mẹ mừng vui rơi nước mắt, nhắc nhở tôi cố gắng học hành. Mặc dù bốn năm không dài nhưng từ trong sâu thẳm, Đà Lạt như một phần ký ức chẳng phai mờ trong tâm trí của tôi.
 
Hồi đó chưa có con đường nối liền Khánh Hòa với Lâm Đồng. Những chuyến xe đò thô sơ cũ kỹ, lỉnh kỉnh hàng hóa và ken kín người, chạy vào ngã ba Phan Rang, theo Quốc lộ 27 rồi vượt đèo Sông Pha để lên Đà Lạt. Con đường men theo những vách núi dựng đứng, nhiều khúc quanh cánh chỏ rất gấp, dài hơn 18 km, nối liền hai huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) và Đơn Dương (Lâm Đồng). Dẫu có lo lắng nhưng cũng thật thú vị khi lên đèo. Bao nhiêu ngột ngạt nóng bức như rũ bỏ hết ở phía sườn đông thung lũng Ninh Sơn, thay vào đó là khí hậu mát mẻ, trong lành giúp con người cảm thấy khoan khoái, dễ chịu hẳn khi lên cao nguyên LangBiang. Tiếng thở dài, tiếng than vãn nắng nóng mùa hè, tiếng quạt nan phành phạch của hành khách bởi xe xưa chưa có máy lạnh, đã nhường chỗ cho tiếng vi vút của ngàn thông xanh mướt, tiếng gió thổi lá reo, tiếng xạc xào của mưa rơi trên đèo vắng, kể cả tiếng rùng mình kéo nhẹ chiếc áo khoác cao hơn cho kín cổ. Hùng vĩ, hiểm trở nhưng thơ mộng, trữ tình xứng danh với tên gọi khác là đèo Ngoạn Mục. Bao nhiêu lần vượt đèo tôi cứ mơ hồ liên tưởng đến niềm vui sướng như reo lên của vị bác sĩ Alexander Yersin lần đầu tiên phát hiện ra cao nguyên Lâm Viên năm 1893.
 
Sương mai Đà Lạt. Ảnh: Thụy Trang
Sương mai Đà Lạt. Ảnh: Thụy Trang
 
Đối với tôi, Trường Đại học Đà Lạt vẫn còn biết bao nhiêu kỷ niệm. Con đường từ cổng vào xanh rợp bóng cây, rừng thông trong vườn trường vi vu nắng gió, chỗ nào cũng có sắc hoa thay đổi theo từng mùa. Xuân, hoa anh đào phớt hồng kiêu sa, đài các. Hè, phượng tím ngẩn ngơ, nhung nhớ. Thu, mimosa vàng tươi, e ấp. Đông đã có dã quỳ bình dị điểm tô. Đâu đâu cũng rợp sắc hoa, suốt cả bốn mùa rực rỡ. Nhưng tôi nhớ nhất là những khu giảng đường bề thế khang trang mà trầm tư, tĩnh lặng. Dù rất đông người, chúng ta vẫn nghe được tiếng trái thông rơi, tiếng sột soạt của chiếc lá khô vừa lìa cành, tiếng chim lảnh lót trong vòm lá. Ai cũng có chung ý thức giữ gìn sự thanh bình cho chốn này. Phải chăng khí hậu của vùng cao nguyên ôn hòa hun đúc hay là do con người đã tiếp nhận một vốn văn hóa đủ đầy để tạo nên sự lịch lãm, bặt thiệp? Quý thầy với mái tóc điểm bạc, giờ lên lớp luôn mặc comple, thắt caravat; phong thái ung dung, điềm đạm. Những vần thơ, lời giảng ấy mãi còn văng vẳng bên ngàn tán thông xanh, theo tôi suốt quãng đời đi dạy học. Tôi luôn tự hào mình là sinh viên Văn khoa của Đại học Đà Lạt!
 
Tôi nhớ khu nhà trọ ở đường Thông Thiên Học. Suốt 4 năm, một căn phòng, một dãy trọ và không thay đổi chỗ ở. Bạn bè tứ xứ về đây, kể cho nhau nghe quê mình “đất cày lên sỏi đá”, cha mẹ chắt chiu từng trái bắp, củ khoai để nuôi lớn những ước mơ. Trăm ngả đường, chúng tôi chọn đến Đà Lạt và chưa bao giờ tiếc nuối. Nhà trọ cận kề Linh Sơn tự, sớm chiều tiếng chuông chùa cứ ngân vang, thanh thản. Tiếng chuông vỗ về an ủi, tiếng chuông nhắc nhớ trách nhiệm, tiếng chuông nhỏ từng giọt long lanh vào hồn tôi như những giọt sương buổi sớm mai trên ngàn lá. Nghe tiếng chuông chùa mà lòng an yên đến lạ! Chủ trọ đối đãi với sinh viên như em út trong nhà. Mà cũng lạ, dù từ đâu đến, khi sống ở Đà Lạt rồi thì con người cũng trở nên hiền lành, thơm thảo. Thiên nhiên đã ưu đãi những điều tốt đẹp nhất, mưa nắng thuận hòa, đất đai màu mỡ, khí hậu trong lành, cái lạnh của cao nguyên Lâm Viên làm mềm mượt tính cách con người Đà Lạt chăng? Với tôi, người Đà Lạt có nét thanh lịch chốn Tràng An, phóng khoáng của vùng Nam Bộ, cần cù chịu khó của miền Trung, ung dung trầm lắng của cố đô Huế. Con người như muốn xích lại gần nhau để thương mến, chớ ít tranh giành hơn thiệt. Đến bến xe Đà Lạt, tôi nhận ra điều này, gắn bó rồi tôi càng tin vào điều đó!
 
Tôi nhớ những chiều mưa lạnh buồn, cô đơn, quạnh vắng. Nhớ những con dốc xưa nơi mình vu vơ chờ đợi. Nhớ con đường vắng bên hồ Xuân Hương, phía Đồi Cù. Nhớ tiếng vó ngựa đều đều khua bên triền dốc. Nhớ tiếng rao bánh mì nóng giòn trong đêm sương mờ mịt. Nhớ tiếng chuông giáo đường của nhà thờ Con Gà mỗi ngày Chúa nhật, dù tôi là kẻ ngoại đạo. Nhớ quán rượu chiều mưa bên triền dốc, anh bạn xứ Quảng cao hứng đọc thơ, kể cho tôi nghe ngày xưa Hàn Mặc Tử đã từng đến Đà Lạt thăm Quách Tấn. Chẳng biết họ nói với nhau điều gì, để rồi tuyệt phẩm “Đà Lạt trăng mờ” ra đời, khiến những kẻ yêu thơ thêm thổn thức: “Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều/ Để nghe dưới đáy nước hồ reo/ Để nghe tơ liễu run trong gió/ Và để xem trời giải nghĩa yêu”…
 
Xa Đà Lạt đã hơn 20 năm, tôi vẫn lặng lẽ dõi theo từng bước đi của phố núi ngàn hoa. Đà Lạt là thành phố của thông reo, sương phủ, mưa bay, hay mây trôi bềnh bồng. Thành phố của du lịch, văn hóa, thơ, ca nhạc, họa… Với tôi, Đà Lạt còn thêm là tình yêu, là nỗi nhớ khôn nguôi!
 
PHAN HUY THÙY